Đi Nhật Bản làm hộ lý, lương 36 triệu đồng/tháng

Người lao động đi làm việc tại Nhật Bản trong ngành hộ lý sẽ được hưởng mức lương tương đương với mức lương cơ bản của người Nhật làm cùng vị trí, khoảng 36 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ...

Đại diện các bên tại lễ ký thỏa thuận hợp tác cung ứng nhân lực Ảnh: MOLISA.

Đại diện các bên tại lễ ký thỏa thuận hợp tác cung ứng nhân lực Ảnh: MOLISA.

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 12/6, đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận giữa Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka về việc cung ứng thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.

Theo Hợp đồng cung ứng được hai bên ký kết, đối tượng tuyển chọn là người lao động đã tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng.

Với người lao động tốt nghiệp phổ thông trung học, sẽ được đào tạo ngành điều dưỡng trong vòng 1 năm và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Sau khi được tuyển chọn, người lao động sẽ được đào tạo tiếng Nhật từ 8 -11 tháng để đạt trình độ N4.

Người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka đài thọ các chi phí, bao gồm: Toàn bộ chi phí học tiếng Nhật tại Việt Nam (từ 8 - 11 tháng để đạt trình độ tiếng Nhật N4); lệ phí thi chứng chỉ tiếng Nhật (1 lần); lệ phí xin thị thực, chi phí khám sức khỏe (2 lần), vé máy bay để xuất cảnh và về nước khi hoàn thành hợp đồng.

Người lao động khi sang thực tập tại Nhật Bản được bố trí thực tập tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Hiệp hội, hoặc các bệnh viện là đối tác của Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka.

Họ cũng sẽ được thực tập trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Đồng thời, được hưởng mức lương tương đương với mức lương cơ bản của người Nhật làm cùng vị trí. Mức lương tháng khoảng 36 triệu đồng, chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ, và được hưởng phúc lợi xã hội, tham gia các loại hình bảo hiểm theo quy định của pháp luật Nhật Bản.

Như vậy, người lao động chỉ phải chi trả chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo, chi phí đào tạo nghề (đối với đối tượng chưa được đào tạo chuyên môn ngành điều dưỡng).

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng và Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka Takeshima Tenmi ký kết hợp đồng. Ảnh: MOLISA.

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng và Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka Takeshima Tenmi ký kết hợp đồng. Ảnh: MOLISA.

Trước đó, từ năm 2019, Trung tâm Lao động ngoài nước đã ký Thỏa thuận với Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka về việc tuyển chọn, phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong ngành hộ lý.

Người lao động sang thực tập tại Nhật Bản theo Thỏa thuận này sau khi nhập cảnh được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng làm việc, được Hiệp hội và các đơn vị tiếp nhận quan tâm, chăm lo đời sống sinh hoạt, đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi theo quy định của pháp luật.

Hiệp hội Y tế Osaka đánh giá cao về chuyên môn, ý thức tuân thủ kỷ luật và khả năng thích nghi của người lao động Việt Nam.

Việc ký kết Hợp đồng cung ứng giữa Trung tâm Lao động ngoài nước, và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka về việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh trong ngành hộ lý theo hình thức phi lợi nhuận, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động.

Đồng thời, góp phần tạo cơ sở bền vững cho việc mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/di-nhat-ban-lam-ho-ly-luong-36-trieu-dong-thang.htm