Di dời để mở rộng không gian phát triển đại học
Một trong những nhiệm vụ cụ thể được nêu trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở giáo dục đại học trong nội thành ra khu vực ngoại vi của các thành phố lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc khi thực hiện chủ trương di dời. Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã dành cho Đài Hà Nội cuộc trò chuyện về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, chủ trương di dời các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đặt ra từ lâu, nhưng việc thực hiện rất chậm chạp. Theo ông, nguyên nhân chính là gì?
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Theo tôi, nguyên nhân chính là quyết tâm chưa cao. Rất nhiều trường chưa chuyển ra bên ngoài, chưa có kế hoạch cụ thể, chi tiết và còn tâm lý chờ đợi nhau. Khi các trường di dời thì cơ sở vật chất đầy đủ, các điều kiện hạ tầng dạy và học chuẩn bị cho việc dạy học đầy đủ, trọn vẹn đã. Thứ ba, và quan trọng nhất đó là tâm lý của các thầy cô là ngại đi xa. Thứ tư là yếu tố thuộc về sinh viên. Tất cả những yếu tố đó khiến cho việc di dời đình trệ và chậm chạp.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng chỉ nên di dời sinh viên lên học ở cơ sở 2, còn cơ sở chính của các trường đại học vẫn giữ lại trong nội đô (như một di sản, một địa điểm nghiên cứu khoa học). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Dạy, học, nghiên cứu khoa học kể cả các hoạt động hợp tác quốc tế thì nếu chúng ta đặt ở chỗ khác như văn phòng đại diện thì sẽ vẫn còn lấn cấn, một thứ gì đó nấn ná. Chủ trương chung, điều đó khó, bởi chúng ta phải tập trung vào một nơi thì mới đồng bộ, hiệu quả, mới yên tâm dạy học được. Tất nhiên có những điều kiện đặc thù nhưng rất ít thôi. Cơ bản an cư lạc nghiệp, các thầy cô đến nơi mới ổn định rồi sẽ quen với môi trường đấy và cũng sẽ biến môi trường đó thành môi trường văn hóa, cũng thành đô thị đại học hợp lý như các nơi trên thế giới. Thì chúng ta sẽ giải quyết được trọn vẹn bài toán này.
Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở giáo dục đại học trong nội thành ra khu vực ngoại vi của các thành phố lớn. Theo ông, để thực hiện được nhiệm vụ này, cần ưu tiên giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Hiện nay rất nhiều trường theo đúng quy định chung thì không đủ diện tích dạy học, không bảo đảm tiêu chuẩn dạy học cho sinh viên, thì với tầm nhìn xa và với tư duy rõ ràng rành mạch như vậy, bây giờ là lúc phải di dời, đảm bảo quy định về diện tích phòng học, bảo đảm về vốn, về quy hoạch, về kỷ cương. Khi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất của nơi đến, các đầu mối được giao nhiệm vụ rõ ràng như việc tinh gọn bộ máy hiện nay, từng cơ quan làm gì, thời điểm nào cần hoàn thành theo Luật Thủ đô thì cũng rất rõ rồi. Ngoài việc đất để di dời cơ sở giáo dục ra thì sẽ để dành cho công cộng để giảm tải ách tắc giao thông Thủ đô. Nhưng phải có thời điểm rõ ràng, kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị nguồn vốn, cơ sở vật chất và khi di dời thì mọi việc đã ổn thỏa, đủ tâm thế thong thả, chắc chắn làm việc đó để lần triển khai này phải chắc chắn, chắc thắng, không để lặp lại việc kỷ cương không nghiêm, không để tình trạng ai làm thì làm, ai không làm thì không sao.