Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

Sáng nay (9/8), Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Chương trình Khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và có bài phát biểu quan trọng. Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội:

Kính thưa đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên,

Kính thưa các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên,

Thưa các vị đại biểu, khách quý cùng thân nhân các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, các cô, bác, Nhân dân xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên!

Hôm nay, trong không khí những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng hướng về kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), tôi cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh Thái Nguyên rất vui mừng đến dự Chương trình Khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, với ý nghĩa là sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/62025).

Rất vui mừng, phấn khởi về dự sự kiện này, tôi chân thành gửi tới các vị đại biểu, khách quý, các bậc lão thành cách mạng, cùng toàn thể bà con nhân dân tình cảm trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa quý đại biểu và các đồng chí và nhân dân!

Là một nhà báo lỗi lạc, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm sâu sắc đến việc phát huy sức mạnh to lớn, sắc bén của báo chí, xây dựng và rèn luyện đội ngũ người làm báo để đóng góp đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

 Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát biểu.

Từ mối quan tâm đó, cách đây 75 năm, năm 1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác đã chỉ đạo thành lập Trường dạy làm báo, đặt tên Trường theo tên Cụ Huỳnh Thúc Kháng - bậc chí sĩ yêu nước mà Người rất kính trọng vì “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, đồng thời cũng là cây đại thụ bản lĩnh, mẫu mực của phong trào báo chí yêu nước, người sáng lập tờ báo Tiếng Dân năm 1927 để giáo dục, cổ động lòng yêu nước, kêu gọi tinh thần đoàn kết để phụng sự Tổ quốc.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta. Từ mái trường đơn sơ đó, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, trở thành những viên gạch quý bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Với tầm vóc lịch sử quan trọng đó, ngày 4/4/2019, Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích quốc gia, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đói với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí nước nhà.

Thưa quý đại biểu và các đồng chí và nhân dân!

Tôi đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Công trình được khánh thành hôm nay thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

 Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đây cũng là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Hơn lúc nào hết, vai trò là lực lượng tuyến đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng tôi luyện phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để làm tốt hơn công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, phản ánh khách quan, sinh động và đa chiều thực tiễn cuộc sống, khơi nguồn, lan tỏa những điều tốt đẹp, kiên quyết phê phán, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần xứng đáng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thưa quý đại biểu, các đồng chí và nhân dân!

Thái Nguyên vinh dự và tự hào là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nơi khởi phát nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, mà tiêu biểu là Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Lịch sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh được hun đúc, trao truyền qua nhiều thế hệ, mỗi ngày càng tô thắm thêm truyền thống, khí phách của đất và người Thái Nguyên.

Tôi tin rằng, cùng với rất nhiều di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Di tích Rừng Khuôn Mánh - nơi thành lập Đội Cứu quốc quân II; Di tích Địa điểm thành lập Đội Thanh niên xung phong; Khu di tích lịch sử 27/7 - nơi công bố Thư của bác Hồ về việc lấy ngày 27/7 là Ngày Thương binh; Khu tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của 60 Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái…, Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một “địa chỉ đỏ” trên con đường di sản cách mạng đầy tự hào ở nơi từng là “thủ đô kháng chiến”, làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Nhân dịp này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, sau khi nhận bàn giao Di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng thật hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một Di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của Nhân dân.

Tôi cũng mong rằng, sau sự kiện có tính chất mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) này, các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng; cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc; bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kính chúc các vị đại biểu và các đồng chí, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-tich-quoc-gia-dia-diem-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-noi-ket-noi-lich-su-hien-tai-va-tuong-lai-cua-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam-post306932.html