Đi tìm 'cây báo vụ mùa' của người Tày
Ở thôn Phương Mỵ, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, Lào Cai có một cây bồ kết rừng độc đáo. Tương truyền, đây là cây báo hiệu cho những giai đoạn xuống giống, gieo mạ… của người Tày trong vùng. Thậm chí người Tày ở cả những nơi khác cũng tìm đến đây để xem những dấu hiệu mà cây 'báo' cho người vào mỗi vụ lúa mới.
NDĐT - Ở thôn Phương Mỵ, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, Lào Cai có một cây bồ kết rừng độc đáo. Tương truyền, đây là cây báo hiệu cho những giai đoạn xuống giống, gieo mạ… của người Tày trong vùng. Thậm chí người Tày ở cả những nơi khác cũng tìm đến đây để xem những dấu hiệu mà cây “báo” cho người vào mỗi vụ lúa mới.
Nếu có dịp đi qua vùng núi huyện Bắc Hà, thi thoảng bạn sẽ thấy trên núi có những cây lá màu đỏ rực rỡ, nổi bật trên nền xanh mướt lá rừng hoặc màu xanh ngắt của nền trời. Đó là những cây bồ kết rừng, mà người Tày gọi là Mạy (Mảy) Coóng. Ở thôn Phương Mỵ, xã Bản Liền, còn có một cây Mạy Coóng mà mùa chuyển lá, rụng lá gắn liền với quá trình làm nông của người Tày trong vùng.
Theo các cán bộ của Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED), những người đã nhiều năm gắn bó với vùng đất và con người nơi đây, trong tiếng Tày, “Mạy” là cái cây, “Coóng” là bồ kết rừng. Trong rừng có nhiều Mạy Coóng, nhưng chỉ riêng Mạy Coóng ở thôn Phương Mỵ mới là “cái đồng hồ” thiên nhiên được người Tày quan tâm đến nhiều nhất.
Mạy Coóng ở Bản Liền cũng gần như là cây bồ kết lớn nhất, xòe tán rộng nhất. Cây nằm trên lưng chừng thung lũng, nhưng lại ở một khoảnh đất rộng phủ cỏ xanh rì nhô ra, cho nên vị trí của cây cũng là nơi ngắm cảnh đẹp nhất ở khu vực này. Từ gốc cây Mạy Coóng trông ra, là những thửa ruộng bậc thang của các thôn chung quanh, thửa lấp loáng nước đổ, thửa xanh ngắt màu mạ mới xuống.
Anh Lâm A Nâng, người Tày sinh sống ở xã Bản Liền cho biết, khi cây Mạy Co óng bắt đầu nhú lá non, người Tày trong vùng sẽ đi gieo mạ, xuống giống. Thời gian cấy mạ rơi vào đúng ba tuần lá cây chuyển sắc đỏ rực rỡ, và chỉ có thể cấy mạ trong đúng ba tuần đó mới thành công. Khi cây chuyển màu xanh, vụ gieo cấy cũng kết thúc. Một điều đặc biệt là, nếu gieo mạ sớm hay muộn hơn thời gian cây ra lá đỏ thì vụ lúa đó sẽ nhiều sâu bệnh hoặc cho thóc kém. Khi lúa chín, cũng là lúc cây Mạy Co óng trút hết lá, chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu trơ trọi, tích lũy nhựa sống qua cả mùa đông để bắt đầu một vòng gieo cấy mới vào năm sau.
Không chỉ người Tày trong vùng, mà nhiều bà con dân tộc khác từ những khu vực chung quanh cũng thường tìm đến cây Mạy Co óng ở đây để xác định thời điểm khởi đầu mùa vụ của mình. Anh Lâm A Nâng cho biết, có nhiều người Dao từ nơi khác vẫn thường đến đây “xem cây” để về gieo trồng cho đúng vụ.
Được biết, cây bồ kết rừng này đã có từ rất lâu, theo lời Lâm A Nâng thì từ thời ông bà anh đã thấy cây này hiện diện. Mùa quả, người dân ở đây thường lấy quả về phơi khô gội đầu cho sạch và mượt tóc.
Cây đẹp, nằm tại một vị trí tuyệt đẹp, nhưng đường đi xuống nơi có cây không hề dễ. Từ đường nhựa phía trên, bạn chỉ có thể cuốc bộ qua gần 3km đường núi lổn nhổn đá, bùn đất với những con dốc nối liền nhau cảm giác chẳng bao giờ dừng lại, những khúc quanh từ rìa đồi này sang rìa đồi khác. Gần vào nơi có cây, người dân ở đây cùng nhau góp tiền làm được một đoạn đường bê tông dễ đi hơn, nhưng độ dốc cũng không thua kém gì những đoạn phía trước đó.
Và ở cuối con đường, tán lá đỏ rực rỡ dưới ánh hoàng hôn từ phía mặt trời đang xuống dần bên kia núi quả là một phần thưởng xứng đáng cho công sức đi bộ gần 3km đường dốc của những vị khách háo hức vốn chỉ quen với xe máy và phố phường.