Đi giữa biển đảo quê hương

PTĐT - Chuyến hải trình do Quân chủng Hải quân phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tổ chức đi thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa mang tên 'Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019'...

Kỳ I: Đất nước nơi đầu sóng

Phút tâm tình của những người lính đảo.

Phút tâm tình của những người lính đảo.

PTĐT - Chuyến hải trình do Quân chủng Hải quân phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tổ chức đi thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa mang tên “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019” có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Khởi trình đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác, càng làm cho những người được tham gia chuyến đi này như thêm tự hào, phấn chấn bên cạnh sự hồi hộp, cảm giác háo hức, khác lạ khi mà lần đầu được đến với biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc- nơi quê hương xa mà gần.

Con tàu KN 490 thuộc biên chế của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam xuất phát từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) lúc chiều muộn bằng lễ tiễn đoàn hành trình với những nghi lễ ngắn gọn, trang trọng, đầy cảm xúc. Sau những hồi còi dài và những cái vẫy tay tạm biệt, con tàu trực chỉ hướng biển Đông mà điểm đến dự kiến là xã đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa. Trước khi rời đất liền, đoàn hành trình đã có buổi tham quan thực tế hết sức ý nghĩa tại căn cứ quân sự Cam Ranh, thăm cảng quốc tế, hệ thống đường tuần tra, khu công viên tâm linh và dâng hương tại chùa Linh Nguyên… để hiểu thêm về những thành tích, chiến công, sự quả cảm của lực lượng Hải quân Việt Nam, cũng như chia sẻ những khó khăn, gian khổ, những hy sinh, mất mát của người chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.
Trở lại với Tàu KN 490, đây được xem là một trong những con tàu lớn và hiện đại, có chiều dài hơn 90m, chiều rộng 14m, chiều cao mạn 7m, có lượng giãn nước 2.400 tấn và được trang bị 4 động cơ với tổng công suất 12.000 CV cho phép chạy với tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động 5.000 hải lý, được trang bị hệ thống camera giám sát xung quanh và sân đỗ trực thăng, 2 vòi rồng công suất lớn có khả năng phun nước xa đến 150m. Tàu có nhiệm vụ tuần tra xa bờ đa năng, chuyên phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển của Việt Nam và quốc tế, duy trì luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, tàu còn thi hành các nhiệm vụ khác trên biển như cung cấp hàng hóa, hậu cần cho ngư dân, các đơn vị hải quân, cảnh sát biển, biên phòng cũng như cho các đảo xa. Tàu có khả năng tuần tra trong điều kiện sóng cấp 9, gió cấp 12. Tàu rời bến, đa phần những người lần đầu đi thăm đảo đều không tránh khỏi tâm trạng bồn chồn pha đôi chút lo lắng vì những con sóng. Nhưng cảm giác ấy đã được thay thế bằng sự phấn khích, rộn rã trên boong tàu và cảm giác chộn rộn, khó tả trong suốt những ngày, đêm đầu tiên trên biển. Không khác lạ sao được khi giữa vùng biển mênh mông chỉ trời, nước nắng gió ban ngày và ánh trăng thượng tuần về đêm, cùng con tàu lầm lũi tiến về phía trước. Trong cái cảm giác ấy, mong ngóng sớm được thấy phần máu thịt của quê hương trên biển xa làm cho mỗi người bớt đi những phần riêng tư của mình, cùng chung hướng góp ý, luận bàn về những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, về sự phát triển của đất nước và cả những “phương án” cho sự tối ưu hóa vấn đề bảo vệ chủ quyền trước sự rình rập của các thế lực bên ngoài luôn muốn xâm chiếm. Rằng đã có biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng của Tổ quốc và chúng ta nguyện thề