Di chứng hậu Covid-19
Stress, thậm chí rối loạn tâm thần, là nhóm bệnh cần xem như một dạng hậu Covid-19, bên cạnh các triệu chứng thực thể khiến một số F0 khỏi bệnh nhưng chưa thấy khỏe
Thời gian qua, nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM mở thêm khoa hậu Covid-19 sau khi ghi nhận nhiều trường hợp F0 khỏi bệnh không hồi phục như mong đợi hoặc nảy sinh các vấn đề sức khỏe khác.
Không chỉ tác động lên phổi
Nếu trong giai đoạn đầu đại dịch, tác động của Covid-19 - một bệnh viêm đường hô hấp - lên 2 lá phổi được quan tâm nhiều nhất thì các bằng chứng khoa học trong và ngoài nước ngày càng chứng minh những tác động đa dạng của căn bệnh.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) thống kê một loạt triệu chứng hậu Covid-19 và lưu ý vấn đề gặp ở một số bệnh nhân nhẹ: khó thở/thở gấp; mệt mỏi; khó chịu khi gắng sức; "sương mù não" - tức khó nghĩ, khó tập trung; ho; đau ngực; đau dạ dày; đau đầu; tim đập nhanh hoặc mạnh; đau khớp hoặc cơ; tiêu chảy... Đối với các triệu chứng phổ biến, đa số có thể tự hồi phục nhưng cũng có người sẽ cần đến bác sĩ.
Tại Hội nghị khoa học Tim mạch - Lão khoa quốc tế lần 5; Hội nghị khoa học về Covid-19 và hậu Covid-19 do BV Thống Nhất (TP HCM) tổ chức lần lượt vào giữa tháng 11 và giữa tháng 12-2021, các vấn đề về tim mạch hậu Covid-19 được báo cáo đa dạng nhất trong nhiều nghiên cứu: suy tim ở bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi, rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh tư thế đứng, viêm cơ tim, huyết khối, tắc mạch...
Trong đó, báo cáo từ PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc BV Thống Nhất, lý giải nguyên nhân là do việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào thông qua một loại protein gọi là thụ thể ACE2, mà thụ thể này lại có rất nhiều trên hệ thống tim và mạch máu, do đó bệnh nhân tim mạch dễ bệnh nặng khi mắc Covid-19; ngược lại tỉ lệ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân Covid-19 cũng cao và tỉ lệ gặp vấn đề tim mạch trong Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 cũng vậy.
Ngày 7-1, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) thông tin về trường hợp một bé trai 5 tuổi (ngụ huyện Củ Chi) gặp hội chứng MIS-C (viêm đa cơ quan sau Covid-19 ở trẻ em) dẫn đến sốc tim/viêm cơ tim. Rất may, huyết động học của bé đã ổn định sau 24 giờ và sức khỏe dần hồi phục, xuất viện sau 3 tuần. PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết đó là một biến chứng hiếm gặp nhưng nặng sau Covid-19 mà BV đã tích cực đề ra phác đồ tầm soát, điều trị và đã cứu sống nhiều cháu trước đó.
Có thể gây "triệu chứng giả"
Theo báo cáo từ bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội thần kinh BV Thống Nhất, đưa ra tại Hội nghị khoa học về Covid-19 và hậu Covid-19 nói trên, tỉ lệ gặp các vấn đề thần kinh - tâm thần hậu Covid-19 là 33% ở bệnh nhân Covid-19 nói chung và lên tới 42%-46% ở bệnh nhân phải nằm hồi sức. Các vấn đề thường gặp nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế...
Cơ chế của tình trạng chưa rõ ràng nhưng một số nghiên cứu cho rằng do virus tồn tại trong máu kéo dài, phản ứng viêm và miễn dịch, sang chấn tâm lý khi mắc bệnh...
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, Trưởng Khoa Tâm thể - Phòng khám BV Đại học Y Dược 1, thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đến khám do các rối loạn tâm thần hậu Covid-19 tăng cao, trong đó phổ biến nhất vẫn là trầm cảm và rối loạn lo âu. Tình trạng này có thể là tác động tổng hợp của cả bệnh Covid-19 họ từng mắc lẫn giai đoạn giãn cách, phải ở nhà kéo dài và các vấn đề gây căng thẳng khác trong công việc khi tái hòa nhập.
Bác sĩ Trần Minh Khuyên cảnh báo về "bệnh tâm thể" có thể xảy ra hậu Covid-19: "Chính stress khiến bệnh nhân luôn cảm thấy tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, khó thở, có khi ngất xỉu... cho dù tim, phổi họ không bị gì cả". Các vấn đề thực thể "giả" do stress ban đầu là vô hại nhưng nếu không được điều trị đúng, tim đập nhanh hoài, hormone adrenaline tăng liên tục...có thể diễn tiến thành cao huyết áp thật; corticoid tự nhiên trong cơ thể tăng gây viêm loét dạ dày thật... Khi đó, bệnh nhân gián tiếp mắc phải các vấn đề tim mạch, dạ dày...
TP HCM trở thành "vùng xanh"
UBND TP HCM vừa có thông báo khẩn về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, tính đến ngày 6-1-2022, dịch Covid-19 tại thành phố đạt cấp độ 1 là "vùng xanh" - nguy cơ thấp. Trong tuần này, TP HCM có một địa phương tăng cấp độ dịch và 3 địa phương giảm cấp độ dịch so với tuần trước. Cụ thể, TP Thủ Đức tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2; các quận 4, 11 và Tân Phú giảm cấp độ dịch từ cấp 2 xuống cấp 1.
Bộ Y tế cho biết ngày 8-1, cả nước ghi nhận 16.553 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố. Hà Nội hiện vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất. Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/di-chung-hau-covid-19-20220108213135736.htm