Di sản thơ nôm Nguyễn Trãi: Kho báu của muôn đời

Bên cạnh mảng thơ chữ Hán tập hợp trong cuốn 'Ức trai thi tập', nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật đều đã đạt đến mức cổ điển, Nguyễn Trãi còn có cả 254 bài thơ Nôm, tập hợp trong cuốn 'Quốc âm thi tập'. Đây mới thật sự là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Trãi cho nền thơ dân tộc, đồng thời ông cũng đã đóng góp công lao to lớn nhất trong việc làm hồi sinh ngôn ngữ và văn hóa nước nhà!...

1. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cả trong và ngoài nước, ước đoán rằng chữ Nôm có thể đã xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỷ VIII sau Công nguyên. Đến đời Lý-Trần, đã có một số tác giả sáng tác bằng chữ Nôm được ghi nhận, ví như Trần Nhân Tông, Huyền Quang (Lý Đạo Tái), Nguyễn Sĩ Cố, Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên), Chu Văn An....

Tuy nhiên, một số tác phẩm thơ-phú viết bằng chữ Nôm hiện đã được tìm thấy là quá ít ỏi, mà sau đó lại phần nhiều cũng đã bị thất lạc. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Thực ra, chữ Nôm là thứ chữ được cha ông ta mượn từ dạng chữ Hán, cải tiến nó, để ghi âm tiếng Việt, nhưng đã có sự sáng tạo đáng kể và cũng đã được sắp xếp theo một hệ thống ngữ âm khoa học. Dầu vậy, đương thời nó vẫn chưa được coi trọng, thậm chí có khi nó còn bị khinh rẻ, rằng "Nôm na là cha mách qué"...

Danh nhân Nguyễn Trãi (1380-1442).

Danh nhân Nguyễn Trãi (1380-1442).

Chữ Hán mới là chữ được sử dụng như một thứ văn tự chính thống, được dùng để thi cử nơi trường ốc và trong các văn bản có tính chất pháp quy của nhà nước phong kiến, quân chủ. Do vậy, vị thế của chữ Nôm, theo đó, là những sáng tác bằng chữ Nôm của cha ông ta cũng có số phận quá hẩm hiu.

Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc hàng ngàn năm của cha ông ta, luôn song hành và gắn liền với cuộc đấu tranh giành quyền độc lập về văn hóa, mà trong đó, ngôn ngữ vẫn là yếu tố có tính chất then chốt và quyết định sự tồn vong của dân tộc. Nhiều thế hệ trí thức nước ta đã nối tiếp nhau làm điều đó, mặc dù lịch sử dân tộc ta từng trải qua bao phen binh lửa điêu tàn, trong đó, phải nhấn mạnh thêm một lý do căn bản là bọn giặc Minh xâm lược đã âm mưu triệt để tiêu diệt nền văn hóa của dân tộc ta...

2. Nhưng thật may mắn là trời đã sinh ra Nguyễn Trãi, một thiên tài trác việt, chẳng những để cứu dân tộc ta khỏi ách đô hộ của giặc Minh phương Bắc vô cùng tàn bạo, mà đồng thời, lại cứu cả di sản tiếng Việt vô giá của chúng ta. Hơn thế nữa, ông còn là người đưa tiếng Việt ta lên đỉnh cao chói lọi, bằng chính những áng thơ Nôm tuyệt kỹ của mình. "Quốc âm thi tập" của Đại thi hào Nguyễn Trãi, chính là tập thơ Quốc âm lớn nhất trong lịch sử nước nhà, mặc dù 254 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi đã được sưu tầm và công bố hiện nay, chắc chắn chưa phải là đã đầy đủ.

3. Bên cạnh mảng thơ chữ Hán hội đủ được các tố chất đặc trưng của sự uyên bác, của sự mực thước và tinh tế. Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi dẫu có tiếp thu, tiếp biến từ tinh hoa của thơ Đường, thơ Tống bên Tàu, nhưng là để chuyển tải tư tưởng, tâm hồn và trí tuệ Việt.

