Di sản người Anh hùng Đất Tổ

Gần bốn thập niên trước, trên chiến trường khốc liệt Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), một người con của quê hương Đất Tổ Hùng Vương đã dựng nên tượng đài bất tử, huyền thoại ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, quật cường, ý chí thép quyết tử gìn giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh- Trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. Về an nghỉ nơi đất mẹ Phục Cổ, Minh Hòa (huyện Yên Lập), di sản của người Anh hùng để lại cho hậu thế không chỉ là những chiến công vang dội, danh hiệu, phần thưởng cao quý mà còn là niềm tự hào, cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, tự do cũng như trách nhiệm của mỗi người với Tổ quốc và các thế hệ tiền nhân đã quên thân, quyết tử cho dân tộc Việt mãi trường tồn…

ĐVTN xã Minh Hòa dọn dẹp, chăm sóc mộ phần liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh.

Lời thề người giữ đất biên cương

Kề cận với di tích Lòng chảo Minh Hòa- Chiến khu cách mạng năm xưa, khu nghĩa trang của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (khu Đức Xuân, xã Minh Hòa) tọa lạc trên lưng đồi rợp mát bóng cây. Đây là nơi yên nghỉ của Anh hùng Nguyễn Viết Ninh sau gần 30 năm nằm lại nơi biên cương Tổ quốc. Mới sáng sớm, khu nghĩa trang đã tấp nập bóng áo xanh, râm ran tiếng nói cười. Sắp đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đoàn viên thanh niên trong khu tập trung về dọn dẹp, vệ sinh khu vực người Anh hùng an nghỉ. Nhìn các đoàn viên tỷ mẩn nhổ từng cây cỏ dại, chăm tỉa khóm mẫu đơn trồng trước mộ đang bung hoa, bà Nguyễn Thị Anh- em gái của Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đưa tay lau nước mắt, thủ thỉ như nói với chính mình: “Nếu còn sống, bác Ninh cũng đã có cháu trạc tầm tuổi này. Sôi nổi, hoạt bát lại có sức khỏe, năng khiếu thể thao nên hồi còn ở nhà, bác luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể của thanh niên, rất đông bạn bè qua lại thăm hỏi. Từ ngày đón bác về đây, năm nào cũng có các đoàn khách về thăm viếng. Cùng với chính quyền địa phương, còn rất đông các bác cựu chiến binh khắp trong Nam ngoài Bắc và các bác ở Sư đoàn 356. Anh em đồng đội vào sinh ra tử với nhau có khác, các bác sống trọn nghĩa, vẹn tình lắm! Dưới suối vàng, chắc anh tôi vui, gia đình cũng thêm ấm lòng, tự hào với người đã khuất…”.

Bức thư người bạn gái liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được gia đình gìn giữ suốt 36 năm qua.

Mỗi lần về thăm viếng đồng đội, các cựu chiến binh lại cùng nhau ôn lại những năm tháng đau thương mà hào hùng năm xưa nơi địa đầu Tổ quốc. Thế nên dẫu chưa một lần đặt chân đến Vị Xuyên, không được chứng kiến những trận chiến khốc liệt trên chốt, nhưng người thân của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh cùng dân làng đều tường tận những thành tích chiến đấu, hy sinh anh dũng của người Anh hùng đất Chiến khu Phục Cổ. Như bao người dân chân lấm tay bùn lam lũ khắp các vùng quê bình dị trên cả nước, khi Tổ quốc lâm nguy, anh thanh niên đồng bào dân tộc Mường Nguyễn Viết Ninh từ biệt gia đình, rời đất quê Minh Hòa (huyện Yên Lập) lên đường nhập ngũ, cầm súng chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược trên chiến trường nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang. Đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, anh được tín nhiệm giao giữ cương vị Trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356.

