Di tích Quốc gia ở địa danh thủy chiến năm xưa
Địa danh Rạch Gầm - Xoài Mút (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là tên hai con rạch đổ ra sông Tiền. Nhưng có điều đặc biệt là tên hai con rạch này lại đi vào lịch sử Việt Nam như một niềm kiêu hãnh của xứ Đàng Trong, bởi nó gắn liền với một sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc: Tiêu diệt gần 5 vạn quân xâm lược Xiêm trên sông Tiền, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, vào đêm 19 rạng 20-1-1785.
VÀI NÉT VỀ MỸ THO XƯA
Thuở xưa, vào đầu thế kỷ XVII, vùng đất Tiền Giang còn rất hoang vu. Người dân vùng Ngũ Quảng lần lượt đến đây khai phá để sinh sống. Vùng chợ Cũ của TP. Mỹ Tho hiện nay, từ năm 1679 đã được xây dựng, mở mang thành một khu phố lớn, được gọi là Mỹ Tho Đại Phố (1 trong 3 trung tâm thương mại của Nam bộ lúc bấy giờ, ngoài Cù lao Phố ở Biên Hòa và Hà Tiên). Ở vùng Rạch Gầm, năm 1688, làng Kim Sơn được lập, là một trong số ít làng được lập sớm ở Tiền Giang.
Đất đai màu mỡ, vùng Rạch Gầm dân cư ngày một đông. Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) cho biết, bờ tây của rạch Gầm có chợ Thủy (hoặc chợ Nhỏ), nay là chợ Kim Sơn. Tại đây, nơi bến sông và trong lòng đất còn để lại rất nhiều gốm của các thế kỷ trước. Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Tiền Giang có nhiều nơi rất trù phú, trong đó có vùng Rạch Gầm.
Trong lúc đó, ở Đàng Trong (từ sông Gianh - Quảng Bình trở vào), chúa Nguyễn ra sức bóc lột nông dân, đặt ra hàng trăm thứ thuế, nông dân hết sức khốn khổ. “Đại Nam thực lục” ghi: Trăm họ đói khổ, trộm cướp nổi lên bốn phương. Vì thế, những cuộc bạo động đã nổ ra, báo hiệu một cơn bão táp cách mạng to lớn của nông dân Đàng Trong giáng vào toàn bộ cơ cấu của chế độ phong kiến.
TRẬN THỦY CHIẾN CỦA QUÂN TÂY SƠN
Mùa xuân năm 1771, lá cờ đỏ của anh em Tây Sơn (gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ) phất lên từ Bình Định, với khẩu hiệu: “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” đã nhanh chóng tập hợp được lực lượng nông dân. Cuộc khởi nghĩa nhờ thế lan nhanh khắp xứ Đàng Trong.
Từ năm 1776 đến năm 1783, quân Tây Sơn 5 lần tiến công vào Gia Định, thì cả 5 lần quân của chúa Nguyễn bị đại bại. Đến cả tàu chiến của Bồ Đào Nha do quân Pháp chỉ huy nhằm giúp Nguyễn Ánh cũng bị đốt cháy.
Đầu năm 1784, Nguyễn Ánh cùng một số ít bộ hạ sống sót chạy sang Xiêm (Thái Lan) cầu cứu, mở đường cho quân Xiêm xâm lược nước ta. Không những thế, một bộ hạ của Nguyễn Ánh là giám mục Bá-đa-lộc, thường gọi là Cha Cả, khuyên Nguyễn Ánh nương nhờ tư bản Pháp, để cho Pháp tính chuyện đặt căn cứ quân sự tại Đàng Trong. Trong bối cảnh ấy, vua Xiêm mời Nguyễn Ánh sang Băng Cốc, sau đó quân Xiêm xâm lược nước ta.
Năm 2015, tỉnh Tiền Giang vinh dự đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Ảnh: HOÀI THU
Vốn có âm mưu thôn tính Đàng Trong của nước ta, quân Xiêm nhiều lần tràn sang vùng đồng bằng Nam bộ, lúc cao điểm lên 5 vạn quân. Thấy quân Xiêm binh hùng tướng mạnh, quân Nguyễn cũng nối gót theo cùng quân Xiêm tàn phá những nơi chúng chiếm đóng, đặc biệt là các vùng dọc theo bờ sông Tiền.
Trong hoàn cảnh đất nước bị giày xéo, Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đích thân đến thị sát chiến trường Mỹ Tho và đưa ra quyết định táo bạo: Nhử chiến thuyền Xiêm vào khúc sông rộng nhất, tức đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài khoảng 7 km, lợi dụng thủy triều để khóa đầu và khóa đuôi chúng, tập trung chiến thuyền, hỏa lực đã mai phục sẵn để tiêu diệt chúng.
