Di nguyện dở dang của Giáo sư Trần Văn Khê

Sự kiện kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố GS-TS Trần Văn Khê là tiền đề cho sự ra đời Quỹ học bổng Trần Văn Khê cũng như tiếp nối những điều trong di nguyện còn dang dở của ông…

Cuối tuần qua, ngày 24-7, nhóm thân hữu GS Trần Văn Khê cùng ĐH Văn Lang đã tổ chức kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố GS-TS Trần Văn Khê. Hàng trăm sinh viên, bạn trẻ, nhà nghiên cứu, người hâm mộ đã đến hội trường Trịnh Công Sơn, ĐH Văn Lang để cùng lắng lại nghe những bản nhạc do GS Trần Văn Khê sáng tác hoặc thường biểu diễn; cũng như nghe những chia sẻ của nhiều thế hệ nghệ sĩ về GS Khê.

“Đừng bao giờ quên tính dân tộc của mình”

Chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh của GS Trần Văn Khê với chủ đề Tâm và Nghiệp - Trọn vẹn một cuộc đời cùng điểm nhấn là tọa đàm: Các giá trị văn hóa từ GS Trần Văn Khê mở màn bằng sáng tác của GS Khê - Con công hay múa.

Hầu như những ai từng là trẻ con đều thuộc câu hát con công hay múa, nó múa làm sao nhưng khi bài hát được giọng GS Khê cất lên luyến láy trong bản ghi âm, cùng đó là các em nhỏ nhảy múa theo điệu nhạc, những ai có mặt tại ĐH Văn Lang mới ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi thấy được tầm vóc dân tộc của GS Khê dẫu trong một bài hát nhỏ; và hơn cả, tầm vóc của GS Khê, dân tộc tính trong con người, đường đi của ông vẫn không khó để thế hệ sau tiếp cận, tiếp nối.

Tính dân tộc của GS Khê không chỉ trong âm nhạc mà trong cả đời sống, như kỷ niệm đáng nhớ của NSND Kim Cương. Đó là những năm 1960, khi nghệ sĩ Kim Cương sang Pháp học về kịch nghệ, người đầu tiên nghệ sĩ gặp chính là GS Khê. “Bài học quý nhất trong đời nghệ thuật của tôi chính từ anh Khê. Khi anh dẫn tôi đến tất cả nhà hát, sân khấu ở Pháp xem, anh căn dặn: “Em thấy không, nước văn minh tổ chức vậy nhưng em phải nhớ, mỗi nền văn hóa nào cũng phải có một quê hương. Mình học cái hay cái đẹp nhưng đừng bao giờ quên tính dân tộc của mình”” - NSND Kim Cương kể.

Tính dân tộc của GS Trần Văn Khê tiếp nối bằng câu chuyện kể của NSƯT Thành Lộc. Đó là trong một lần nghệ sĩ Thành Lộc nghe GS Khê trò chuyện, khi có người hỏi GS Khê về việc tiếp nhận âm nhạc thế giới. “Bác Khê nói âm nhạc Việt Nam vô cùng hào phóng, như con người Việt Nam, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi luồng âm nhạc đến với mình để học hỏi. Nó cũng giống như bản tính người Việt Nam, hiếu khách, luôn mở cửa đón khách vào nhà. Ai cũng có thể bước vào tràng kỷ để ngồi, đứng, nằm…, có thể vào nhà bếp, phòng ngủ nhưng riêng bàn thờ tổ tiên nhà tôi là bạn không có quyền xâm phạm. Đôi khi người làm văn hóa Việt Nam mình nhập nhằng giữa lòng hiếu khách và sự nhu nhược; chính vì thế, giữ hồn Việt Nam chính là phải biết không thể để ai ngồi lên bàn thờ; tức khiêm tốn nhưng phải bản lĩnh. Theo tôi đó chính là một bản tính mà người Việt, nghệ sĩ Việt nên có và tôi được truyền điều đó từ bác Khê” - NSƯT Thành Lộc nói.

Chân dung GS Trần Văn Khê. Ảnh: ĐÀO HOA NỮ

Chân dung GS Trần Văn Khê. Ảnh: ĐÀO HOA NỮ

TS Nguyễn Nhã (trái) nhấn mạnh GS Trần Văn Khê là người miền Nam nhưng ông dành sự quan tâm với cả âm nhạc truyền thống Việt Nam: ca trù, cồng chiêng, nhã nhạc… chứ không chỉ riêng với đờn ca tài tử, cải lương. Ảnh: NHẬT NGUYỄN

TS Nguyễn Nhã (trái) nhấn mạnh GS Trần Văn Khê là người miền Nam nhưng ông dành sự quan tâm với cả âm nhạc truyền thống Việt Nam: ca trù, cồng chiêng, nhã nhạc… chứ không chỉ riêng với đờn ca tài tử, cải lương. Ảnh: NHẬT NGUYỄN

Cần lắm không gian văn hóa Trần Văn Khê

Từ năm 2006, GS Trần Văn Khê đã sống gần 10 năm cuối đời ở ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ở đây, gần 100 buổi sinh hoạt về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam… đã diễn ra.

Ngôi nhà đó, GS Khê chỉ ở phòng nhỏ phía sau, toàn bộ không gian đẹp nhất của ngôi nhà làm không gian chung, một thư viện Trần Văn Khê đã được khánh thành ở tầng trên của nhà phụ phía sau vào năm 2012… Suốt gần 10 năm trời, 32 Huỳnh Đình Hai trở thành một địa chỉ văn hóa thực thụ cho cả khán giả lẫn những ai cần nghiên cứu thêm về âm nhạc dân tộc trong sự đối sánh với các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, từ ngày GS Khê nằm xuống, tháng 6-2015, dẫu di nguyện của GS Khê là ngôi nhà sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm, tiếp nối những hoạt động văn hóa… thì vì nhiều lý do, đến giờ ngôi nhà đã là trụ sở Trung tâm Bảo tồn và phát duy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM.

Phần di sản hiện vật của GS Khê có phần gia đình giữ, phần do Bảo tàng TP.HCM lưu giữ. Trong di nguyện GS Khê, ngoài căn nhà, GS Khê cũng mong muốn một quỹ học bổng trao cho các sinh viên âm nhạc dân tộc có thành tích học tập, các nghệ sĩ xuất sắc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật dân tộc, các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc.

“Cho đến giờ chúng tôi không thể trả lời chính xác bao giờ có được không gian Trần Văn Khê mà chúng ta mong muốn gọi tên giản dị là nhà Trần Văn Khê. May mắn có trường ĐH Văn Lang đồng hành, sẽ giúp chúng tôi tổ chức một không gian nho nhỏ của GS Trần Văn Khê tại trường. Bên cạnh đó, Quỹ học bổng Trần Văn Khê cũng đã được nhóm thân hữu và trường hợp tác để xin phép hoạt động, như một bước tiếp nối di nguyện của giáo sư…” - nhà báo Nguyễn Thế Thanh, đại diện nhóm thân hữu GS Trần Văn Khê, chia sẻ.

Học bổng Trần Văn Khê

Dự kiến năm 2021, kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Trần Văn Khê, một không gian Trần Văn Khê và quỹ học bổng mang tên ông sẽ đi vào hiện thực tại ĐH Văn Lang.

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/di-nguyen-do-dang-cua-giao-su-tran-van-khe-926668.html