Giữa năm 1984, cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược ngày càng cam go, ác liệt. Với ưu thế vượt trội về tiềm lực quân sự, quân xâm lược tập trung hỏa lực với cường độ cao bắn cấp tập không kể ngày đêm hòng áp đảo tinh thần, chiếm giữ đất biên cương. Đạn pháo đã đốt cháy, nung nóng, hủy diệt nhiều mỏm núi, vạt rừng xanh tốt, tạo nên những “lò vôi thế kỷ” khốc liệt. Quân và dân ta đã chịu nhiều tổn thất, mất mát đau thương. Trong trận đánh sáng 12/7/1984, chỉ riêng Sư đoàn 356 đã có hơn 600 chiến sĩ hy sinh. Nhiều cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Quyết tâm giành lại từng tấc đất biên cương, bằng ý chí sắt đá, tinh thần cảm tử, quật cường, những người lính Vị Xuyên vừa phòng ngự vừa tấn công chiếm lại nhiều cao điểm quan trọng.

Từ cuối năm 1984, đơn vị của Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh được giao nhiệm vụ giữ điểm E5 của cao điểm 685. Giáp Tết cổ truyền dân tộc năm đó, địch tập trung nã pháo như trút đạn và xua quân tiến đánh hòng chiếm lại 685. Đơn vị mũi nhọn, hứng chịu nhiều tổn thất nhất nhưng Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh vẫn luôn vững vàng, thường xuyên động viên anh em chiến đấu với tinh thần “còn người còn chốt”. Sau cả ngày dài vật lộn chống trả các đợt tấn công với đạn pháo của địch quân dồn dập như mưa xuống chốt, tối hôm ấy, anh khắc dòng chữ “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” lên báng khẩu AK, dùng kem đánh răng bôi cho sáng rõ rồi tin tưởng nói với anh em: “Quân Trung Quốc dù đông nhưng đất của ta, ta quyết tâm giữ”.

Rạng sáng 19/1/1985 (29 Tết) pháo địch nã cấp tập dọn đường cho bộ binh ào lên hòng đánh bật những chiến sỹ của Đại đội 5 ra khỏi chốt. Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh đã bị thương trong ngày hôm trước nhưng vẫn bám lại trận địa cùng anh em, tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch. Bị tiếp một vết thương vào chân, anh không chịu lên cáng về tuyến sau, quyết “bám đá” như lời thề trên báng súng. Cuối chiều 29 Tết, anh Ninh bị thêm một vết thương vào đầu và hy sinh. Khi đồng đội lên mang thi thể anh về, khẩu súng AK vẫn ôm chặt trước ngực. Dòng chữ khắc trên báng súng của người con Anh hùng Đất Tổ đã trở thành lời thề thiêng liêng, biểu tượng ngời sáng cho ý chí chiến đấu quyết tử vì Tổ quốc của những người lính trên mặt trận Vị Xuyên năm ấy, hun đúc tạo nên sức mạnh bất khả chiến bại giáng những đòn sấm sét, đập tan tham vọng bá quyền của quân xâm lược bạo ngược.

Bà Nguyễn Thị Anh, em gái liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh chia sẻ, giới thiệu với cán bộ xã Minh Hòa những kỷ vật của anh trai.

Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” trên báng súng giờ được khắc trang trọng trên bức phù điêu ở Đền thờ Liệt sĩ nằm trên điểm cao 468 thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).

Lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” tại Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468, huyện Vị Xuyên.

