Đi theo con đường Đảng chọn, cuộc sống người Mông mình sẽ khá thôi
Khi người Mông ở bản Mùa Xuân còn chưa no cái bụng, Thao Văn Công đã quyết tâm vượt hàng chục cây số đường núi về phố huyện Quan Sơn đi học, chỉ mong có thêm kiến thức để thoát nghèo. Và rồi, trải qua nhiều vị trí công tác, đến nay giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy, anh đã đóng góp công sức, trí tuệ, cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu, tham gia các mô hình phát triển kinh tế.
Anh Thao Văn Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy (người ngoài cùng bên trái) cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động bà con bản Mùa Xuân xóa bỏ hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu.
Con đường từ trung tâm xã Sơn Thủy lên nhà anh Thao Văn Công (sinh năm 1983) ở bản Mùa Xuân uốn lượn hơn 25 cây số bên núi cao, bên vực thẳm. Thông thường, chiều chủ nhật anh rời bản, xuống trung tâm xã đi làm, tá túc lại, chiều tối thứ 6 lại lóc cóc xe máy ngược núi trở về bản Mông. Vào tiết trời mùa Đông, buổi chiều sương mù, mưa lạnh, phải sáng thứ 7 anh mới về nhà với vợ con một hôm lại phải đi. Trước năm 2021, con đường dẫn lên Mùa Xuân chưa được cứng hóa, vào mùa mưa đường trơn núi sạt, có tháng anh chỉ về nhà một lần.
Ở huyện Quan Sơn, Thao Văn Công là người dân tộc Mông duy nhất làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Còn ở 3 bản đồng bào dân tộc Mông (Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi) anh là công chức cấp xã hiếm hoi. Vậy nên, chưa nói quá trình công tác, anh Công đã là một tấm gương sáng về tinh thần kiên trì, nỗ lực vươn lên trong học tập.
Năm 1989, khi mới 6 tuổi, Công theo bố mẹ từ xã Pù Nhi (Mường Lát) di cư tự do sang bản Mùa Xuân sinh sống. Khi ấy cả bản Mông ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, chẳng mấy đứa trẻ học qua lớp 9. Kể cả anh, muốn học lên lớp 10, nhưng khổ nỗi, quãng đường về trung tâm huyện cách nhà hơn 60 cây số, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nên ước muốn ấy cũng đành gác lại nơi núi rừng hoang vắng.
Nhưng rồi, cuộc sống phát nương làm rẫy nay đây mai đó, năm này vắt sang năm nọ quần quật vất vả mà vẫn không thoát được nghèo, khiến anh nghĩ chỉ có đi học mới biết cách làm giàu. Nghĩ thế, Thao Văn Công xin bố mẹ, rồi khăn gói về trung tâm huyện đi học lớp 10. Vậy nên, mãi 23 tuổi, anh mới tốt nghiệp THPT. Anh kể: “Lúc đi học cấp 3, mình chỉ nghĩ đi để biết kiến thức làm giàu, về kể cho bà con nghe. Chứ mình không nghĩ đi học được làm cán bộ đâu. Sau đó mình tình nguyện đi bộ đội để học hỏi, rèn luyện thêm. Và khi làm cán bộ rồi, mình đã có điều kiện hơn để tuyên truyền, vận động đồng bào Mông mình xóa bỏ hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu, tham gia các mô hình kinh tế để vươn lên thoát nghèo”.
Giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã từ năm 2021, khi Kết luận số 684-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kết luận 684) ra đời, anh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng ủy xã kế hoạch tổ chức thực hiện và anh được đảng ủy tin tưởng phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Anh bộc bạch: “Kết luận 684 đã chỉ ra hướng đi đúng đắn cho bà con đồng bào Mông mình phát triển. Muốn phát triển, người Mông mình chẳng còn con đường nào khác, ngoài việc xóa bỏ hủ tục, tập quán sản xuất lạc hậu và tham gia phát triển kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ”.
Hiểu đúng, nói đúng, nhưng khi thực hiện lại chẳng dễ dàng gì, nhất là những hủ tục đã ăn sâu bám rễ trong bà con. Như chuyện trong đám tang, nhiều người muốn tổ chức theo nếp sống mới, đưa người chết vào quan tài, không phải mổ trâu, mổ bò tốn kém, nhưng lại sợ bị trách tội bất hiếu, bị ma bắt... Cũng là người Mông, anh hiểu muốn bà con làm theo thì không phải chuyện một sớm một chiều. Vậy nên, ngoài tranh thủ ngày cuối tuần đi đến từng nhà tuyên truyền, anh Công đã cùng với ban quản lý bản vận động, thuyết phục người có uy tín và trưởng các dòng họ Mông tham gia. “Khi được trưởng họ nói với tang chủ nếu sợ bị chê tội bất hiếu, thì cứ chê trưởng họ, ma muốn bắt thì cứ bắt trưởng họ. Mình cũng vận động người trong dòng họ, gia đình mình làm trước. Thế nên, từ một vài hộ làm theo, từ năm 2022 đến nay, các đám tang ở 2 bản Mùa Xuân, Xía Nọi đã được tổ chức theo nếp sống mới”, anh Thao Văn Công chia sẻ.
Trong tuyên truyền, vận động bà con trồng lúa nước hai vụ, anh Công cũng nghĩ vậy: “Muốn bà con theo thì bản thân và gia đình phải làm trước. Gia đình mình cũng là một trong những hộ dân đầu tiên ở bản Mùa Xuân trồng lúa nước hai vụ và thực hiện chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật được truyền dạy”. Cùng với sự vào cuộc của chi bộ, ban quản lý bản, đến nay toàn bộ diện tích lúa nước ở bản Mùa Xuân và Xía Nọi đã được gieo cấy hai vụ, với năng suất trung bình đạt 2,5 tạ/sào/vụ.
Ngoài ra, anh Công còn tham gia trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao với thanh niên trong bản. Thông qua đó, anh đã trực tiếp trò chuyện, tuyên truyền nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó, nhiều thanh niên ở các bản Mông đã thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn lấy người Mường, người Thái về làm vợ, không kết hôn khi chưa đến độ tuổi theo quy định...
Anh Công bộc bạch: “Mặc dù đồng bào ở các bản Mùa Xuân, Xía Nọi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng mình tin, đi theo con đường Đảng đã chọn, cuộc sống người Mông mình sẽ khá thôi”.