Đặc biệt hơn, Nguyễn Trãi còn có mảng thơ Nôm, thơ Việt được ghi âm bằng tiếng Việt, cực kỳ rực rỡ về hương sắc, thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn nhân văn, nhân bản của người Đại Việt. Thành tựu thơ Nôm của Nguyễn Trãi, nhìn trước ngó sau, vẫn không ai có thể so sánh được với ông!...

Có thể thấy mấy điểm nổi bật ở thơ Nôm Nguyễn Trãi:

3.1 Hàm lượng triết học rất cao và phong phú. Chỉ cần đọc một bài:

"Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trong thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp, mây thuộc,
Cây cứng cây mềm, gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp vẫn rày.
Vì chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người cực hiểm thay!".

Chỉ cần đọc một câu:

"Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc,
Nước chảy âu khôn xiết bóng non"...

Người đọc cũng đã phải vắt óc ra mà suy ngẫm. Và khi đã vỡ vạc ra rồi, thì mới sảng khoái mà ồ lên thích thú, vô cùng thích thú!...

3.2 Thiên nhiên đất nước quê hương tươi đẹp được Nguyễn Trãi đưa vào trong thơ Nôm của ông thật vô cùng phong phú và rực rỡ lạ lùng. "Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/ Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu". Chỉ một vài câu thơ, mà đọc lên đã thấy ngân nga những thanh âm trong trẻo:

"Dấu người đi là đá mòn,
Đường hoa vấn vít trúc luồn.
Cửa song giãi xâm hơi nắng,
Tiếng vượn kêu vang cách non".

Hoặc như một đêm trăng huyền ảo:

"Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then"...

Văn hào Lỗ Tấn bên Tàu viết một câu đại khái: "Tất cả mọi con đường đều do con người đi nhiều mà thành"! Ấy thế mà thiên hạ đã xuýt xoa khen nức khen nở. Nguyễn Trãi trước Lỗ Tấn khoảng năm trăm năm đã viết: "Dấu người đi là đá mòn"!...

3.3 Thơ Nôm Nguyễn Trãi thể hiện một cách rất sinh động đời sống sinh hoạt và bóng dáng hồn nhiên của lịch sử xã hội Đại Việt. Những câu như: "Chong đèn chực tuổi cay con mắt /Đốt trúc khua na đắng lỗ tai" (Trừ tịch), đọc và suy ngẫm bao nhiêu lần, vẫn chưa thôi thú vị.

Trước Nguyễn Bỉnh Khiêm 111 năm, Nguyễn Trãi từng viết: "Đắc thì thân thích chen chân đến/ Thất sở láng giềng ngoảnh mặt đi". Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì viết: "Được thời thân thích chen chân đến/ Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi".

Những câu thơ như là tục ngữ:

"Lân cận nhà giàu no bữa cốm,
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn",

Nó vẫn có thể là "bản gốc" của câu tục ngữ ở đời sau: "Ở cạnh nhà giàu đau răng ăn cốm/ Bạn bè kẻ trộm ốm lưng chịu đòn". Hoặc như: "Tay ai thì lại làm nuôi miệng /Làm biếng ngồi ăn lở núi non". Những câu thơ đã thành khẩu hiệu tươi ròng nơi trường ốc:

"Nên thợ nên thầy vì có học,
No ăn no mặc bởi hay làm"...

3.4 Thơ Nôm Nguyễn Trãi thể hiện sâu sắc và tinh tế tâm sự của người anh hùng thất thế trước vận nước đang suy. Một sự phân vân trước vận hội của đất nước và của kẻ sĩ nặng lòng lo nước thương dân: "Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ/ Trời ban tối ước về đâu?"... Mặc dù bị vô hiệu hóa, hàng chục năm "nhàn quan", "thanh quan", nhưng Nguyễn Trãi không đêm nào ngon giấc. Rất nhiều đêm Tiên sinh nằm thao thức, trằn trọc suy tư không ngủ. Tấm lòng lo nước thương dân của Tiên sinh vẫn "đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông".

"Còn có một niềm trung liễn hiếu,
Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen".

Hoặc như:

"Còn có một lòng âu việc nước,
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung"...

