Di Linh: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục và phát triển rừng
Được sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến địa phương nên việc thực hiện Kế hoạch số 599/KH-UBND ngày 16/1/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn huyện.
Di Linh có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 92.172 ha, gồm đất rừng phòng hộ 13.050 ha; đất rừng sản xuất 79.122 ha. Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến địa phương và các đơn vị chủ rừng nên Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả tại huyện Di Linh. Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp người dân có thu nhập từ rừng như: Khoán bảo vệ rừng bằng nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, hỗ trợ kinh phí trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đât lâm nghiệp bị lấn chiếm đang sản xuất nông nghiệp ổn định… từ đó nâng cao đời sống, mức thu nhập cho người dân địa phương.
Xác định công tác tuần tra, kiểm tra truy quét và xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên hàng tháng UBND huyện xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR), quản lý lâm sản. Ngoài ra, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng, Ban Lâm nghiệp các xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đặc biệt, chú trọng ở các khu vực trọng điểm, giáp ranh với các huyện Đức Trọng, Bảo Lâm; Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông. Kiểm tra vận chuyển lâm sản trái phép tại các tuyến đường từ cửa rừng ra trung tâm hành chính các xã Tam Bố, Gia Bắc, Sơn Điền, Đinh Trang Thượng, Hòa Bắc… và dọc theo tuyến đường Quốc lộ 28.
UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch UBND các xã có rừng, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện tập trung thực hiện quyết liệt nhiệm vụ QLBV&PTR. Các đơn vị chủ rừng tập trung lực lượng, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra tại rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay các vụ vi phạm từ khi mới manh nha, mới phát sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tài nguyên rừng; đồng thời, tổ chức rà soát, đưa diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng vào trồng rừng ngay; tuyệt đối không để đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; tổ chức giải tỏa ngay diện tích đất do phá rừng, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm để đưa vào trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng; cương quyết không để đối tượng vi phạm sử dụng, san ủi, chuyển nhượng trái pháp luật diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp... UBND huyện đã giao chỉ tiêu kế hoạch trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp theo chỉ tiêu phân bổ cho các đơn vị chủ rừng thực hiện, hoàn thành trong năm 2022 với diện tích 450 ha.
Tuy nhiên, do diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện lớn, trải dài trên nhiều xã, dân số ngày càng gia tăng dẫn đến áp lực thiếu đất sản xuất nên vẫn còn một số người dân vào rừng với mục đích phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất. Lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn còn thiếu, mỏng. Các chính sách, cơ chế về bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trực tiếp tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ không đủ thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ xử lí khi có vi phạm xảy ra nên công tác bảo vệ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục và phát triển rừng, thời gian tới, huyện tiếp tục lãnh chỉ đạo và quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ-TU ngày 17/2/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cho Nhân dân trên địa bàn; vận động các hộ gia đình sống trong rừng, ven rừng và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước về bảo vệ rừng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 và Kế hoạch số 599/KH-UBND ngày 16/1/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 của UBND huyện về việc phê duyệt đề án phát triển rừng bằng biện pháp trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp mà người dân lấn chiếm trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh.