Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển bền vững
Với truyền thống lịch sử lâu đời cùng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, thành phố Hà Nội sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, giàu có về giá trị. Bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên ấy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu lấy văn hóa làm nguồn lực phát triển bền vững Thủ đô. Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020), Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động xung quanh nội dung này.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động.
Di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc
- Hà Nội vốn từ lâu được mệnh danh là “Thủ đô di sản”. Vậy, có thể hình dung bức tranh toàn cảnh về di sản văn hóa của Thủ đô như thế nào, thưa ông?
- Trong suốt chiều dài lịch sử hơn một nghìn năm, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Những giá trị ấy hiển hiện qua hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, đa dạng loại hình từ lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian… đến tập quán xã hội và tín ngưỡng. Nhiều di sản được hình thành từ hơn một nghìn năm trước, giai đoạn Đức Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La dựng nghiệp, định danh kinh đô Thăng Long, mở ra vương triều Lý.
Đến nay, toàn thành phố có khoảng 2,5 nghìn di tích đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 19 di tích quốc gia đặc biệt, gần 1,2 nghìn di tích cấp quốc gia và hơn 1,3 nghìn di tích cấp thành phố. Về di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng; nghi lễ và trò chơi kéo co được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Ca trù được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chưa kể 19 di sản được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, năm nay Danh nhân Chu Văn An được UNESCO ra Nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm Ngày mất (1370-2020).
- Di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Với mục tiêu này, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Thủ đô Hà Nội đã và đang được triển khai, thực hiện ra sao, thưa ông?
- Bảo tồn di sản, phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ luôn được thành phố coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, mà trọng tâm là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” và tới đây là Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Với chủ trương này, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được triển khai đồng bộ, bài bản. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục di sản, đồng thời cũng dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước vinh danh (83 người). Nhiều dự án khôi phục, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được triển khai hiệu quả trong cộng đồng, như: Trống quân ở huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên; nghề rèn Đa Sĩ ở quận Hà Đông…
Cùng với đó, công tác chống xuống cấp di tích được quan tâm, với hàng trăm lượt công trình được đầu tư tu bổ, sửa chữa mỗi năm và đã phát huy giá trị, trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng, nơi tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, như: Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội..., góp phần quảng bá ra thế giới hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị. Chỉ tính riêng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, từ khi thí điểm tổ chức đến khi chính thức đi vào hoạt động (2016-2019) đã có hơn 400 sự kiện hợp tác, giao lưu quốc tế được tổ chức, trong đó nhiều sự kiện gắn với di sản văn hóa Hà Nội.
Gìn giữ, phát huy nguồn tài nguyên di sản
- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố có những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Sở hữu lượng di tích lớn nhất cả nước là vinh dự, song cũng là thách thức không nhỏ cho Thủ đô. Theo thống kê, toàn thành phố có 44 di tích từ thời Lý - Trần, 1.135 di tích thời Lê, 3.491 di tích thời Nguyễn và 1.252 di tích được khởi dựng từ năm 1945 đến nay. Trong số này, có 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 507 di tích xuống cấp nặng… Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo luôn được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi vấn đề hợp tác công - tư trong xã hội hóa tu bổ di tích luôn tiềm ẩn những tác động tiêu cực, nếu không quản lý chặt chẽ.
Ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, phần lớn người nắm giữ di sản tuổi đã cao, đời sống còn nhiều khó khăn, trong khi lực lượng kế cận để gìn giữ, trao truyền chưa nhiều. Trình độ của cán bộ chuyên trách ở nhiều cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm ở một số cơ sở đã gây nên không ít khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.
- Với những thách thức nêu trên, thành phố cần tập trung những giải pháp gì để khắc phục, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa mà Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra?
- Một trong những mục tiêu mà Đảng bộ thành phố đề ra, đó là chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Luật Thủ đô, các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Triển khai có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU; đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa” đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Các phần việc chính thành phố tiếp tục chú trọng là, tập trung nguồn lực quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; tiến hành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành phố Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích; có chính sách hỗ trợ nghệ nhân bảo tồn, truyền dạy… Thực hiện lộ trình cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO, tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với quản lý, khai thác hiệu quả di sản văn hóa; gắn phát triển công nghiệp văn hóa với phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch di sản bền vững, có giá trị kinh tế cao.
Với sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, sự nghiệp bảo tồn di sản, phát triển văn hóa của Hà Nội sẽ có bước phát triển đột phá, xứng tầm với vai trò và vị thế Thủ đô của đất nước - “Thành phố nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”.
- Trân trọng cảm ơn ông!