Đi hái 'lộc' rừng
Từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, người dân vùng biên huyện Mường Lát lại tất bật kéo nhau vào rừng hái măng. Dù vất vả, nhọc nhằn nhưng 'lộc' từ rừng giúp cho bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể .
Tờ mờ sáng, anh Vi Văn Thiếp, 45 tuổi, ở bản Poọng, xã Tam Chung lại đồ đoàn chuẩn bị một ngày bận rộn, vào rừng hái măng.
Anh Thiếp nói, để chuẩn bị cho một ngày ăn rừng ở núi, ngoài quần áo lao động, gùi, bì đựng măng thì phải chuẩn bị thêm cơm nắm hoặc xôi đồ với muối vừng, muối lạc để ăn qua bữa.
Măng mùa này mọc nhiều ở khu vực gần suối, thung lũng độ ẩm cao, nhiều nước. Muốn hái được nhiều măng, măng ngon người hái cũng phải có kinh nghiệm và sức khỏe để băng qua những vạt rừng, khu rẫy. Nhiều người ham bẻ măng, đến tận khi trời tối mịt mới thu dọn để về.
Thông thường, với những bụi măng mới nhô lên mặt đất phải đào xuống dưới gốc mới lấy được, măng cao được khoảng 25cm trở lên thì có thể bẻ hoặc chặt. Khi bóc măng cũng cần khéo léo lột sạch vỏ măng già, không làm nát những lá măng non bên trong.
Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng anh Thiếp hái được 1 tạ măng các loại. Chủ yếu là măng bương, măng nứa, măng le... Giá bán măng tươi ở thời điểm hiện tại giao động từ 8 đến 9 nghìn đồng/kg, măng khô bán với giá 70 nghìn đồng/kg.
“Măng tươi nhập sỉ cho thương lái rẻ hơn nên gia đình tôi thường thái, tước nhỏ phơi khô. Nếu măng đã thái sợi thì chỉ phơi 3 ngày là khô, còn măng để miếng phải phơi từ 7 đến 10 ngày, măng khô đạt chuẩn được cho vào túi bóng, bọc kín chờ đến gần tết giá măng cao thì đưa ra bán” - anh Thiếp cho hay.
Đến nhà ông Vi Văn Thời, ở bản Poọng, xã Tam Chung khi ông vừa đi hái măng về. Sau bữa cơm muộn, các thành viên gia đình ông lại xúm vào đống măng tươi để phân loại rồi chế biến.
Theo ông Thời, trước đây bà con thường dựng lán trong rừng sâu ở cả tháng để thu hái, tuy nhiên ở trong rừng nguy hiểm, không quán xuyến được công việc gia đình, con cái. Hơn nữa, bây giờ đường giao thông thuận tiện nên bà con chỉ đi trong ngày.
Bà con quy ước với nhau rằng, không được thả trâu bò vào khu vực có măng rừng, khi hái măng không được hái hết, hái tận diệt mà mỗi bụi phải để lại 2 đến 3 búp măng để phát triển thành cây.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: Vào thời điểm này đang là mùa măng, bà con gần như ở tất cả các xã, thị trấn của huyện đều tập trung đi hái măng. Mùa mưa măng mọc nhiều nên hái rất nhanh. Măng hái về có thương lái đến tận nhà thu mua, thậm chí bà con không có măng mà bán.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/di-hai-loc-rung/28454.htm