Di chứng từ quai bị, 12 năm mới chạm tới giấc mơ có con
Bác sĩ chẩn đoán anh Quân cần làm hỗ trợ sinh sản nhưng chi phí lớn nên 12 năm sau, hai vợ chồng mới chạm tới ước mơ.
Ngày 14/5, tại buổi tọa đàm các gia đình có con thành công nhờ Kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản hiện đại do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức, vợ chồng chị Trần Thị Thảo (sinh năm 1992) - anh Đàm Văn Quân (sinh năm 1988, trú tại Tuyên Quang) không giấu được cảm xúc kể về hành trình tìm kiếm cơ hội có con sau 12 năm kết hôn.
Chị Thảo tâm sự, hai vợ chồng chị kết hôn từ năm 2009. Sau 1 năm không có con, chị Thảo đã đi cắt thuốc nam về để hai vợ chồng cùng uống. Tuy nhiên, 5 tháng uống thuốc ròng rã, gia đình vẫn không có tin vui. Chị Thảo vay mượn ít tiền để đi khám.
Bác sĩ chẩn đoán anh Quân bị tinh trùng yếu, nhiều tinh trùng bị dị dạng do di chứng của quai bị nên không thể có con tự nhiên. Nếu muốn sinh con, hai vợ chồng phải làm can thiệp hỗ trợ sinh sản, chi phí cả trăm triệu đồng. Thời điểm đó, vợ chồng chị Thảo đều lo lắng không biết lấy tiền từ đâu để có thể sinh con.
Chị Thảo về quê đi mua bán rau quả ở chợ, buôn đồng nát. Công việc gì có tiền là chị làm. Tuy nhiên, hai vợ chồng kiếm được bao nhiêu tiền cũng chỉ đủ chi tiêu. Nhiều lúc, họ chán nản, áp lực kinh tế và tâm lý rất lớn. Anh Quân nhiều lần muốn vợ lấy chồng khác nhưng chị Thảo vẫn kiên trì với hy vọng cơ hội làm cha mẹ sẽ tới.
Năm 2016, chị Thảo đi làm công nhân và bắt đầu có tiền tiết kiệm. Năm 2019, trong tay có 40 triệu, hai vợ chồng vay mượn thêm mang xuống Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí hết 120 triệu đồng, chị Thảo được 9 phôi. Phôi được 3 ngày, chị Thảo truyền 3 phôi vào buồng tử cung nhưng không đậu. 6 phôi còn lại được nuôi dưỡng nhưng đến ngày thứ 5 thì hỏng.
Hai vợ chồng thất vọng ra về. Chồng chị Thảo buồn rầu luôn đòi ly hôn vì không muốn vợ khổ. Chị Thảo vẫn động viên chồng cố gắng làm trả nợ. Sau đó, chị Thảo được bạn giới thiệu tới chương trình Ươm mầm hạnh phúc, tặng chi phí hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng khó khăn. Hồ sơ của chị Thảo đã được duyệt ngay lần đầu tiên. Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng, họ đã được đón đứa con trai đầu lòng vào năm 2022.
Tại buổi chia sẻ, mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã chạm vào hạnh phúc thiêng liêng.
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kể gánh nặng chi phí với các cặp đôi hiếm muộn rất lớn.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh dưới 30 tuổi. Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Hưởng cho biết hiện nay các cặp vợ chồng cùng đi khám vô sinh, không còn quan niệm lỗi do người vợ như trước đây. Nếu cặp vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai, sinh hoạt tình dục đều đặn sau 1 năm không có thai đó là vô sinh hiếm muộn. Vô sinh có thể là nguyên phát (chưa từng có thai) hoặc thứ phát (đã có thai một lần).
Bác sĩ Hưởng khuyến cáo các bạn trẻ trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản; khám sức khỏe tiền hôn nhân để chuẩn bị cho việc sinh con; cần có sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần. Phụ nữ nên đi khám vô sinh sớm khi trên 35 tuổi, có kinh nguyệt không đều.