3.5 Qua thơ chữ Hán và đặc biệt là một số bài thơ Nôm, chúng ta được biết Nguyễn Trãi từng có nhiều năm ngồi dạy học khi ở Khuyến Lương (quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay). Khi thì ở Côn Sơn rảnh rỗi nhàn quan. Tuy nhiên, hình như vẫn chưa thấy có ai sưu tầm được thơ văn của học trò Nguyễn Trãi viết về thầy học của mình.

Sao vậy? Điều này cũng thật dễ hiểu. Nguyễn Trãi bị vu oan, bị khép vào tội "đại nghịch", phải "Tru di tam tộc" (Giết cả ba họ), cho nên những học trò Nguyễn Trãi đang làm quan trong triều, đương nhiên cũng phải vạ lây.

Thơ văn của học trò viết về thầy Nguyễn Trãi, do vậy, cũng không có ai dám lưu trữ. Đó chính là chỗ còn khiếm khuyết trong mảng thơ rất quan trọng này. Hy vọng sẽ có những nhà nghiên cứu tiếp tục đi sâu tìm hiểu mảng đề tài này, để có thể dựng lên chân dung một nhà giáo lớn trong sự nghiệp giáo dục của cha ông, đồng thời, góp thêm một nét bổ sung cho sự hoàn chỉnh, phong phú chân dung nhân vật lịch sử, thi nhân vĩ đại NGUYỄN TRÃI...

4. Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử khổng lồ. Một thiên tài nhiều mặt, nghìn năm mới có một người như thế. Ngọn núi thơ Nguyễn Trãi, trải sáu trăm năm, vẫn sừng sững như Thái Sơn, mà "Nước chảy âu khôn xiết bóng non".

Thơ Nguyễn Trãi là kết tinh của hồn thơ dân tộc. Qua thơ Nguyễn Trãi, thấy hiện lên sừng sững chân dung một con người kỳ vĩ mà gần gũi đáng yêu vô cùng.

Qua thơ Nguyễn Trãi, cả thơ viết bằng chữ Hán và thơ Nôm, đồng thời cũng thấy hiện lên bóng dáng của thăng trầm lịch sử, với cả những nhấp nhô chìm nổi ba đào của nhân tình thế thái.

Qua thơ Nguyễn Trãi, đồng thời cũng thấy hiện lên bức tranh Tổ quốc với thiên nhiên bể rộng sông dài, non xanh nước biếc tuyệt vời diễm lệ, theo đó là tình yêu quê hương thiết tha nồng cháy của một con người bình dị, yêu nước thương dân vô bờ bến.

Qua thơ Nguyễn Trãi, cũng lại thấy hiện rõ chân dung một trí thức lớn, cả cuộc đời chỉ biết "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ", chỉ có một mơ ước nồng cháy "Dân giàu đủ khắp đòi phương" (Bảo kính cảnh giới 43).

Thơ Nguyễn Trãi đặc sắc về nghệ thuật, nhưng đó lại là nghệ thuật cao diệu của tấm lòng thành thực, đồng thời hòa quyện với tư tưởng lớn, sáng trong một trái tim nhân hậu và vĩ đại.

Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng, đọc thơ Nguyễn Trãi không chỉ là là đọc bằng mắt, mà hơn thế, còn phải đọc bằng tư duy, bằng các chiều kích văn hóa, bằng cảm thức thẩm mỹ linh diệu, mới có thể hiểu rõ được tiết tấu của cái điệu tâm hồn vừa thanh cao, vừa trần tục, vừa lãng mạn sầm uất bao la, long lanh ngời sáng.

Kìa như "Đêm thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông Tiên ở trong tòa ngọc. Cái tài làm hay làm đẹp cho nước, xưa nay chưa từng thấy bao giờ!" (Nguyễn Mộng Tuân). Đọc thơ Nguyễn Trãi, tâm hồn chúng ta như được chắp cánh bay lên, bay lên cao mãi, cũng với lung linh một niềm tự hào bất tận!...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/di-san-tho-nom-nguyen-trai-kho-bau-cua-muon-doi-i734334/