Di dời hộ dân trong rừng phòng hộ Núi Cậu (Bình Dương): Khó cũng phải cố
Rừng phòng hộ Núi Cậu, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn và điều hòa khí hậu cho tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực này, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Sau nhiều năm vận động, đến nay người dân đã đồng tình nhưng cũng mong chính quyền sẻ chia, có chính sách phù hợp để sớm ổn định cuộc sống.
Tâm tình của người trong cuộc
Những năm 1983, hơn 100 hộ dân từ các nơi về sinh sống ở đất rừng phòng hộ Núi Cậu. Sau nhiều năm gắn bó, họ cũng có nhiều tình cảm với nơi này. Khi nghe UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương di dời để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, người dân có chút buồn và lo lắng cho tương lai. Tuy nhiên, đây là chủ trương chung nên mọi người đều đồng tình nhưng chỉ mong chính quyền có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho những người đã sống lâu đời nơi đây.
Điều người dân mong muốn nhất là được bố trí tái định cư ở nơi có điều kiện sống tốt, đầy đủ tiện ích để đảm bảo cuộc sống ổn định sau khi di dời. Mặt khác, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cho họ xây dựng nhà cửa, hỗ trợ sinh kế, được đào tạo nghề để có thể kiếm sống sau khi di dời.
Ông Thi Thanh Hòa (67 tuổi) một hộ dân ở rừng phòng hộ Núi Cậu tâm sự, hiện nay gia đình 3 thế hệ đang sống và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, bán đồ ăn, nước uống cho khách du lịch đến tham quan hồ Dầu Tiếng. Thu nhập mỗi tháng cũng được 15 triệu đồng, giờ di dời không biết sẽ làm gì để mưu sinh.
"Từ khi có dịch vụ du lịch, người dân vào cắm trại tại hồ Dầu Tiếng thì cuộc sống bà con nơi đây ổn định hơn, có đồng ra đồng vô mỗi ngày. Tuổi trẻ có thể phấn đấu vươn lên, còn người già thì di dời ra đó không biết làm gì. Mặc dù đã ở đây mấy chục năm nhưng nếu được bồi thường thỏa đáng thì bà con cũng sẽ di dời”, ông Thi Thanh Hòa chia sẻ.
UBND tỉnh có chủ trương di dời từ rất lâu nên bà con nơi đây không được sửa chữa nhà cửa, không được kéo điện nước. Sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp, thiếu thốn đủ thứ nên cuộc sống bà con nơi đây cũng lắm bấp bênh. Tuy nhiên, việc di dời cứ hẹn lùi, hẹn mãi từ năm nay sang năm khác cũng khiến bà con mất niềm tin.
Ông Mai Văn Hương (70 tuổi) nói: “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã có ý kiến về việc sớm di dời. Thế nhưng, cơ quan chức năng cứ trả lời năm này, sang năm nọ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Nếu di dời thì cần di dời sớm và đền bù thỏa đáng để cho bà con vui vẻ, chúc mừng vì có nơi ở mới”.
Sẽ có chính sách thỏa đáng
Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương), hiện nay còn 102 hộ đang sinh sống trong rừng phòng hộ Núi Cậu.
Để người dân đồng thuận việc di dời, trước đó, Ban quản lý cùng với UBND huyện Dầu Tiếng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng phòng hộ và lợi ích của việc di dời.
Để chuẩn bị di dời, UBND huyện đã bố trí khu đất tái định cư cho người dân ở xã Định Thành, nơi gần khu vực rừng phòng hộ. Qua khảo sát có 42 hộ được nhận tái định cư, các hộ còn lại đã có đất nền nên khi di dời sẽ được hỗ trợ nhà cửa, cây trồng để sản xuất.
Ông Trần Khắc Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, mới đây UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện rà soát lại và có đề xuất chính sách hỗ trợ di dời cho các hộ dân. Sau khi lấy ý kiến người dân, các ngành chức năng, huyện đã có báo cáo chuyển UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ cho ý kiến. Khi được thông qua, UBND huyện sẽ thông tin và thực hiện các bước hỗ trợ cho người dân di dời.
“Bà con ở đây chủ yếu buôn bán ở khu vực Chùa Núi Cậu, đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng và chỗ đất tái định cư cũng gần nên không xáo trộn lớn cho cuộc sống. Trách nhiệm của huyện đã xong, giờ chờ chỉ đạo của UBND tỉnh. Trước đây, UBND tỉnh đã cho chủ trương tái định cư nhưng còn vướng quy định về đất lâm nghiệp chứ không thì đã di dời xong lâu rồi”, ông Trần Khắc Quân cho hay.
Việc di dời người dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu là một việc làm cần thiết để bảo vệ rừng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, cần phải thực hiện một cách thận trọng, có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho những người dân đã gắn bó lâu đời, chung tay bảo vệ rừng trong nhiều năm qua.