Đi lao động ở nước ngoài, người Việt có thể kiếm gấp đôi trong nước

Nhìn chung, tiền lương của người lao động Việt Nam và các trợ cấp khác kiếm được ở nước ngoài cao hơn đáng kể so với mức lương trung bình trong nước, gấp ít nhất 2 hoặc 3 lần so với những người ở quê nhà, cấp số nhân này có thể cao hơn ở các nước tiếp nhận có thu nhập cao, chẳng hạn Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin được chia sẻ từ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về Tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư cho thấy, hiện có hơn 560.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.

Hầu hết những người di cư này là những người lao động đã rời xa gia đình và cộng đồng của mình để tìm kiếm công việc không chỉ trả cho họ mức lương cao hơn ở trong nước, mà còn mang cơ hội giúp họ trau dồi những kỹ năng mới có thể phù hợp với công việc có mức lương cao trong một thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng.

Theo nghiên cứu này, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến số lượng lao động di cư ra nước ngoài vào năm 2020 và 2021. Số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho thấy, năm thứ hai của đại dịch (2021) chỉ có 45.058 lao động được đi làm việc ở nước ngoài. Con số này sụt giảm mạnh so với 142.860 lao động di cư vào năm 2018 và 153.030 lao động đi làm ở nước ngoài vào năm 2019.

Trong giai đoạn 2018-2021, đại đa số lao động nhập cư, từ 87% đến 93% tổng số lao động nhập cư đã được đưa đến Nhật Bản hoặc Đài Loan. Trước đại dịch, Hàn Quốc cũng là một điểm đến ngày càng hấp dẫn, với 7.501 người lao động sang làm việc vào năm 2019 và có khả năng số lượng lao động Việt Nam đến đất nước này sẽ tăng sau đại dịch.

Các quốc gia tiếp nhận khác bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN như Thái Lan, và các quốc gia châu Âu, Trung Đông và châu Phi như Romania và Ả Rập Saudi.

Trong giai đoạn 2012-2016, 14 trong số 15 tỉnh có số lao động đi nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. 14 tỉnh này, bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bắc Ninh, đóng góp 3/4 tổng số lao động di cư ra nước ngoài. Nhật Bản là quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cư nhiều nhất trong giai đoạn 2018-2021.

Nghiên cứu có được từ báo cáo cũng cho thấy, nhìn chung, tiền lương của người di cư và các trợ cấp khác kiếm được ở nước ngoài cao hơn đáng kể so với mức lương trung bình trong nước.

Ví dụ, Hồ sơ Di cư Việt Nam năm 2016 của Tổ chức Di cư quốc tế cho thấy rằng người lao động đến Đài Loan có thể mong đợi kiếm được khoảng gấp bốn lần mức lương trung bình mà họ có thể kiếm được ở Việt Nam; lao động di cư sang Nhật Bản có thể kiếm được gấp 7-8 lần. Số liệu cập nhật thời điểm hiện nay không có sẵn, tuy nhiên, các xu hướng tiền lương này phần lớn vẫn không thay đổi.

Sự gia tăng đáng kể thu nhập này cho phép người lao động di cư gửi những khoản tiền lớn về nhà cho gia đình của họ. Ngay trong năm thứ hai của đại dịch, 18 tỷ USD kiều hối đã đổ vào Việt Nam vào năm 2021, chiếm khoảng 4,9% GDP. Khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dòng tiền gửi về dự kiến sẽ tăng 4,4% vào năm 2022 và 3,6% - 4,5% vào năm 2023.

Nghiên cứu cho thấy người di cư Việt Nam có thể kiếm được mức lương cao hơn gấp ít nhất hai hoặc ba lần so với những người ở quê nhà, cấp số nhân này có thể còn cao hơn ở các nước tiếp nhận có thu nhập cao, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước được giới thiệu việc làm. Ảnh - N.Dương.

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước được giới thiệu việc làm. Ảnh - N.Dương.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2022 hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực sau khi tình hình bệnh dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước dần khôi phục lại việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Cùng năm, Bộ đã thúc đẩy đàm phán với các nước tiếp nhận lao động để ký kết Thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động như như Malaysia, Australia, Cộng hòa Liên Bang Đức, Israel và các tỉnh Kanagawa và Miyagi của Nhật Bản.

Năm 2023, dự kiến sẽ đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cơ quan này cũng có kế hoạch đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký với nước tiệp nhận lao động Việt Nam; thúc đẩy đàm phán với Hàn Quốc để ký kết Bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS); thỏa thuận hợp tác về lao động với An-giê-ri, Cô-oét.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp ổn định thị trường lao động truyền thống; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác chuẩn bị nguồn, công tác đào tạo của các doanh nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào việc phát triển và mở rộng thị trường.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/di-lao-dong-o-nuoc-ngoai-nguoi-viet-co-the-kiem-gap-doi-trong-nuoc.htm