Di tích tăng cường phòng dịch ngày Tết Nguyên tiêu
Hôm nay, 15-2, tức ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Dần - ngày trăng tròn đầu tiên của năm, hay còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, người dân thường đi lễ cầu bình an cho người thân và gia đình. Với việc cho phép các địa phương mở cửa di tích phù hợp theo từng cấp độ dịch, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong dịp đầu xuân mới.
Đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm phòng dịch
Với quan niệm dân gian “giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, từ sáng sớm, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội đã đi lễ cầu an. Các điểm di tích nổi tiếng của thành phố, như: Chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, Chùa Hà, Tổ đình Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ… có nhiều du khách tới dâng hương, kính lễ các bậc tiên thánh. 9h, tại Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa) nhiều người vào ra song vẫn bảo đảm sự trang nghiêm, trật tự. Tại lối vào và nhiều khu vực, ban quản lý di tích bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang, niêm yết mã QR phục vụ người dân khai báo y tế.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa (tổ dân phố 14, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) cho biết, ngay khi nhà chùa ra thông báo mở cửa, phục vụ phật tử chiêm bái, lễ Phật, những người làm công tác tình nguyện tại chùa đã được hướng dẫn, phân công nhiệm vụ bảo đảm trật tự, vệ sinh môi trường và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch, để hoạt động tâm linh, tín ngưỡng tại Tổ đình Phúc Khánh được an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ về dịch.
“Từ 19h ngày 14-2, nhà chùa cũng đã tổ chức lễ cầu an trực tuyến”, bà Nguyễn Thị Minh Hòa thông tin.
Trước đó, tại Đền Quán Thánh (quận Tây Hồ), không khí du xuân, vãn cảnh đã thay thế cho sự vắng lặng, im lìm của nhiều ngày đóng cửa. Bảng khuyến cáo tuân thủ "5K" được đặt ngay cổng vào di tích. Cùng với đó, Ban Quản lý di tích cũng trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, bố trí nhân viên tại nhiều khu vực để kịp thời nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định phòng dịch.
Chùa Hà, một điểm nổi tiếng về “cầu duyên linh ứng”, trong ngày Tết Nguyên tiêu thu hút nhiều người trẻ đến dâng lễ. Theo chị Trần Thị Hà (ở Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy), chị rất phấn khởi khi di tích mở cửa cho người dân vào lễ Phật dịp đầu năm mới. Tại đây, người dân được đo thân nhiệt, sát khuẩn, khai báo y tế… Ban Quản lý di tích cũng tổ chức giãn cách, phân luồng di chuyển trong khuôn viên di tích; lắp vách ngăn tại các vị trí có tiếp xúc với lực lượng phục vụ (bàn lễ tân, nhà ghi công đức…); miễn phí gửi xe cho người dân…
Thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự
Theo “Phong tục thờ cúng của người Việt”, Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên, hay ngày Vía Phật, thời điểm hội tụ nhiều may mắn trong năm. Chính vì vậy, trong dịp này, người dân thường hay đi chùa lễ Phật… để cầu bình an, tốt lành cho bản thân và gia đình; tổ chức mâm cúng tại gia, bày tỏ hiếu kính với ông bà, tổ tiên, mong một năm an lành. Phong tục này đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt.
Tiến sĩ Đinh Đức Tiến (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết, theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc. Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long), lễ Rằm tháng Giêng là tín ngưỡng dân gian cần được gìn giữ nguyên vẹn ý nghĩa.
Trên thực tế, việc hàng loạt di tích trên địa bàn thành phố được phép mở cửa trong dịp này nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, do đáp ứng nhu cầu du xuân, lễ Phật mà vẫn bảo đảm những yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, như: Phun thuốc khử khuẩn; trang bị máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, mã QR… Công tác tuyên truyền, vận động cũng tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế và các quy định về phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố. Việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự cũng được bảo đảm, thể hiện qua việc hạn chế vàng mã, rải tiền lẻ; cắm nhang đúng nơi quy định cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan chung.