Di sản Mỹ Sơn sắp có thêm bảo vật quốc gia
Hội đồng thẩm định bảo vật tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã nghiệm thu thống nhất hồ sơ khoa học về Đài thờ Mỹ Sơn A10.
Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu biểu quyết đồng ý đề nghị xem xét công nhận bảo vật quốc gia. Nếu được công nhận, Quảng Nam sẽ có 3 bảo vật quốc gia, hai hiện vật trước đã được công nhận là đầu tượng thần Shiva (được tìm thấy ở Phú Long, Đại Thắng) và Ekamukhalinga (được tìm thấy ở Mỹ Sơn).
Đài thờ liền khối lớn nhất
Theo Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm tháp A. Đó là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch xếp thành 5 lớp chồng lên nhau. Đài có kích thước cao 2,26m, dài 2,58m, rộng 2,58m; yoni có kích thước dài 2,25m, rộng 1,69m, dày 31cm; linga có đường kính 55cm, cao 57cm.
Bốn mặt của đài thờ có bố cục chung giống nhau, gồm phần đế thân và tượng thờ Linga - Yoni quay về hướng Bắc. Phần thân được trang trí giật cấp, thu vào ở giữa, trên dưới đối xứng nhau.
Hiện trạng đài thờ được nhận định còn khá nguyên vẹn, tạo tác bằng chất liệu đá sa thạch có niên đại cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10. Hiện vật được tái phát hiện trong chương trình trùng tu thuộc dự án Ấn Độ vào tháng 5/2020.
Các chuyên gia khẳng định, đây là hiện vật gốc có giá trị độc đáo và đặc sắc, đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là bảo vật quốc gia. Là đài thờ có tượng Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Champa cho đến nay, có trang trí họa tiết và hoa văn tiêu biểu “phong cách Đồng Dương” và là đài thờ nguyên vẹn trong không gian thờ tự Shiva giáo.
Đài thờ bảo tồn được kỹ thuật xây dựng đá, là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật này chỉ còn lại tại Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Champa nói chung.
Hiện toàn bộ hồ sơ đã gửi Sở VH-TT&DL Quảng Nam để đơn vị này chuyển Bộ VH-TT&DL trình Hội đồng thẩm định xem xét công nhận Đài thờ Mỹ Sơn A10 là bảo vật quốc gia.
Ngọc quý Mỹ Sơn
Theo bà Nguyễn Thị Trinh - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, di sản văn hóa Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc khảo cổ học có quy mô lớn và tầm quan trọng cao nhất của văn hóa Champa, với hơn 70 công trình đền tháp và hơn 32 bi ký được các vua Champa xây dựng từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 13.
Theo tấm bia sớm nhất, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 4 được tìm thấy ở trước đền A1, vua Bhadravarman đã cho xây dựng một ngôi đền thờ thần Bhadresvara - tên gọi kết hợp của tên vị vua này “Bhadr” và chữ “esvara”, có nghĩa là đấng tối thượng, ám chỉ thần Shiva.
Từ giữa thế kỷ 8 trở đi, do hoàn cảnh lịch sử - có thể do sự hưng thịnh của Phật giáo, mà suốt một thời gian dài Mỹ Sơn và các vị thần ở đây không còn giữ vai trò là thánh địa và vị thần chủ quốc gia. Chỉ đến đầu thế kỷ 10, khi Hindu giáo lấy lại vị trí chủ đạo trong đời sống vương quyền Champa, thì thánh địa Mỹ Sơn mới có lại được uy thế của mình.
Cuối thế kỷ 10 đến nửa sau thế kỷ 11 là quãng thời gian bất ổn bởi chiến tranh loạn lạc, Champa suy yếu và bị thu hẹp lãnh thổ. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ không lâu sau đó, khu thờ cúng này đã bị lãng quên trong một thời gian dài.
Năm 1898, khu di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp, và lập tức hấp dẫn các nhà nghiên cứu của Trường Viễn đông Bác cổ. Đến năm 1904 thì những tài liệu cơ bản nhất về bi ký và nghệ thuật kiến trúc của Mỹ Sơn được được công bố.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và những năm kháng chiến chống Mỹ, di tích Mỹ Sơn bị bỏ hoang, nhiều lần phải gánh chịu đạn bom chiến tranh. Hơn 50 ngôi đền tháp như trong mô tả của người Pháp trước năm 1945 chỉ còn lại khoảng 20 ngôi nhưng không có công trình nào nguyên vẹn. Đến cuối tháng 4/1979, Mỹ Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia.
Từ năm 1980 đến năm 1990, các chuyên gia Việt Nam dưới sự cố vấn của cố KTS người Ba Lan là Kazimierz Kwiatkowski đã tiến hành trùng tu, gia cố trả lại một phần dáng vẻ ban đầu của một số nhóm tháp tại Mỹ Sơn. Đến năm 1999, Mỹ Sơn đã được ghi vào danh mục Di sản thế giới.
“Với 13 nhóm tháp, chỉ căn cứ vào kiến trúc cũng đã có thể hình dung được phần nào bộ mặt, sức sống của vương quốc Champa trong quá khứ. Nơi đây ghi dấu sự phát triển rực rỡ của nền nghệ thuật Champa, đặc biệt là kiến trúc và điêu khắc”, bà Trinh cho hay.
Với những phong cách kiến trúc độc đáo cùng rất nhiều tác phẩm điêu khắc và bi ký, Mỹ Sơn thể hiện rõ sự tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người bản địa và các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là Ấn Độ.
Hầu hết các công trình kiến trúc, điêu khắc tại Mỹ Sơn đều thể hiện đậm nét dấu ấn của Hindu giáo, và mang chở không ít phong cách kiến trúc truyền thống Đông Nam Á.
Sự hội tụ đa dạng này giúp cho chúng ta có thể đánh giá được những ảnh hưởng của điều kiện lịch sử, tư duy nghệ thuật, sự tiếp xúc, tiếp biến về mặt văn hóa - nghệ thuật trong quá trình chuyển hóa của nghệ thuật Champa.
Bà Trinh cho rằng, không giống như ở Ăngko được điêu khắc trên đá hay như ở Ấn Độ, người ta tráng lên tường một lớp vữa rồi trang trí. Chính nghệ thuật tạo hình trực tiếp trên gạch của người Champa xưa đã tạo ra sự đặc sắc của nền điêu khắc.
“Với 32 văn bia được phát hiện không chỉ được xem là “một cuốn sử bằng đá” về di tích Mỹ Sơn mà còn là kho tư liệu, phản ánh sinh động nhiều mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và đặc biệt là tôn giáo của vương quốc Champa trong suốt nhiều thế kỷ”. Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng