Đi tìm điểm cân bằng thương mại với các đối tác lớn
Chiều 3/4/2025 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý 1/2025 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thảo luận về động thái thuế quan mới nhất từ Mỹ vào rạng sáng nay…

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã chủ động tiến hành rà soát các chính sách thuế nhập khẩu từ Mỹ để hướng đến mục tiêu cân bằng, cải thiện cán cân thương mại.
“Thuế quan 46% mới đây mà Mỹ công bố là mức tối đa áp dụng theo dự kiến, còn chi tiết về lộ trình cũng như mặt hàng cụ thể là chưa có. Vào cuối tuần này, lãnh đạo cấp cao của Chính phủ sẽ sang làm việc với Mỹ. Mong rằng cả hai bên sẽ cùng trao đổi chia sẻ, kiên trì tìm kiếm giải pháp và hướng tới cân bằng thương mại theo nghĩa cùng phát triển, vừa tăng kim ngạch nhưng không tăng thuế để người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp hai nước cùng được hưởng lợi”, Thứ trưởng nhận định.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí chia sẻ, phần lớn các hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam hiện chỉ chịu mức thuế 15%, thấp hơn hẳn so với con số 90% mà phía Mỹ tính toán.
Để chủ động thích ứng với tình hình kinh tế vĩ mô và đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đề ra; Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các mức thuế suất, nhập khẩu theo nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Đó là căn cứ để đề xuất mức thuế suất cân bằng giữa Việt Nam và các đối tác thương mại. Tuy nhiên, nếu tham chiếu vào con số được Mỹ công bố sáng nay thì vấn đề không thuần túy là yếu tố thuế, do đó cần tìm hiểu, làm rõ thêm cơ sở, căn cứ từ phía Mỹ để có giải pháp thích hợp.
“Mức thuế mà Mỹ đề xuất cao hơn rất nhiều so với mức thuế suất hiện hành và sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều ngành sản xuất, điển hình là những lĩnh vực chủ lực như nông nghiệp, dệt may, da giày…”, ông Trương Bá Tuấn chia sẻ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025 về giảm thuế nhập khẩu đối 16 nhóm sản phẩm như ô tô, nông nghiệp, than, gỗ… nhằm hướng đến mục tiêu cân bằng thương mại đối với các đối tác chiến lược toàn diện.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng khối ngoại bán ròng mạnh trong quý 1 vừa qua có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch nâng hạng thị trường; Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi lưu ý rằng có nhiều yếu tố tác động cần chú ý, bao gồm chiến lược, chính sách của từng quý, tác động về tâm lý đối với nhà đầu tư.
“Điều quan trọng là chúng ta đáp ứng được yêu cầu về pháp lý, chất lượng thị trường chứng khoán, đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia … để cơ quan tổ chức xếp hạng có cơ sở để đưa ra quyết định. Mục tiêu của chúng ta là đưa thị trường chứng khoán phát triển về chất, ổn định, bền vững. Việc nâng hạng là một điểm nút để ghi nhận và chúng ta chuyển sang một trạng thái mới, một chất mới của thị trường. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia vào thị trường đó là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán bền vững với chất lượng ngày càng cao”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông Hà Duy Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, trong quý 1/2025, khối ngoại đã bán ròng hơn 22.000 tỷ đồng, trong phiên sáng nay bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng, do chịu tác động từ chính sách thuế của Mỹ. Diễn biến này có thể sẽ tiếp diễn, còn tùy theo khả năng thực thi của Mỹ cũng như phản ứng ở các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Dù vậy, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng giá trị bán ròng chỉ chiếm một phần nhỏ gần 2% trong danh mục đầu tư tổng thể.
Về kế hoạch nâng hạng thị trường, trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã triển khai hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế chính sách để đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường của các tổ chức quốc tế.
“Cho đến nay, xét về hệ thống pháp lý, về cơ bản chúng ta đã đáp ứng được các yêu cầu. Tuy nhiên, việc xét nâng hạng thị trường còn phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư. Trong giai đoạn tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề kỹ thuật, triển khai giải pháp thu hút vốn, cải thiện môi trường để tổ chức và nhà đầu tư có đánh giá, trải nghiệm thực tế tích cực hơn”, ông Hà Duy Tùng kết luận.