Nguyễn Huệ tên thật Hồ Thơm, sinh năm Quý Dậu 1753, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, mắt sáng như chớp, là hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (thế kỷ X). Ông Tổ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Giữa thế kỷ XVII (khoảng 1653 - 1657) bị quân của Chúa Nguyễn đánh ra Đàng Ngoài bắt đem về cho ở ấp Tây Sơn (nay là An Khê, Hoài Nhơn, Bình Định), từ đó đổi thành họ Nguyễn.
Để làm được điều đó, Nguyễn Huệ đưa hơn 3 vạn quân cùng hàng trăm chiến thuyền có trang bị súng thần công và nhiều súng lớn mai phục tại các cửa sông, dọc theo bờ sông và các cù lao. Chọn bến thuyền của Mỹ Tho Đại Phố (nay là bến Tắm Ngựa, phường 2, TP. Mỹ Tho) làm tổng hành dinh. Và trận đánh diễn ra đúng theo dự đoán của Nguyễn Huệ.
5 vạn quân Xiêm, do tướng Chiêu Tăng chỉ huy, thuận nước, xuôi theo dòng sông Tiền. Đêm 19 rạng 20-1-1785, được chiến thuyền của Nguyễn Ánh dẫn đường, lại đánh thắng một số thuyền nhỏ của Nguyễn Huệ (vốn là những thuyền do Nguyễn Huệ đưa ra để nhử) và được Nguyễn Huệ phái sứ giả đến gặp Chiêu Tăng dâng vàng bạc, gấm lụa và đề nghị giảng hòa, Chiêu Tăng hí hửng xua quân tràn xuống. Hơn 300 chiến thuyền ào ào tiến về phía Rạch Gầm - Xoài Mút. Đến giữa đoạn sông rộng thì nước bắt đầu lên. Toàn bộ quân Xiêm đã lọt vào ổ phục kích.
Lúc này Nguyễn Huệ cho bắn pháo lệnh. Các chiến thuyền của Tây Sơn khóa đầu và khóa đuôi, hỏa lực từ nhiều phía tập trung bắn vào thuyền giặc, các chiến thuyền khác của Tây Sơn xông vào tiêu diệt chúng. Bị đánh bất ngờ, toàn bộ thuyền chiến của quân Xiêm bị nhấn chìm chỉ trong một đêm. 5 vạn quân Xiêm chỉ còn vài ngàn thoát nạn, trong đó 2 tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương nhảy lên bờ, tìm đường chạy về nước.
Với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Tây Sơn đã quét sạch thù trong và giặc ngoài. Sau trận này, quân Xiêm không dám bén mảng tới nước ta, đến nỗi sợ Tây Sơn như sợ cọp. Còn đội quân của Nguyễn Ánh thì hoàn toàn bị sụp đổ.
Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tạo điều kiện cho khởi nghĩa Tây Sơn phát triển ra phía Bắc. Năm 1786, chỉ trong vòng 10 ngày đã đánh tan 3 vạn quân Trịnh, giải phóng Phú Xuân (Huế); chỉ 1 tháng sau, giải phóng Thăng Long, đạp đổ ách thống trị của họ Trịnh, thống nhất đất nước. Ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Quang Trung. Đầu năm 1789, tiêu diệt 20 vạn quân Thanh tại Ngọc Hồi - Đống Đa, giữ yên toàn vẹn lãnh thổ.
DI TÍCH QUỐC GIA
Với chiến thắng vĩ đại tại Rạch Gầm - Xoài Mút, mảnh đất này trở thành mảnh đất lịch sử, du khách đến đây hình dung về trận thủy chiến của 236 năm trước, khi sông nước này đã nuốt chửng gần 5 vạn quân Xiêm, chúng ta mới hiểu thêm tài thao lược của Nguyễn Huệ, hiểu thêm sức mạnh của giai cấp nông dân. Năm 1992, Rạch Gầm - Xoài Mút được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia.
Năm 2015, nhân Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, tỉnh Tiền Giang vinh dự đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Hiện nay, bên cầu Rạch Gầm, trên vùng đất của chiến trường xưa, một công trình văn hóa có quy mô lớn, chuyển tải nội dung của sự kiện Rạch Gầm - Xoài Mút, biến nơi đây thành một điểm du lịch văn hóa bên dòng sông Tiền.