Đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa

13 năm là trưởng thôn, 7 năm là bí thư chi bộ, anh Lý Văn Bế ở thôn Vàng Bó (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) luôn 'tròn vai' ở tất cả các vị trí công tác. Không chỉ vậy, anh còn đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và là hạt nhân gắn kết tập thể, được đảng viên, quần chúng nhân dân tôn trọng, cảm phục, quý mến.

Về thị trấn Phong Thổ, chúng tôi được nghe cán bộ và người dân kể nhiều về anh Lý Văn Bế (dân tộc Thái) ở thôn Vàng Bó luôn tận tâm với công việc. 53 tuổi đời thì anh có 16 năm tuổi đảng. Từ công an viên, năm 2011 anh Bế được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn và đến năm 2017 tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ. Hiện nay, anh đang giữ 2 vai: Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Vàng Bó.
“Anh Bế luôn gương mẫu, đi đầu, làm việc tâm huyết, trách nhiệm, là tấm gương cho đảng viên noi theo” - đồng chí Nguyễn Đức Hội, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ khẳng định.
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo thị trấn, chúng tôi tìm đến nhà anh Bế. Ngôi nhà của gia đình anh không quá lớn nhưng dễ tìm với rất nhiều loại hoa trồng trước cổng. Phía trong nhà, anh Bế đang hướng dẫn bà con kỹ thuật bảo quản ngô tránh mối mọt.

Anh Bế hướng dẫn người dân thôn Vàng Bó bảo quản ngô.

Anh Bế hướng dẫn người dân thôn Vàng Bó bảo quản ngô.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Bế cho biết: “Thôn Vàng Bó có 99 hộ dân, 412 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, tình trạng trộm cắp vặt, tệ nạn xã hội còn tồn tại. Tôi đã cùng Ban Chi ủy, trưởng các đoàn thể bản tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiên phong thực hiện các mô hình kinh tế mới kết hợp vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân đưa giống cây, con mới vào gieo trồng, chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đối với những diện tích trồng ngô kém hiệu quả, hướng dẫn bà con chuyển đổi trồng táo, mía”.
Đến nay, các hộ dân trong thôn trồng 2ha mía; chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả khi người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, chọn mua con giống chăn nuôi tốt. Năm 2023, trong khi nhiều thôn, tổ dân phố của thị trấn và các xã lân cận có gia súc chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng đàn vật nuôi trong thôn vẫn được bảo vệ an toàn. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm của thôn là 2.333 con (trong đó đàn lợn 171 con, đàn gia cầm 2.150 con).
Với sự khích lệ, định hướng của anh Bế cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể bản, một số gia đình tận dụng có nhà ở cạnh mặt đường quốc lộ kinh doanh dịch vụ; trồng thêm ngô, lúa; cơ giới hóa vào sản xuất, giảm thời gian, công sức lao động. Qua thống kê, cả thôn có 50 máy tẽ ngô, 14 máy cày bừa mini. Một số khác lựa chọn đi làm việc tại các công ty ở miền xuôi. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2023 đạt 28 triệu đồng/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2022). Gần 90% số hộ có nhà xây kiên cố; 100% số hộ có xe máy, còn 13 hộ nghèo.
Song song với phát triển kinh tế, anh Bế vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, chung sức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập cũng như giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Trong thôn nhiều năm không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Đã thành lập 2 đội văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên. Số lượng người nghiện ma túy giảm dần. Đặc biệt, năm 2019 các hộ dân thống nhất trích lại hơn 300 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng xây dựng nhà văn hóa thôn.
Đối với hoạt động của chi bộ, anh Bế cùng với Ban Chi ủy không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, phát triển đảng viên mới; ra nghị quyết lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội đúng, trúng. Chi bộ không ngừng vững mạnh, từ 6 đảng viên (năm 2017) đến nay tăng lên 16 đảng viên.
Ngoài thời gian làm công việc xã hội, anh Bế cùng vợ phát triển kinh tế gia đình. Gia đình anh canh tác trên 1.000m2 ngô, 1ha chuối, duy trì nuôi 12 con lợn… cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hai con của anh chị giờ cũng khôn lớn, trưởng thành, có công việc, lương tháng ổn định, giúp cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá.
Hết lòng vì nhân dân phục vụ, anh Bế đang cống hiến hết mình cho sự đổi thay của thôn Vàng Bó. Thiết nghĩ, tấm gương của anh Lý Văn Bế cần tiếp tục được nhân rộng để lan tỏa việc tốt trong cộng đồng.

T.H

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-l%C3%A0m-theo-b%C3%A1c/%C4%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-trong-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-v%C4%83n-h%C3%B3a