với ông cha sẽ chiến đấu đến cùng nếu lợi ích quốc gia, dân tộc bị xâm hại. Rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của chính phủ Việt Nam tại hai quần đảo này đều là phi pháp.Rồi những chuyện “đại sự” tạm gác lại sau 1 ngày và 2 đêm đầu tiên, sáng sớm của ngày thứ hai, từ đài chỉ huy của tàu đã thấy thấp thoáng phần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đảo Song Tử Tây- là điểm đảo đầu tiên trong chuyến hành trình tới quần đảo Trường Sa. Đón chúng tôi và hải đoàn là chiến sỹ và chỉ huy đảo với những nét rất “đặc trưng” của lính đảo là nước da cháy nắng nhưng nụ cười thì thân thiện, hồn hậu luôn trên môi và sự nghiêm cẩn trong nghi thức chào đón, cũng như sự ân cần, chu đáo khi đón tay từng đại biểu rời xuồng. Song Tử Tây là một trong những đảo nổi lớn trong cụm đảo Song Tử, được giải phóng ngày 14/4/1975, là một trong những xã đảo trên quần đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có dân cư sinh sống và có chính quyền cấp cơ sở với đầy đủ cơ cấu tổ chức bộ máy như các địa phương trong đất liền. Dù điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng xã đảo này đã được đầu tư tốt về cơ sở vật chất. Nơi đây được đầu tư xây dựng âu tàu với sức chứa cho gần 100 tàu cá và làng chài có thể đảm bảo cùng lúc khoảng 400 ngư dân tránh trú bão khi cần thiết. Trạm bảo đảm kỹ thuật có khả năng sửa chữa nhỏ cho tàu cá của ngư dân; bệnh xá đảo với trang thiết bị hiện có đủ đảm bảo việc cấp cứu, xử lý các trường hợp ngư dân bị tai nạn trong lao động trên biển. Có thể thấy, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ đất liền cả về tinh thần cũng như đời sống vật chất, cùng với sự nỗ lực vượt gian khó đã làm cho đảo thêm nhiều sức sống và sự mạnh mẽ về khả năng phòng thủ quân sự. Ở đảo này, thứ cây xanh nhiều hơn cả là loài phong ba, thứ đến là bàng, tra, phi lao, muống biển… những loài cây chịu được sự khắc nghiệt của nắng, gió và nước biển. Nhưng hơn thế, màu xanh từ những vườn rau tăng gia mới là điều làm mọi người nể phục, dù việc trồng và chăm sóc rau xanh không hề đơn giản. Ngoài việc trồng rau xanh, các anh còn tăng gia sản xuất bằng việc nuôi gia súc, gia cầm đánh bắt hải sản để bổ sung nguồn thực phẩm tươi, đủ dinh dưỡng cho bữa ăn. Do đặc thù là xã đảo, công tác dân vận, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân luôn được các cán bộ, chiến sỹ thấm nhuần với nhiều việc làm thiết thực. Quân với dân trên đảo không chỉ thể hiện qua mối quan hệ tình cảm mà đó còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người, bởi các hộ dân trên đảo đều có vợ hoặc chồng tham gia công tác và là thành viên của các tổ chức chính trị, đoàn thể, là dân quân, giáo viên, y tá... Hàng năm, ngoài việc luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, các chiến sỹ đảo còn hướng dẫn giúp đỡ hàng trăm lượt tàu cá vào tránh bão, thực hiện các dịch vụ sửa chữa tàu cá, khám chữa bệnh, cung cấp nước ngọt miễn phí và bán dầu cho ngư dân ngang bằng với giá trong đất liền. Nói về nhiệm vụ của đảo trong thời gian tới, Trung tá Đậu Đình Dân- Chỉ huy trưởng của đảo cho biết: “Phát huy truyền thống đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Chia tay quân và dân đảo Song Tử Tây, cảm xúc đầu tiên về những người lính đảo, về miền đất máu thịt nơi cực đông của Tổ quốc vẫn là những lưu luyến đọng lại trong mỗi người trong suốt hải trình đi thăm các điểm đảo khác. Ở nơi ấy, dấu ấn về vùng đất xanh trên biển quê hương luôn vững vàng trước phong ba bão táp, căng mình nơi biển khơi để gánh trên mình trọng trách giữ yên bờ cõi của Tổ quốc.

Tất Cường

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/bien-gioi-bien-dao/201906/di-giua-bien-dao-que-huong-165312