Đi thang máy cũng cần văn hóa
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói đến chuyện đi thang máy ở chung cư thôi. Bây giờ ở Hà Nội chung cư có… cả đống. Tòa thấp thì hơn chục tầng, tòa cao thì hai chục, ba chục tầng và hơn thế nữa. Nhà cao như thế dĩ nhiên là phải có thang máy cho cư dân lên xuống. Thang máy cũng là một trong những 'tiêu chuẩn bắt buộc' để chủ đầu tư mời chào người mua nhà.
Vui buồn cùng thang máy
Chuyện đi thang máy ở chung cư là hiển nhiên rồi. Chỗ cửa thang máy chẳng biết tự bao giờ đã trở thành “tụ điểm” cho mấy bà, mấy cô đi chợ về hỏi nhau về tình hình giá cả thị trường. Chuyện rau, chuyện thịt, hóa ra vẫn là chủ đề rôm rả nhất. Đi chợ về có người hí hửng vì mua được món hời, lại có người phàn nàn vì chậm chân nên mua phải đồ bèo bọt. Người chưa đi chợ đứng đợi thang máy hóa ra lại hay bởi có người khảo giá hộ. Chỉ có mấy cô vợ trẻ là đứng nghe các bà, các chị nói chuyện chợ búa mà bĩu môi: “Vào siêu thị mua vừa sạch, vừa ngon lại chẳng lo bị “chém”.
Chuyện đi thang máy ở chung cư là hiển nhiên rồi. Cái “hộp” lên lên, xuống xuống ấy là chỗ cho người ta vui. Vui là vì ai đến đó đứng đợi lại chẳng mong cửa thang mau chóng mở ra. Vui là vì sau một ngày làm việc mệt mỏi trở về nhà. đứng đợi thang máy rồi háo hức rảo chân về căn hộ của mình với vợ con. Vui là vì ngày nghỉ hay lễ Tết đến thăm người thân, cửa thang máy mở ra đã rối rít nhắc con cháu chào ông chào bà râm ran hành lang.
Chuyện đi thang máy chung cư là hiển nhiên rồi. Cái “hộp” lên lên xuống xuống ấy đôi khi lại làm ta thấy buồn, làm ta thấy chán, làm ta thấy muốn nói một điều gì đó. Có người đã hỏi tôi: “Theo ông, chuyện đi thang máy ở chung cư có cần văn minh, lịch sự không?”.
Người đến trước đi trước, người đến sau đi sau
Tôi sống ở chung cư nên phải đi thang máy. Có lần tôi bấm xin tầng 1 để xuống đón vợ chồng anh bạn đến chơi. Mặc dù đã có ý đứng sát cửa để ra cho nhanh, vậy mà tôi không ra được. Cửa thang vừa mở thì ông bế cháu đi hóng mát về, bà đẩy xe đi chợ về, cô tay sách nách mang đi siêu thị về, lại mấy cháu học sinh ba lô căng phồng mặt túa mồ hôi… những người đó ào vào rất nhanh, nhanh đến mức không đếm xỉa đến việc có người muốn ra. Sau mấy giây dừng lại, thang máy lại từ từ đi lên. Khổ, tôi bắt buộc phải theo ngược lên tới tận tầng 28 rồi mới được xuống. Vợ chồng anh bạn đứng đợi lâu nên vừa gặp đã cười: “Chờ thêm mấy phút nữa là bọn tao về đấy”. Tôi đành rối rít xin lỗi chứ tuyệt nhiên không dám nói là vì mình không ra được. Nói thế vợ chồng anh bạn bỏ ý định mua chung cư thì chuyện môi giới cho bạn mua căn hộ gần mình để tiện xem bóng đá bị phá sản mất.