Tượng đài bất tử

Nằm lại cùng anh em đồng đội trong Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên 29 năm, tháng 11/2014, gia đình mới có điều kiện đề đạt nguyện vọng đón anh về an táng cạnh mộ phần của bố mẹ trong nghĩa trang gia đình giữa khu vườn bạt ngàn cây xanh. Cũng từ ngày ấy, anh em đồng đội tìm về thăm viếng anh ngày một nhiều. Nghĩa tình sâu nặng với người đã khuất của các cựu chiến binh từng vào sinh ra tử cùng nhau đã tạo ra những câu chuyện đẹp, cảm động đến bất ngờ. Trong đó có việc tìm lại người bạn gái của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, em trai đang thờ phụng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Anh thì hơn một năm sau ngày anh Ninh hy sinh, gia đình có nhận được một bức thư của người con gái tên Tư ở Lào Cai, đang học ở Trường Công nhân cơ khí hóa chất Bắc Giang. Trong thư kể hai người đã gặp gỡ, quyến luyến và hẹn ước với nhau từ giữa năm 1983. “Anh Ninh là mối tình đầu, anh là người đầu tiên con yêu mến và đặt niềm tin hy vọng về tương lai hạnh phúc. Song giặc thù đã cướp đi của con một người chồng tương lai... Trước kia, khi anh Ninh còn sống chúng con đã có ý định con học xong ba năm thì xin về mỏ Thanh Sơn, Vĩnh Phú công tác để gần bố mẹ, song tất cả mơ ước ấy đã không thành. Tất cả chỉ do kẻ thù gây nên...”. Được coi như kỷ vật thiêng liêng nhất của người đã khuất, người thân trong gia đình đã gìn giữ cẩn thận bức thư và mỗi lần đọc lại những dòng chữ đẫm nước mắt kín đặc hai trang giấy là lại thêm ao ước được một lần gặp mặt, đón chị về thăm nhà. Trong thâm tâm, dẫu không nên duyên nhưng gia đình đã coi chị như người thân. Nghe chuyện của đồng đội, các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã lên kế hoạch, chia nhau cùng liên hệ, tìm kiếm. Và rồi thật may mắn, các cựu chiến binh đã tìm ra địa chỉ, liên lạc được với cô Tư. Sau ba thập niên, năm vừa rồi cô đã từ Yên Bái về viếng mộ phần, thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh. Nối lại nguyện ước được làm con trong gia đình, giọt nước mắt sau bao năm xa cách giờ lắng đọng niềm vui nghĩa tình vẹn nguyên, sâu nặng…

Phố Nguyễn Viết Ninh thuộc tổ 7, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang.

Cùng với bia đá khắc lời thề trên báng súng “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” tại Đền thờ Liệt sĩ trên điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, đầu năm 2021, thành phố Hà Giang đã quyết định lấy tên liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh đặt tên cho một đường phố. Phố Nguyễn Viết Ninh dài 305m, rộng 16,5m, thuộc tổ 7 phường Quang Trung. Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hà Giang, anh Đặng Kim Tiến xúc động chia sẻ: “Dẫu không có việc cần, thi thoảng tôi vẫn chạy xe qua phố Nguyễn Viết Ninh. Thật tự hào khi quê mình có người con anh hùng, vẻ vang đến thế. Tôi đã chủ động tìm hiểu và thường xuyên giới thiệu với mọi người về gương chiến đấu dũng cảm, quyết tử cho Tổ quốc của Anh hùng Nguyễn Viết Ninh cùng đồng đội trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa. Chúng tôi luôn ghi khắc công ơn, tâm nguyện sống sao cho xứng đáng với tấm gương những người đã không tiếc máu xương để gìn giữ cương thổ quốc gia, độc lập tự do cho dân tộc của các Anh hùng liệt sĩ…”…

Sau trận mưa rào bất chợt, không gian núi rừng lòng chảo Minh Hòa thoáng đãng, dịu mát hơn hẳn. Mây bảng lảng trên các dãy núi xanh thẫm mờ xa, đồi chè, cây nguyên liệu quanh mộ phần liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh mướt mát màu xanh. Hoàn tất việc dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang khu nghĩa trang gia đình, các đoàn viên thanh niên trong xã xếp hàng nghiêm trang cúi chào người anh hùng đất Minh Hòa. Thắp nén tâm hương tri ân liệt sĩ, đồng chí Đinh Tiến Công- Chủ tịch xã Minh Hòa khẳng định: “Quê hương của Chiến khu cách mạng, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Minh Hòa đã tiễn hàng trăm người con ưu tú lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại khắp các chiến trường. Nhiều người đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu cho độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Anh hùng Nguyễn Viết Ninh cùng những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người công với cách mạng là niềm tự hào, tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc để chúng tôi noi theo, nỗ lực học tập. Tri ân công lao của các anh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân, trước mắt là hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình…”.

Đất Chiến khu đang vươn mình phát triển giàu đẹp. Ước nguyện ngày lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã và đang trở thành hiện thực. Cùng với tượng đài nơi biên cương, trong lòng người dân đất quê nơi anh đang yên nghỉ cũng sừng sững tượng đài bất tử, tự hào với người con Anh hùng Đất Tổ Hùng Vương…

Cao Khôi

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/di-san-nguoi-anh-hung-dat-to/185485.htm