Di sản liên biên giới Việt – Lào đầu tiên được UNESCO vinh danh
Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên liên biên giới Việt Nam - Lào, 'Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô', được UNESCO công nhận tại Kỳ họp lần thứ 47 ở Paris, đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác bảo tồn xuyên quốc gia.

Cảnh quan Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: ST
Hành trình vươn tầm Di sản xuyên quốc gia
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao va Du lịch (VHTTDL) Việt Nam, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt năm 2009. Ngày 03/7/2003, tại Kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ nhất (tiêu chí viii) và ngày 03/7/2015, tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận lần thứ hai (tiêu chí ix và x), với diện tích vùng lõi là 123.326ha và vùng đệm là 220.055ha. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có chung ranh giới tự nhiên với Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Hồ sơ Vườn quốc gia Hin Nam Nô đề cử UNESCO công nhận là phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Chính phủ Lào và Việt Nam thống nhất gửi tới UNESCO tháng 02/2024, để được Ủy ban Di sản Thế giới xét duyệt tại Kỳ họp lần này.
Qua quá trình thẩm định, Cơ quan tư vấn của UNESCO là Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã trình Quyết định lên Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 để phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), với tên gọi: "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô" theo các tiêu chí về địa chất, địa mạo (tiêu chí viii), hệ sinh thái (tiêu chí ix) và đa dạng sinh học (tiêu chí x).
Nằm tại điểm giao thoa giữa Dãy núi Annam và Vành đai Đá vôi Trung Đông Dương, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Việt Nam) và Hin Nam Nô (Lào) hợp thành một trong những cảnh quan karst đá vôi cổ đại và nguyên vẹn nhất thế giới. Với lịch sử hình thành hơn 400 triệu năm, hệ thống này không chỉ sở hữu mạng lưới hang động và sông ngầm kỳ vĩ, mà còn là nơi hội tụ của các hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học đặc hữu – góp phần tạo nên giá trị toàn cầu hiếm có.
Chung tay bảo tồn Di sản thế giới xuyên biên giới
Có thể thấy, quá trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL Việt Nam với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào trong công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề cử từ năm 2018 đến nay, thực sự được đẩy mạnh sau khi Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương (vào đầu năm 2023) về việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) là Di sản Thế giới liên biên giới với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam).
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của từng quốc gia, mà đã trở thành mối quan tâm chung giữa hai địa phương giáp biên. Trong nhiều năm qua, hai bên đã ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác về quản lý, bảo vệ rừng, thực thi pháp luật và xây dựng kế hoạch hành động chung, nhằm gìn giữ bền vững các giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và di sản chung của khu vực.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Di sản quốc gia Lào bày tỏ niềm tự hào trước sự kiện này, đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ Lào trong việc tiếp tục hợp tác sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia toàn diện của cộng đồng địa phương vào công tác bảo tồn và quản lý di sản.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Hoàng Đạo Cương: Sự kiện "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô" trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào cho thấy tầm quan trọng của hợp tác trên toàn cầu thông qua việc đề cử di sản chung, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước. Đồng thời, mong muốn được mời các đại biểu đến thăm quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No, hỗ trợ cho Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào kinh nghiệm quản lý đối với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên này.
Việc UNESCO ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào không chỉ khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của hệ sinh thái khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô, mà còn là minh chứng cho nỗ lực hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia trong công tác bảo tồn thiên nhiên. Thành quả này đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển bền vững, du lịch sinh thái và tăng cường vai trò của các quốc gia trong việc gìn giữ các giá trị di sản chung của nhân loại. Qua đó, góp phần tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, bền chặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào./.