Lại có lần vợ chồng tôi đến thăm cô giáo của con. Nhà cô ở chung cư Times City, tầng 32 cao vút. Bạn tính, từ tầng 1 lên tầng 32 mà gần như tầng nào cũng dừng thì mất bao lâu nhỉ? Đấy còn chưa tính đến từng tầng sẽ có người ra, người vào. Người ra người vào có người nhanh nhẹn, có người lề mề nên tốc độ thang bị chậm lại, và sẽ thêm bao nhiêu thời gian nữa. Vợ chồng tôi lịch sự đứng tránh cửa ra vào, chúng tôi cùng một số người khác đứng về một bên với ý định nhường chỗ cho người trong thang bước ra thuận tiện. Chờ lâu lâu, rồi thang máy cũng xuống tới chỗ vợ chồng tôi đứng đợi. Cửa thang vừa hé mở, chúng tôi hơi lui về phía sau để đoàn người trong thang bước ra, nhưng tức thì mấy bà, mấy cô chẳng biết ở đâu cứ thản nhiên lũ lượt nối nhau bước vào thang máy. Vợ chồng tôi chậm chân nên không vào kịp, đành đợi chuyến khác vậy.
Hôm đó, vợ chồng tôi phải đợi đúng 6 chuyến mới vào được thang máy. Vợ tôi cằn nhằn (mà cằn nhằn là bản tính của những bà vợ): “Nói ông vào đi thì ông cứ bảo chờ người ra hết đã. Ông đúng là…”. Khổ, không biết là bà ấy chê mình “quê” hay nhắc mình già rồi nên chậm chạp. Khổ, có đi thang máy thôi mà cũng bị vợ mắng.
Đi thang máy cũng cần phải học
Thang máy là công cụ không thể thiếu đối với những khu nhà cao tầng, nhưng sử dụng nó xem ra còn có nhiều chuyện phải bàn. Tôi đồ rằng ở ta chưa hề có lớp học nào (hay đại loại là phổ biến cho cư dân chung cư) về đi thang máy cũng cần văn minh, lịch sự. Đi thang máy một cách văn hóa không chỉ để đảm bảo an toàn cho bản thân, người đi cùng, mà còn thể hiện bạn là người văn minh, hiểu biết. Thang máy không phải là phương tiện di chuyển của riêng cá nhân nào, đây là thiết bị công cộng. Do vậy, bạn cần tôn trọng cả những người xung quanh khi sử dụng thang. Văn minh là không ồn ào xô đẩy. Văn mình là phải đợi người ở trong ra hết rồi mới bước vào. Văn minh là phải biết nhường những người chúng ta phải nhường cho dù bất cứ ở đâu. Ví như phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người có nhiều đồ hay mang vác nặng. Văn minh là phải biết trật tự xếp hàng, mà xếp hàng là rất văn minh, nó vừa tránh xô đẩy, vừa thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.
Còn lịch sự là phải biết đấy là chỗ công cộng nên chúng ta không nên gây ồn ào, mất trật tự, không nên nói những chuyện khiến người khác vô tình nghe được cảm thấy khó chịu. Lịch sự là phải biết sử dụng thang máy đúng với quy định về trọng lượng, về số người. Có lần tôi thấy chuông báo quá số người kêu “reng reng”, tất cả ánh mắt đều nhìn ra phía cửa. Trong tình huống ấy ai cũng hiểu là những người đứng ngoài cùng nên tự giác bước ra. Nhưng chuông kêu thì mặc chuông, vài giây nhìn nhau nhưng chẳng ai nhúc nhích. Chưa có người bước ra là thang chưa hoạt động. Mãi rồi cũng có một cô gái trẻ đứng ngoài cùng ngúng nguẩy bước ra, miệng lầu bầu những câu khó nghe.
Lịch sự đi thang máy là việc giữ vệ sinh chung. Có bà dắt cháu đi chơi về, bước vào thang máy vẫn bóc nhãn cho cháu ăn. Cho trẻ ăn thì mấy ai nghĩ ngợi, nhưng ở chỗ công cộng mà cứ nhai với nuốt vừa không vệ sinh, vừa không đẹp. Ấy thế mà bà coi sàn thang máy là chỗ không người, vừa bóc nhãn cho cháu, vừa thả vỏ xuống sàn. Có người nhắc thì bà nói: “Rách việc, đã có người quét”. Chuyện đi thang máy xem ra nói đến sáng mai cũng chưa hết. Chỉ mong mọi người biết đến câu “thang máy này là của chung” mà thôi.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/di-thang-may-cung-can-van-hoa-post541783.antd