'Di động' hẻm!
Tháng 10, Sài Gòn mưa nhiều. Bất kể sáng chiều hay đêm. Những bước chân di động qua muôn ngàn hẻm nhỏ để mưu sinh, vẫn mải miết.
Bún riêu sáng, bánh bèo chiều
Chú tên là Đức, quê xứ Mộ Đức (Quảng Ngãi) vô Sài Gòn kiếm kế sinh nhai đã 10 năm. Xe bún riêu mỗi sáng đẩy đi qua bao con hẻm. Rổ rau tươi vun ngọn, giá trắng ngần, rau muống xanh. Nồi nước riêu sôi sùng sục, chả lụa cà chua… Kêu lại mua giùm điểm tâm sáng, tô 20.000 đồng. Chú cười xởi lởi, em mới về quê vô, ngoài ấy đang lụt. Đôi khi dừng lại nói mấy điều tâm tình, Đức kể vẫn nặng nợ quê nhà, cha mẹ già và trăm thứ phải lo, nên vài tháng phải về một chuyến. Bước chân 10 năm ấy, từ phường Đông Hưng Thuận (quận 12) bên kia cầu nơi Đức thuê nhà ở trọ, đi qua bên này là Gò Vấp, mỗi sáng đến trưa bán quành ở vài ba khu phố, mùa nắng ráo có khi được gần trăm tô. Mùa này mưa gió, trưa về “tổng kết” được 60-70 tô là mừng. Nói rồi đẩy xe đi, rao như hát “riêu đây riêu đây”!
Chị tên là Sáu, quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), là con thứ sáu trong nhà nên cha mẹ đặt luôn theo thứ. Gặp chị từ hồi trước dịch Covid-19, mỗi chiều tầm 6 giờ, khi các trụ điện đã sáng đèn, nghe tiếng rao “bèo đây bèo đây” lảnh lót, là biết chị đã đạp xe qua bao nơi, rồi mới đến hẻm nhà mình. Mỗi dĩa chị bán 30.000 đồng, tùy theo khách mua, có khi chỉ bánh bèo, có khi cả bánh bèo bánh ít bột nếp cùng với bột đậu xanh tôm chấy. Kèm theo chén nước mắm mặn ngọt nêm nếm vừa chiều theo ý khách. Hỏi, chị Sáu nói chồng ở quê làm ruộng, vô đây với ba đứa con. Đứa con trai đầu đã lấy vợ, sinh con, mấy đứa sau đi làm chưa thành gia thất. Sáng phụ chăm cháu, tầm 1 giờ trưa là nổi lửa nhồi bột đổ bánh, làm đến 4 giờ chiều sắp dọn chất lên xe đạp đi, bán được 40-50 dĩa rồi về. Ngày qua ngày như vậy, “nhưng mùa này mưa quá chú ơi. Có khi đạp về gần như còn nguyên thau bánh, đành chịu”. Chị nói rồi liêu xiêu đạp chiếc xe đi, mảnh áo mưa bay phơ phất.
Chợ ngồi và chợ di động
Chị tên là Hào, chồng tên là Thuấn. Dễ đã hơn chục năm chị ngồi một góc đầu hẻm bán đủ thứ. Rau củ, hoa trái, thịt thà, cá mú… Con hẻm lớn chia năm nhánh, mỗi nhánh khoảng 60 hộ, vậy là khoảng 300 gia đình cư ngụ nơi đây. Hồi trước dịch Covid-19, anh Thuấn đi làm bảo vệ công ty, 3 giờ sáng hai vợ chồng trở dậy đi lấy hàng về bán. Sau dịch, công ty phá sản, anh về cùng phụ chị. Hàng lấy thêm nhiều hơn một chút, nhưng khách mua lại ít hơn trước. Quầy quả hai năm nay, chị nói: “Hồi trước bán sướng lắm, nay ế rề. Nên ngồi một chỗ tầm đến 10 giờ sáng, sau giờ ấy phải chất lên xe đi mời từng nhà. Ai mua được gì thì mừng chừng ấy”.
Không chỉ chị Hào, tỏa đi khắp nơi muôn ngàn con hẻm, không hiếm thấy các chú các cô độ chiếc xe máy, kéo theo sau là cả ngôi chợ di động, quành đi quành lại. Chiếc loa gắn ở đầu xe liên tục phát đi cà chua trứng gà xoài cam ổi quýt, rau lang cà tím khoai mỡ ngò hành… Tất tần tật, ngồi nhà khỏi ra chợ, bước ra cổng là có đủ thứ cho bữa cơm gia đình.
Tôi ngồi tẩn mẩn nhẩm tính, hồi năm 2000 có một số liệu, Sài Gòn có 2.796 con đường nhỏ chưa có tên. Hơn 20 năm qua, biết bao con đường mới mở, chưa kể hàng ngàn con hẻm nhánh của những con đường ấy. Nơi hàng triệu người sinh sống là nơi bao người kiếm kế sinh nhai. Những vòng quay xe máy xe đạp mỗi ngày đã đem về cho họ một cuộc sống tùng tiệm của người nhập cư, mỗi ngày lại càng nhiều thêm.
Nên chi, tự dưng có lúc trong suy ngẫm, con hẻm nhánh mình đang sống không chỉ im lìm, bất động mà có lẽ hàng muôn con hẻm khác cũng theo bước chân của những người bán rong… chuyển mình “di động”!
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/di-dong-hem/