Di sản - điểm tựa của sáng tạo

Những giá trị truyền thống không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ đương đại; họ đang không ngừng sáng tạo, tìm tòi để đưa di sản vào nghệ thuật, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đưa giá trị truyền thống vào tác phẩm

“Từ năm 2015 tôi tập trung thể hiện di sản với chủ đề “Tễu”. Khi vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi thấy hình ảnh chú tễu được trưng bày rất đẹp, nhưng lại được đóng khung trong tủ kính. Như vậy là đang được bảo tồn hay đã đóng lại quá khứ huy hoàng của nó? Tễu trong múa rối nước luôn là nhân vật bắt đầu cho một diễn xướng mới, câu chuyện mới. Và tôi mong muốn Tễu xuất hiện để kể câu chuyện di sản qua các bức tranh” - nghệ sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) chia sẻ về cơ duyên sáng tạo với giá trị di sản.

Sau một thời gian nghiên cứu, nghệ sĩ Nguyễn Minh trở lại với đề tài di sản và lập ra dự án kêu gọi nhiều họa sĩ có cùng đam mê để lan tỏa nhiều hơn những giá trị truyền thống, không chỉ tới họa sĩ mà cả công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” được khởi động từ đầu năm 2024, có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và 16 nghệ sĩ, nhằm gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản thông qua các tác phẩm nghệ thuật.

Các chuyến đi điền dã lấy tư liệu, chuyến đi trực họa, những cuộc gặp gỡ nhà nghiên cứu có liên quan để tìm hiểu sâu rộng hơn về di sản văn hóa Việt đã trở thành nền tảng để nghệ sĩ sáng tạo. 39 tác phẩm thuộc các lĩnh vực như hội họa, đồ họa và điêu khắc, thể hiện trên chất liệu đa dạng, như kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài… đều lấy cảm hứng từ mỹ thuật cổ và các bảo vật quốc gia đã ra mắt công chúng tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, tháng 8 vừa qua.

Nét đẹp văn hóa Việt trở thành cảm hứng, chất liệu sáng tạo của nghệ sĩ. Ảnh: Ng. Phương

Nét đẹp văn hóa Việt trở thành cảm hứng, chất liệu sáng tạo của nghệ sĩ. Ảnh: Ng. Phương

Chọn gốm - chất liệu có từ nghìn năm trước để thể hiện di sản và thử thách mình với chất liệu men mới, nghệ sĩ Trần Thược chia sẻ: “Ông nội tôi từng làm hàng mã, đó là cơ duyên để tôi tiếp xúc với lại những giá trị của người xưa. Sau đó, tôi được tiếp cận nhiều mỹ thuật cổ Việt Nam và vô cùng ấn tượng với ngôn ngữ chạm lộng ở đình làng. Tôi học được rất nhiều từ tiền nhân như kỹ thuật chạm lộng đầy mạnh mẽ, khúc triết với những lớp lang tinh tế mà sâu thẳm của không gian và thời gian. Từ kỹ thuật chạm lộng đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những sáng tác của tôi”.

Có nhiều dịp đến đình làng và các di tích Phật giáo ở Việt Nam… nghệ sĩ Trần Thược nhận thấy “giá trị của ông cha ta rất phong phú, như kho báu mà ta chưa biết khai thác; trên phương diện người sáng tạo, tôi nhận ra mình phải phải kế thừa và phát huy di sản ấy, có trách nhiệm đưa di sản ấy đến với thế hệ trẻ”.

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Việt Nam, với bề dày lịch sử và văn hóa, sở hữu kho tàng di sản vô cùng phong phú; trong bối cảnh hiện tại, nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng việc tiếp cận di sản mang lại nhiều thách thức, như việc tìm ra chất liệu và cách thể hiện phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để họ sáng tạo ra những tác phẩm mới mẻ, đa dạng và mang tính triết lý sâu sắc hơn.

Mỗi nghệ sĩ có cách thể hiện riêng, tạo nên một tác phẩm độc đáo về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Nghệ sĩ Nguyễn Minh cho rằng, nếu mô phỏng di sản thì bất kỳ ai cũng làm được. Vai trò của nghệ sĩ lấy di sản làm đề tài, là một chất liệu mới, là nguyên liệu mới để sáng tạo nên một câu chuyện mới. Ở đó, người sáng tạo phải thể hiện được chất đương đại gắn với cá tính riêng.

Một số người lo ngại sinh viên và nghệ sĩ trẻ có thể bị lạc hậu hoặc tụt hậu so với xu hướng phát triển hiện tại khi đào sâu, tiếp cận di sản văn hóa. Tuy nhiên, họa sĩ Lê Thế Anh khẳng định: tính dân tộc và văn hóa truyền thống luôn là nền tảng, điểm tựa vững chắc cho sự sáng tạo và phát triển của các nghệ sĩ Việt Nam, bất kể họ sống ở trong nước hay nước ngoài. Từ đó, họ sẽ có cảm hứng, khẳng định bản sắc và phong cách sáng tác riêng. Điều này giúp nghệ sĩ Việt Nam hòa nhập với xu hướng quốc tế, nhưng không hòa tan, vì yếu tố dân tộc vẫn luôn thể hiện rõ nét trong các tác phẩm.

Sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu và truyền tải ý nghĩa của các tác phẩm. Bởi vậy, sau khi ra mắt tác phẩm, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống như: sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sĩ; di sản qua ánh mắt trẻ thơ… đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa của các vùng miền trên khắp đất nước.

Việc đưa di sản vào đời sống nghệ thuật không chỉ giúp làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Không ngừng tìm kiếm cách thức mới để đưa hồn cốt dân tộc vào tác phẩm của mình, nghệ sĩ cũng góp phần làm sống lại những giá trị từng bị lãng quên, đồng thời giới thiệu chúng đến với người yêu nghệ thuật một cách sinh động và hấp dẫn hơn.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/di-san-diem-tua-cua-sang-tao-i386996/