Đi thật xa để trở về

Quá nửa đời người tôi mới nhận ra, khi còn thơ bé, chúng ta luôn khao khát đi xa nhưng về già, lại muốn trở về quê cũ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hồi còn nhỏ, tôi luôn ao ước được đi xa. Tôi chờ mong những dịp đặc biệt để được ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của bố, ra khỏi cái xóm nghèo nằm giữa cồn cát mênh mông, có hơn hai chục nóc nhà để lên phố huyện sầm uất.

Tôi say mê ngắm nhà cao tầng, thấy những con đường rộng, dài và đẹp, xe cộ đi lại nườm nượp. Những nơi mà bố đưa tôi đến khác hẳn với con đường quê gồ ghề đá sỏi, khác hẳn nếp nhà quen thuộc vẫn che nắng che mưa mỗi ngày.

Có nhiều lần tôi hỏi bố tại sao thời trẻ bố không đi làm ăn xa, lại ở quê làm lụng vất vả, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"? Bố mỉm cười giải thích ngắn gọn rằng ông bà nội chỉ có mỗi mình bố là con trai, bố ở quê để chăm sóc ông bà khi về già và lo phần hương hỏa tổ tiên.

Cũng có vài lần bố đi làm ăn xa, nhưng được ít hôm, đã thấy bố về. Bố bảo rằng cứ chiều đến, lòng thấy nhớ nhà, nhớ quê cồn cào, đêm không ngủ được. Nhiều năm sau, khi ông bà tôi đã khuất núi rồi, bố không đi xa thêm một lần nào nữa.

Rồi đến một ngày tôi được đi xa. Đó là ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học. Tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà tại thành phố suốt 4 năm, chỉ về quê vào dịp nghỉ hè và Tết. Tốt nghiệp, tôi cũng đi làm xa nhà hơn 200 cây số, rồi tôi lấy chồng xa xứ…

Thỉnh thoảng trong những giấc mơ của tôi, có hình ảnh con đường quê ngoằn ngoèo, mùa mưa thì lầy lội trơn trượt, ngày nắng thì gió cuốn bụi bay mịt mù. Rồi hình ảnh của những bữa cơm gia đình có đông đủ ông bà, bố mẹ và bốn chị em.

Ngôi nhà nhỏ mỗi lần mưa, chị em tôi lại phải lật đật tìm chậu để hứng nước dột từ trên mái… Tất cả những điều thân thương ấy thôi thúc tôi trở về.

Về quê, gặp lại chú, bác, cậu, dì, cả những người hàng xóm đã từng chứng kiến tôi lớn lên, ai cũng chào đón tôi bằng những lời hỏi han chân tình. Đi chợ, những người bán hàng vẫn nhận ra tôi là con của bố mẹ, giọng quê chào mời đon đả.

Thường đêm trước ngày xa quê về thành phố, tôi thao thức không ngủ được. Nằm trên chiếc giường quen thuộc, bao nhiêu kỷ niệm của một thời ấu thơ trong trẻo ùa về, cảm giác cứ bịn rịn, bồn chồn khó tả. Tôi đã hiểu vì sao suốt cả đời mình, bố tôi đã bỏ hết danh lợi, giàu sang để chọn cuộc sống bình thường gần những người anh em, họ hàng thân thuộc.

Càng thêm tuổi, nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong tôi càng đậm sâu, nhất là vào những buổi chiều tà, thèm nghe giọng quê, thèm bát canh chua nấu từ quả khế vườn nhà đến nao lòng. Vì thế, cứ rảnh rang một chút, tôi lại tranh thủ đưa con về thăm quê, để các con biết gốc gác họ hàng và có kỷ niệm với quê hương trong hành trình lớn khôn của chúng.

Những ngày ở quê, tôi chỉ ước sao thời gian trôi thật chậm để tôi kịp thăm hỏi, gặp gỡ họ hàng, làng xóm, được ngồi tĩnh tâm nhấm nháp cốc nước chè xanh, bỏ lại sau lưng ồn ào nơi đô hội.

Quá nửa đời người tôi mới nhận ra, khi còn thơ bé, chúng ta luôn khao khát đi xa nhưng về già, lại muốn trở về quê cũ.

Quê hương mỗi người chỉ một… vì thế, dù có xa xôi, hãy trở về khi còn có thể.

Bảo Phúc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/di-that-xa-de-tro-ve-20240910161710501.htm