Đi qua vùng giải phóng

Tháng Tư cách đây 50 năm, khi Bộ Chính trị ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vùng đất Bình Phước đã hoàn toàn giải phóng. Từ các trận đánh chiến lược trên chiến trường Bình Phước hào hùng đã tiếp sức cho quá trình tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tự hào về chặng đường lịch sử vẻ vang và hiểu rõ hơn giá trị lịch sử cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước có cuộc trao đổi với PGS. TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

* Thưa PGS.TS Hà Minh Hồng, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, các thắng lợi ở chiến trường B2 là bàn đạp chiến lược góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. PGS. TS có thể chia sẻ về những điểm độc đáo của nghệ thuật quân sự trong các chiến dịch trên địa bàn Bình Phước góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mỗi trận đánh, chiến dịch ở địa bàn Bình Phước đều có ý nghĩa chiến lược. Đó không chỉ là việc chúng ta tập trung chỉ đạo chiến lược để chiến tranh đi vào giai đoạn kết thúc mà cho từng địa bàn cụ thể, từng chiến dịch cụ thể. Nghệ thuật quân sự trong mỗi trận đánh thể hiện rất rõ sự tài tình, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của chỉ đạo chiến lược. Đơn cử Chiến dịch Đường 14 - Phước Long mùa khô năm 1975, bắt đầu từ ngày 12-12-1974 đến 6-1-1975, chúng ta đánh vào một trọng điểm trong hệ thống lá chắn của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Trong đó, chúng ta đã sử dụng nghệ thuật chọn hướng, chọn địa điểm, thời gian, chọn lối đánh, chọn lực lượng tham gia trong không gian chiến trường cụ thể. Chúng ta đánh, xuyên thủng lá chắn của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Chiến dịch 26 ngày đêm tại Đường 14 - Phước Long đã tạo điều kiện cho ta có thêm những căn cứ củng cố quyết tâm và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Trong quá trình đó, chúng ta thấy từng trận đánh, từ Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Bình đến Phước Long được tính toán cẩn thận, lường trước khả năng và phản ứng của địch; thực tế diễn ra đúng như phương án của ta. Đặc biệt từ đầu tháng 3-1975 trở đi, chúng ta đánh giải phóng từng địa bàn căn cứ như An Lộc, Chơn Thành, Hớn Quản… Tất cả cho thấy nghệ thuật sử dụng kết hợp các lực lượng, cả chủ lực và địa phương, kết hợp tiến công và nổi dậy. Bình Phước giải phóng hoàn toàn, tạo địa bàn mở rộng tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

PGS. TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích nghệ thuật quân sự và bài học kinh nghiệm từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Viết Bằng

PGS. TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích nghệ thuật quân sự và bài học kinh nghiệm từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Viết Bằng

* Có một số ý kiến cho rằng đại thắng mùa xuân năm 1975 là sự “ăn may của lịch sử”. PGS. TS Hà Minh Hồng đánh giá thế nào về ý kiến này?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả của cuộc kháng chiến hơn 20 năm của dân tộc. Chúng ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới, buộc Mỹ phải đơn phương rút quân chấm dứt chiến tranh của thực binh Mỹ. Thư Chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 đã nói đến lộ trình “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Năm 1973 khi có Hiệp định Paris để “Mỹ cút”, chúng ta tập trung “đánh cho ngụy nhào”. Đến năm 1975, chúng ta đã và thực hiện đầy đủ dự báo, đường hướng để kết thúc “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để “Bắc - Nam sum họp”. Hơn nữa, năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta có sức mạnh 1 ngày bằng 20 năm. Chúng ta có sức mạnh của đại quân cách mạng với 5 cánh quân với hàng chục sư đoàn chủ lực (khoảng 27 vạn quân) và lực lượng vũ trang các địa phương, có khối lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chúng ta còn có sức mạnh của hàng chục vạn quần chúng nhân dân, các lực lượng chính trị để nổi dậy. Đó là thực lực cách mạng hùng mạnh, sản phẩm của một quá trình vận động, xây dựng, tích lũy, tổ chức lực lượng trong suốt 20 năm… chứ không phải là ăn may.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến khẳng định chúng ta đủ sức để tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng còn lại, đủ sức để tiến công và nổi dậy làm cho kẻ thù không thể tử thủ được, chỉ còn một lựa chọn duy nhất và tất yếu là đầu hàng không điều kiện. Đặc biệt suốt từ ngày 31-3 đến 29-4-1975, điện thư của Trung ương và Bộ Chính trị, của đồng chí Lê Duẩn vào chiến trường, chỉ đạo bám sát thực tiễn cuộc chiến tranh. Qua đó cho thấy, chúng ta đã chủ động hoàn toàn, đánh thắng và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, không có cái gọi là “ăn may” nào cả. Nói ăn may là sự xuyên tạc, nhằm hạ thấp giá trị thắng lợi hoàn toàn và tất yếu của chúng ta.

* Thưa PGS. TS Hà Minh Hồng, những giá trị to lớn, bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ được vận dụng như thế nào khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Chúng ta thấy cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến nay vẫn còn nguyêntính thời sự. Giá trị to lớn là kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, non sông thu về một mối, mở ra thời kỳ lịch sử mới cho cả dân tộc hòa bình thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài học quan trọng nhất ở đây là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của 20 năm kháng chiến thành sức mạnh 1 ngày bằng 20 năm, đó là sức mạnh quân - dân, sức mạnh của ý Đảng - lòng dân, sức mạnh của cả nước, của tất cả lực lượng vũ trang, chính trị để làm nên đại thắng. Vận dụng kinh nghiệm đó trong giai đoạn hiện nay rất cần. Bài học thứ hai là nắm bắt thời cơ, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi, xây dựng và tích lũy tiềm lực, phát triển nhanh lực lượng mọi mặt, kết hợp cả lực lượng chủ lực với chính quy, cả lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ nhằm phối hợp lực lượng tiến công mạnh mẽ và nổi dậy đều khắp không cho địch kịp đối phó hay tử thủ hay phá hoại và ta giải phóng hoàn toàn, nhanh gọn, Sài Gòn còn gần như nguyên vẹn.

50 năm qua ta đã làm được, bây giờ bước vào kỷ nguyên mới, để tiến tới dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải có sức mạnh tổng hợp, đòi hỏi có ý Đảng, lòng dân, chúng ta phải có ý chí quyết tâm làm sao kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải hùng, lòng dân phải yên. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Trung ương đã nói đến vấn đề xây dựng cho được nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ổn định, phải làm sao để tăng cường lòng tin của dân với Đảng, Đảng với dân. Lòng tin đó là điều kiện để cố kết, trở thành sức mạnh, khối đoàn kết thống nhất từ trên xuống, ý Đảng - lòng dân. Thế trận lòng dân rất quan trọng. Trong kỷ nguyên vươn mình, chúng ta đã định ra được mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp, năm 2045 trở thành nước có thu nhập trung bình cao... Cũng như năm 1975 vậy, đã giải phóng Ban Mê Thuột làm rúng động Tây Nguyên, có thêm thời cơ để có thể lượng hóa được bước đi và thời gian, tiến độ giải phóng phần còn lại để thực hiện. Bây giờ cũng lượng hóa cụ thể. Chính lượng hóa đó phản ánh năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấy rõ được cơ sở để quyết tâm. Kinh nghiệm từ đại thắng mùa xuân năm 1975 đến nay vẫn mang tính thời sự là như vậy.

Cẩm Liên (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172208/di-qua-vung-giai-phong