Di sản văn hóa là nguồn lực phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số
Từ năm 2008, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang đã triển khai hoạt động hợp tác nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch, trong đó, di sản văn hóa phi vật thể được xác định là nòng cốt để khai thác phát triển.
Do đặc thù địa lý được thiên nhiên ưu đãi, có núi rừng, sông suối hùng vĩ, cùng với đó là những cộng đồng người dân tộc thiểu số cư trú lâu đời, đã tạo nên những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo, đậm nét riêng biệt của Tây Bắc. Đây chính là những nguồn tài nguyên để khai thác phát triển du lịch vô giá của cả vùng Tây Bắc Việt Nam.
Để thực hiện khai thác phát triển đồng bộ, có hệ thống, có tính kết nối mạng lưới, từ năm 2008, các tỉnh ở Tây Bắc đã tổ chức ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch. Từ đó, nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của cả khu vực.
Sau hơn chục năm xây dựng và phát triển, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng về du lịch ở cả khu vực Tây Bắc đã có những đổi thay hiện đại rõ rệt, tỷ lệ tăng trưởng cả về lượng khách lẫn doanh thu năm sau cao hơn năm trước rất lớn.
Trên cơ sở đó, từ năm 2020, các tỉnh trong khu vực tiếp tục xác định các nội dung hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, bao gồm: Xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch (trong đó tổ chức đón đoàn Famtrip kết nối các tuyến, điểm du lịch mới vùng Tây Bắc theo hành trình Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội); tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Tổ chức đoàn học tập mô hình phát triển du lịch tại một số tỉnh trong khu vực); tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch (trong đó tham gia một số hội chợ, liên hoan và các sự kiện du lịch, xúc tiến mở rộng thị trường du lịch như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM năm 2020 tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh; Liên hoan Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu…); hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương, với việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam (VTOS).
Đặc biệt là các tỉnh đều đề ra các mục tiêu nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở địa phương mình để phát triển thành sản phẩm du lịch nhân văn.
Bởi lẽ, về cơ sở hạ tầng thì có thể xây dựng và phát triển hiện đại theo ý muốn, nhưng về nguồn lực du lịch nhân văn thì phải dựa trên những nguồn lực giá trị văn hóa phi vật thể, được hình thành và sáng tạo trong chính đời sống lao động và sản xuất của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ông Phạm Thanh Đồng, cán bộ ngành Văn hóa ở Lào Cai, chia sẻ: “Ở mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi khu vực sinh sống lại có những đặc thù riêng, như phong tục tập quán, dân ca dân vũ. Tôi lấy ví dụ như văn hóa “Khắp Nôm” của người Tày ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thực tế nó là hát dân ca, nhưng người Tày ở Yên Bái thì gọi là hát dân ca, còn người Tày ở huyện Bảo Yên lại gọi là “Hát Yếu”. Từ sự khác biệt về tên gọi nó cũng dẫn đến những hình thức khác nhau khi biểu diễn. Hoặc như nói về múa Khèn của người Mông, thì người Mông Lềnh khác với người Mông đen, khác với người Mông xanh. Nên việc các tỉnh cùng khai thác phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương mình đưa vào phát triển du lịch là rất hợp lý, vì qua đó khách du lịch họ mới được trải nghiệm, được khám phá các nét văn hóa độc đáo ở mỗi tộc người, mỗi địa phương khi họ đến với Tây Bắc”.
Trong những năm qua, hoạt động trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý và phát triển du lịch và sự hợp tác chặt chẽ giữa 8 tỉnh được đánh giá cao. Qua đó, góp phần liên kết phát triển du lịch, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của khu vực, dựa trên trên cơ sở tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng về khí hậu và sự phong phú về văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Các tỉnh đã tăng cường công tác thông tin xúc tiến du lịch và liên kết, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực, xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung của khu vực. Đây là Bộ nhận diện thương hiệu du lịch liên vùng thống nhất đầu tiên tại Việt Nam, gồm logo (biểu trưng), slogan (khẩu hiệu) và ấn phẩm cẩm nang hướng dẫn du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Mặc dù, du lịch 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu vực. Cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập (đặc biệt là các vùng giáp ranh giữa các tỉnh); thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như khu vui chơi giải trí, mua sắm; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ.
Để thúc đẩy du lịch, thời gian tới các tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; tăng cường hoạt động đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cho các tỉnh trong khu vực.