Đi lễ Phủ Tây Hồ, khấn sao cho đúng?

Việc đi lễ cầu phúc đầu năm đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt. Trong rất nhiều điểm đến của Hà Nội, phủ Tây Hồ vẫn luôn là điểm thu hút rất đông người dân đến cầu phúc, tài lộc đầu năm mới. Vậy, khách thập phương khấn thế nào cho đúng?

Lễ Phật trước, lễ Mẫu sau

Theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi.

Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri ân.

Cái xuất xứ ly kỳ của phủ Tây Hồ là thế. Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh. Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.

Mẫu Liễu Hạnh được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của thiên hạ" và cuối cùng quy y của Phật.

Vì mẫu Liễu Hạnh đã quy y nên khách thập phương khấn Phật trước, Mẫu sau.

Vì mẫu Liễu Hạnh đã quy y nên khách thập phương khấn Phật trước, Mẫu sau.

Ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ cho hay, vì mẫu Liễu Hạnh đã quy y của Phật nên tới Phủ Tây Hồ, khách thập phương có thể khấn lễ: “Nam mô A Di Đà Phật (3 lần). Hương tử chúng con kính lạy: – Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chế thắng Hòa Diệu, Đại vương “Tối linh chí linh”: Mẫu Đệ nhất thiên tiên! Mẫu Đệ nhị thượng ngàn! Mẫu Đệ tam thủy cung! Hương tử con là…Ngụ tại… Hôm nay là ngày…Tại: Phủ Tây Hồ phường Quảng Bá, Quận Tây Hồ. Con thành tâm kính dâng lễ vật: …Cung thỉnh Tam Tòa Thánh Mẫu, vua cha Ngọc Hoang, Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh, Hội đồng các quan, Bát bộ sơn trang, Thập nhị quan Hoàng, Thập nhị chầu cô, Thập nhị quan cậu, Ngũ lôi thiên tướng, Ngũ hổ thần quan, Thanh bạch xà thần linh, chấp kỳ lễ bạc chứng giám cho con được hưởng: Gia quyến bình an, đắc lộc, đắc tài, đắc thọ, bách sự như ý…. Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám. Cẩn tấu”.

70 trinh chiến sĩ công an sẽ “xử” nạn móc túi

Theo tính toán của Ban quản lý Phủ Tây Hồ, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách thăm quan. Ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ cho biết: “Tết năm nào Phủ cũng rất đông khách tới đi lễ, từ ngày 1 đến ngày mùng 3 Tết thì đa số là người Hà Nội, từ mùng 5 Tết khách thập phương lại đổ về khiến đường đông hơn… phải đến hết tháng Giêng, lượng khách tham quan mới giảm bớt”.

Đây cũng là thời điểm bọn “đạo chích” thường xuyên tìm đến “làm ăn”. Việc đảm bảo an toàn và tạo nét văn hóa trong khu vực phủ được Ban quản lý đặt lên hàng đầu.

Những ngày xuân mới, lực lượng an ninh sẽ được tăng cường từ 60-70 người, bố trí hoạt động 24/24. Bên cạnh việc tuyên truyền trên loa phát thanh, công khai dán ảnh số đối tượng trộm cắp, móc túi từng bị bắt để cảnh báo người dân, lực lượng cảnh sát hình sự được chỉ đạo tăng cường tuần tra bí mật, theo dõi, phát hiện các đối tượng nghi vấn qua hệ thống camera giám sát đặt ở nhiều nơi.

70 chiến sĩ công an sẽ hóa trang thành người đi lễ để "xử" nạn móc túi tại Phủ Tây Hồ.

70 chiến sĩ công an sẽ hóa trang thành người đi lễ để "xử" nạn móc túi tại Phủ Tây Hồ.

Cảnh sát mặc sắc phục năm nay chỉ làm nhiệm vụ ở vòng ngoài Phủ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Còn lại, hàng chục trinh sát hóa trang như người đi lễ được “ẩn” vào vòng trong để có thể tiếp cận được ngay số đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội.

Các trinh sát được quán triệt, không chờ đợi đối tượng gây án xong mới bắt giữ. Nếu phát hiện trường hợp khả nghi, trinh sát kiểm tra hành chính ngay. Biện pháp này giúp phòng ngừa hiệu quả tội phạm, răn đe từ xa số đối tượng có ý định trộm cắp, móc túi. Phủ Tây Hồ luôn đề cao giữ gìn an ninh trật tự. Bởi vậy, tình hình móc túi giảm dần theo từng năm.

Ông Hồi cho hay, nếu như Tết Nguyên đán 2015, 2016, Phủ xảy ra 5-7 vụ móc túi thì tới năm 2017 thì chỉ có 2 vụ, năm 2018 và năm 2019 không còn xảy ra vụ móc túi nào.

Để du khách đi lễ thảnh thơi, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ đã cương quyết thực hiện chiến dịch trong sạch hóa lễ hội. Những năm gần đây, trong Phủ Tây Hồ không còn bóng dáng của những kẻ ăn mày hay giả sư khất thực xin tiền. Nếu như ở nhiều nơi thờ tự khác, sách tử vi, tướng số còn bày bán, cảnh xóc quẻ, lên đồng, cờ bạc trá hình vẫn tồn tại thì ở trong Phủ tuyệt nhiên không có. Nội qui ở đây là cấm những du khách đến vãn cảnh thắp nhang ăn mặc thiếu lịch sự (áo sát nách, quần đùi hoặc có thái độ đùa cợt) trước chốn linh thiêng. Năm nay, tại Phủ, có nơi cho khách thập phương mượn trang phục kín đáo để vào lễ.

Để hạn chế việc bẻ cành lấy lộc, những năm gần đây, ngày Tết, Phủ Tây Hồ đóng cửa từ rất sớm. “Năm nay, 5 giờ chiều các ngày Tết, chúng tôi đã đóng cửa Phủ, 5 giờ sáng hôm sau mở cửa đón khách thập phương. Sở dĩ đóng cửa sớm, bởi chúng tôi rất sợ những người thiếu ý thức trèo cây, bẻ cành xin lộc nhất là đêm Giao thừa, đêm 1, 2 Tết.

"Cụ” si cổ thụ hơn 250 tuổi ở trong Phủ lại được vinh danh là Cây di sản nên chúng tôi phải giữ gìn”- ông Hồi cho hay.

Rất nhiều khách thập phương tới khi phủ đóng cửa đã không nề hà khấn vọng bên ngoài.

Để phòng cháy, chữa cháy, Phủ Tây Hồ đã trang bị 101 bình cứu hỏa. Từ nhiều năm nay, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ nghiêm cấm đốt mã, xóc thẻ, xem bói, bán sách mê tín dị đoan. Từ việc làm thiết thực đó, Phủ Tây Hồ luôn đi đầu việc tiết kiệm và chống mê tín dị đoan. Đặc biệt, mỗi năm, Phủ Tây Hồ đã dành hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo, nhân dân trong vùng thiên tai, bão lụt, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, người già không nơi nương tựa./.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/di-le-phu-tay-ho-khan-sao-cho-dung-490972.html