Cảnh sát cho biết có 200-300 người biểu tình, đa số từ Tây Phi, đã xông vào bên trong khu lăng chôn cất các anh hùng dân tộc Pháp như Voltaire và Victor Hugo, vào khoảng trưa ngày 12/7, theo Reuters. Ảnh: AFP.
Nhưng các ước tính khác từ nhóm hoạt động và nhân chứng nói có tới 700 người, theo BBC. Ảnh: Reuters.
Các thanh niên hô vang “áo khoác đen” - liên tưởng đến phong trào biểu tình chống chính phủ “áo khoác vàng” - cũng tuần hành xung quanh điện, nằm trong Khu phố Latin tấp nập khách du lịch của thủ đô Paris. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi sẽ ở đây cho tới khi người cuối cùng được trao giấy tờ”, tờ rơi từ người tổ chức biểu tình viết. Cuộc biểu tình đã buộc các du khách phải sơ tán khỏi khu di tích. Khoảng 50-60 cảnh sát chống bạo động đã chặn đường trước khi đưa những người biểu tình ra khỏi điện. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình vẫy những tờ giấy, hô khẩu hiệu và yêu cầu đối thoại với Thủ tướng Pháp Édouard Philippe về quy chế nhập cư dành cho họ. “Chúng tôi không muốn đối thoại với bộ trưởng Nội vụ hay các quan chức nữa, chúng tôi muốn nói chuyện với Thủ tướng Édouard Philippe ngay bây giờ”, tờ rơi viết. Ảnh: AFP.
Lãnh đạo phe cực hữu ở Pháp Marine Le Pen gọi cuộc biểu tình là không thể chấp nhận. Bà tweet rằng: “Ở Pháp, tương lai duy nhất dành cho người nhập cư bất hợp pháp là bị trục xuất, vì đó là luật”. "Tất cả những ai đã vào trong điện Panthéon đều đã được đưa ra", Thủ tướng Philippe nói trên Twitter. "Pháp là đất nước dựa trên luật pháp... tôn trọng các khu di tích công cộng và những điều được tưởng niệm". Ảnh: Reuters.
37 người bị bắt giữ. Tuy có xảy ra xô xát ở bên ngoài, không khí bên trong điện Panthéon được mô tả là "ôn hòa" theo đài phát thanh RFI (Pháp). "Có nhiều bài phát biểu về phân biệt chủng tộc, về quyền của chúng tôi", một thành viên của nhóm tổ chức biểu tình nói. Ảnh: Reuters.
Theo New York Times, trong những năm qua, số di dân xin tị nạn ở Pháp tăng vọt (85.000 năm 2016 lên 122.000 năm 2018). Trước tình trạng này, Pháp đã đóng cửa biên giới với Italy và tăng cường trấn áp nhập cư bất hợp pháp. Tình hình căng thẳng nhất ở các thành phố lớn. Ảnh: Reuters.
Thủ đô Paris, từ cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, không còn đủ nơi tạm trú cho di dân, buộc họ phải sống trong điều kiện tồi tệ ở phía bắc và phía đông thành phố. Khoảng 700-1200 di dân phải ngủ ngoài đường Paris trong tháng ba, theo thống kê của thành phố. Ảnh: Reuters.
Nhiều người biểu tình lần này sống trong các khu ở tạm cho di dân ở Paris hoặc trên vỉa hè. Họ đã tổ chức các cuộc biểu tình khác trong những tháng qua. Ảnh: Reuters.
Tháng năm, hàng trăm người biểu tình “áo khoác đen” chiếm lấy một ga của sân bay Roissy-Charles de Gaulle để lên án hãng hàng không Air France hợp tác trong việc trục xuất di dân không giấy tờ về nước. Tháng sáu, họ chặn kín lối vào của một công ty phục vụ bữa ăn ở khu phố tài chính của Paris, lên án công ty này bóc lột di dân không giấy tờ. Ảnh: Reuters.
Kể từ khi đắc cử năm 2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện các chính sách cứng rắn với người nhập cư. Pháp lập trung tâm xử lý tị nạn ở Niger, để ngăn cản các di dân đi những tuyến đường biển nguy hiểm vào châu Âu. Kể cả khi đến từ các nước được Pháp coi là an toàn như Benin, Senegal, Ghana, cơ hội được cho phép tị nạn rất nhỏ. Nhiều di dân chịu cảnh “lơ lửng” nhiều tháng mà không nhận được kết quả. Ảnh: Reuters.
Chưa hết, một luật mới về tị nạn và nhập cư năm 2018 cắt giảm thời gian xin tị nạn từ 120 ngày xuống 90 ngày, và kháng cáo từ một tháng còn 15 ngày. Thời hạn giam giữ trước khi trục xuất được kéo dài từ 45 ngày lên 90 ngày. Ảnh: AFP.
Trọng Thuấn