Di dời cơ sở ô nhiễm môi trường: Doanh nghiệp lo lắng về thủ tục, giá đất

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 2.000 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động. Hầu hết các cơ sở này đều có nhà xưởng nằm trong khu dân cư, quá trình hoạt động ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Tỉnh đang có chủ trương di dời các cơ sở này. Nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng bởi các thủ tục và giá thuê đất.

Còn nhiều lo lắng

Anh Nguyễn Đăng Duy, chủ cơ sở đúc kim loại và gia công cơ khí Đăng Duy, phường 12, TP Vũng Tàu chia sẻ, cơ sở của anh chuyên sản xuất các loại máy bơm và linh kiện thay thế trên tàu đánh bắt xa bờ. Đây là ngành nghề bắt buộc phải di dời vào khu sản xuất tập trung nên nhiều năm qua cơ sở liên tục phải chuyển đổi chỗ hoạt động, cách xa khu dân cư. Nhưng các khu dân cư mở rộng cũng nhanh nên địa điểm cơ sở đang hoạt động cũng nằm trong khu dân cư, vì vậy mà không dám đầu tư mở rộng.

Đến nay, được địa phương quy hoạch đưa vào khu sản xuất tập trung thì cũng tốt, ổn định nhưng anh Duy lại lo giá thuê đất cao. Theo cách tính giá thuê đất tại cụm tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng của UBND TP. Vũng Tàu mà cơ sở của anh Duy sẽ chuyển vào là gần 200.000 đồng/m2/năm (chưa tính giá thuê đất thô) quá cao so với thuê đất bên ngoài.

Cụm tiểu thủ công nghiệp Hòa Long, TP. Bà Rịa đã hoàn thiện hạ tầng

Cụm tiểu thủ công nghiệp Hòa Long, TP. Bà Rịa đã hoàn thiện hạ tầng

Anh Duy mong muốn, TP. Vũng Tàu có chính sách hỗ trợ giá thuê đất cho các sơ sở sản xuất: “Cơ sở rất muốn vào khu tập trung để yên tâm sản xuất. Tuy nhiên. giá thuê đất như hiện nay thì cơ sở không khả năng trả, còn đầu tư nhà xưởng nữa khi vào khu tập trung, giá cao gấp 2 lần so với mặt bằng chung tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Tôi mong muốn giá thuê đất bằng với mặt bằng chung trên địa bàn để khi vào đó cơ sở còn đầu tư, tăng quy mô sản xuất không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài”.

Đồng thuận với chủ trương di dời vào cụm tiểu thủ công nghiệp của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng mong muốn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công bố danh sách di dời, sớm hướng dẫn các thủ tục di dời để chủ động trong sản xuất.

Nhiều cơ sở sản xuất muốn di dời sớm vào khu sản xuất tập trung để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng

Nhiều cơ sở sản xuất muốn di dời sớm vào khu sản xuất tập trung để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng

Bà Nguyễn Thị Chiêm Lang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao Vũng Tàu kiến nghị: “Đợt đầu tiên di dời cũng khoảng gần 100 doanh nghiệp, cơ sở. Như vậy thì cũng chưa biết danh sách cụ thể là cơ sở nào. Cho nên việc này chính quyền cần kiểm tra, rà soát xem xét và thông báo sớm cho doanh nghiệp để có sự chuẩn bị”.

Quyết liệt di dời

TP. Bà Rịa hiện có 2 cụm tiểu thủ công nghiệp tại xã Hòa Long và Long Phước với quy mô gần 20ha. Thành phố dự kiến đến năm 2025 sẽ di dời 236 cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường vào 2 cụm này hoạt động, trước mắt trong năm 2023 sẽ di dời 29 cơ sở.

Theo UBND TP. Bà Rịa, hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất chưa đủ cơ sở pháp lý để đưa vào khu sản xuất tập trung. Cụ thể, để di dời vào khu sản xuất tập trung thì các chủ cơ sở, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục: chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng công trình nhà xưởng…Sở Công Thương đang hướng dẫn các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất các bước quy trình theo quy định.

Các cơ sở cơ khí trên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ di dời vào khu tập trung

Các cơ sở cơ khí trên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ di dời vào khu tập trung

Còn về giá thuê đất tại các cụm tiểu thủ công nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khảo sát, lập thủ tục giá đất trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2023.

“Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh về giá đất tại các cụm tiểu thủ công nghiệp để phê duyệt. TP. Bà Rịa cũng mời các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất họp triển khai dự thảo của giá đất”, bà Nguyễn Thị Kim Liên nói.

Lãnh đạo UBND TP. Vũng Tàu cho biết, đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất vào khu quy hoạch tập trung, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng với diện tích gần 35ha. Trong đó giai đoạn 1 là 16 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 965,5 tỷ đồng.

Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc. Đến tháng 6/2024, sau khi hoàn thành sẽ có 89 cơ sở tiến hành di dời, đến năm 2025 sẽ di dời toàn bộ 650 cơ sở trên địa bàn thành phố vào khu sản xuất tập trung này.

Khu tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng, TP. Vũng Tàu hoàn thiện sẽ tiếp nhận 650 cơ sở vào hoạt động

Khu tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng, TP. Vũng Tàu hoàn thiện sẽ tiếp nhận 650 cơ sở vào hoạt động

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, sẽ có 7/21 lĩnh vực ngành nghề thuộc diện di dời trước là: sản xuất nước đá, mộc cưa xẻ gỗ, gia công cơ khí, sơn thổi nilông, hóa chất, tái chế sản phẩm; vật liệu xây dựng, sản xuất than các loại; chế biến lương thực, thực phẩm; gia công may mặc.

Ông Thuấn cho biết thêm, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở di dời vào khu tiểu thủ công nghiệp đã được HĐND tỉnh bà Rịa- Vũng Tàu ban hành tại Nghị quyết số 41/2018: “Tỉnh sẽ hỗ trợ về đầu tư xây dựng cơ sở mới tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở, đồng thời hỗ trợ tiền lương cho công nhân khi ngừng sản xuất theo từng tháng, tuy nhiên không quá 6 tháng. Cuối cùng là hỗ trợ chấm dứt hoạt động, mức hỗ trợ này là 200.000 đồng/m2 nhà xưởng nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở”.

Để cải thiện và giải quyết trình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, khu đô thị thì việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp, khu tập trung là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc di dời này rất cần sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền đối với các cơ sở sản xuất, giúp họ an tâm mạnh dạn đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.

Lưu Sơn/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/di-doi-co-so-o-nhiem-moi-truong-doanh-nghiep-lo-lang-ve-thu-tuc-gia-dat-post1060001.vov