Đi qua những mùa vàng

Mỗi năm luôn có một mùa vàng được chờ đón trên miền non cao Hoàng Su Phì. Vẻ đẹp bất tận của những thửa ruộng giữa bao la núi rừng hùng vỹ được tạo tác từ đôi bàn tay của người dân tộc Dao, Nùng, La Chí... từ lâu đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách tới với Hoàng Su Phì. Với sự đa dạng của các dân tộc, mỗi mùa lúa chín du khách đến với Hoàng Su Phì là đi qua những mùa vàng mang đậm những giá trị văn hóa riêng biệt của các dân tộc anh em trên dải đất phía Tây Hà Giang.

Bản Phùng mùa lúa chín

Bản Phùng mùa lúa chín

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là quần thể di sản đẹp nhất trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Mỗi địa phương với những quần thể ruộng chập trùng lại mang theo sắc màu riêng gắn với đời sống của một dân tộc sinh sống ở vùng đó. Có thể kể tới Bản Phùng, nơi người La Chí, một cộng đồng dân tộc mang màu sắc rất riêng biệt, với tục thờ ông Hoàng Vần Thùng - vị thần đã dạy người La Chí biết trồng trọt, cấy hái. Ở Bản Phùng có quần thể ruộng bậc thang với view ngắm cảnh đẹp nhất được người La Chí khai phá từ bao đời. Tới Bản Phùng mùa này ruộng lúa thơm hương, cảnh trời mùa Thu nơi non cao chìm đắm trong một màu vàng lúa mới. Những người La Chí chân chất từng xóm đang giúp nhau thu lúa, tiếng cười nói của người nông dân được mùa mang bội thu vang khắp các triền núi. Ngược nguồn sông Chảy ta về với xã Hồ Thầu khám phá những bản người Dao đỏ dưới chân núi thiêng Chiêu Lầu Thi. Ở đây có lễ hội Bàn Vương, có lễ hội nhảy lửa, có những món ăn dân dã gắn với núi rừng hoang sơ. Ai đến với Hồ Thầu cũng sẽ được thưởng thức không gian núi rừng dưới đỉnh cao 2.400 m so với mực nước biển. Khí hậu trong lành của miền non nước thanh bình này nổi bật với những tảng rêu màu đỏ đặc trưng, với quần thể thực vật đa dạng sắc màu khiến Hồ Thầu quấn hút hơn bao giờ. Dưới những dải mây trắng bồng bềnh là ruộng bậc thang chín vàng, gió núi thổi khiến những sóng lúa được bàn tay cần cù của bà con tạo nên càng thêm đẹp hơn. Người Dao với văn hóa lâu đời lại càng mang đến những giá trị bản địa đặc sắc tới với du khách phương xa, từ các món ngon gắn với sản vật địa phương như Thảo quả, dê núi, măng rừng, nấm...

Người La Chí xã Bản Phùng thu hoạch lúa.

Người La Chí xã Bản Phùng thu hoạch lúa.

Dưới đỉnh cao Tây Côn Lĩnh được ví như “núi mẹ” của Hà Giang là xã Túng Sán, vùng sinh sống yên bình của dân tộc Cờ Lao, một dân tộc ít người di trú vào Việt Nam khá muộn so với các dân tộc khác. Ở dưới đỉnh núi Tây Côn Lĩnh và núi Cô Tiên, người Cờ Lao sinh sống hòa mình với núi rừng, làm ruộng bậc thang, làm chè sống đời gắn với cỏ cây núi và rừng. Người Cờ Lao di cư vào Hà Giang mang theo những nét văn hóa riêng tạo thêm sự đa dạng sắc màu trên mảnh đất “Vỏ Cây vàng”. Những thửa ruộng bậc thang trên núi cao của người Cờ Lao thường có bờ thửa cao hơn các nơi khác bởi địa hình dốc đứng của vùng đất này. Những bờ ruộng bậc thang cao tạo nên quần thể ruộng đẹp và khoáng đạt. Còn những quần thể ruộng ở Bản Luốc, Nậm Ty, Tả Sử Choóng... mỗi miền đều mang một vẻ riêng như những ngọn núi của vùng cao Hà Giang hình hài cảnh sắc muôn hình vạn trạng. Sự đa dạng của núi non, của ruộng bậc thang và tình cảm của bà con dân tộc tạo nên sự cuốn hút cho Hoàng Su Phì.

Khám phá vùng ruộng bậc thang di sản và tìm hiểu đời sống của chủ nhân các quần thể ruộng bậc thang là một trải nghiệm văn hóa đầy ý nghĩa dành cho du khách đến với Hoàng Su Phì. Từ bàn tay cẫn mần của người dân tộc Dao, La Chí, Cờ Lao... đã tạo nên những tuyệt tác giữa núi rừng bao la. Các giá trị văn hóa dân tộc gần như được giữ nguyên bản càng tăng thêm sức hấp dẫn với du khách đến trải nghiệm trên miền ruộng bậc thang. Dù những ngày mùa năm nay khắc nghiệt hơn bởi mưa, lũ nhưng vẻ đẹp của mùa lúa chín Hoàng Su Phì vẫn mang vẻ đẹp của sức hút khiến bao người mê say.

Bài, ảnh: Trà Nhân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202410/di-qua-nhung-mua-vang-b484fea/