Đi tìm kỷ vật thời kháng chiến

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 2 ngàn hiện vật thuộc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những hiện vật này được các di sản viên thuộc Phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng tỉnh) kiên trì, lặng lẽ tìm kiếm, vận động các nhân chứng lịch sử, các gia đình cách mạng trong và ngoài tỉnh hiến tặng suốt nhiều năm qua.

Các hiện vật do nhiều thế hệ di sản viên của Bảo tàng tỉnh sưu tầm đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh

Các hiện vật do nhiều thế hệ di sản viên của Bảo tàng tỉnh sưu tầm đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh

* Hành trình lặng lẽ

Gần 15 năm làm việc tại Bảo tàng tỉnh cũng là gần 15 năm ông Nguyễn Anh Đức, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng tỉnh) gắn bó với công tác sưu tầm; nhất là các hiện vật thời kháng chiến. Với ông Đức, đây là “hành trình” đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì để tìm kiếm, đưa về được những hiện vật mang đậm chứng tích, kỷ niệm, hồi ức của những con người, những gia đình đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc.

Ông Nguyễn Anh Đức tâm sự: “Sưu tầm là bước đầu tiên, là tiền đề cho mọi hoạt động nghiệp vụ sau đó của ngành bảo tàng như: lưu trữ, bảo quản, trưng bày... Đây là công việc đòi hỏi kiến thức sâu rộng về lịch sử, nhất là lịch sử địa phương; bất kể là sưu tầm hiện vật kháng chiến hay các lĩnh vực khác. Vì mỗi vùng đất sẽ gắn với các sự kiện, hoạt động khác nhau trong 2 cuộc kháng chiến nên mỗi vùng đất sẽ tìm được các nhóm nhân chứng, nhóm hiện vật khác nhau”.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh NGUYỄN VIỆT SƠN đánh giá, công tác sưu tầm của các di sản viên đã góp phần xây dựng được hệ thống hiện vật giai đoạn kháng chiến trên địa bàn Đồng Nai. Đây là các hiện vật giúp các tầng lớp nhân dân, thanh thiếu niên cảm nhận được quá trình đấu tranh gian khó của cha ông. Vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức khai mạc triển lãm 200 hình ảnh, kỷ vật thời kháng chiến nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2020).

Chẳng hạn, H.Nhơn Trạch có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nên tại đây các di sản viên tìm được nhiều hiện vật gắn liền với sinh hoạt như: thư từ, lu gạo… Hay tại TP.Biên Hòa tập trung đông cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên tìm được các hiện vật gắn với quá trình chiến đấu như: quân trang quân dụng, chiến lợi phẩm thu được từ đối phương…

Trên hành trình sưu tầm, nhiều lần các di sản viên phải đi ngoài tỉnh, tìm kiếm các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh từng sống, chiến đấu tại các vùng kháng chiến rộng lớn (nằm trên nhiều địa phận giáp ranh) như: Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu), Căn cứ Rừng lá (H.Xuân Lộc)… Để có được thông tin chính xác, độ tin cậy cao về nhân chứng, kỷ vật đang lưu giữ, các di sản viên phải liên hệ, nắm thông tin từ hội cựu chiến binh các cấp, ban liên lạc các đơn vị, chính quyền địa phương.

Chị Trương Thị Nguyên Hiền, di sản viên Phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng tỉnh) kể lại: “Dù đã tìm được nhân chứng nhưng quá trình vận động họ hiến tặng kỷ vật là điều không dễ. Vì họ tuổi đã cao, không ít lần chúng tôi phải đi lại, tìm gặp nhiều lần do chủ nhân kỷ vật đi khám bệnh vắng nhà hoặc có nhà nhưng không nhớ đã cất kỷ vật ở đâu. Một số trường hợp các nhân chứng lịch sử đã qua đời, thân nhân không còn lưu giữ hoặc rất coi trọng hiện vật, phải thuyết phục nhiều lần họ mới hiến tặng”.

* “Nghe” hiện vật “kể chuyện”

Các hiện vật kháng chiến được nhiều thế hệ di sản viên đưa về Bảo tàng tỉnh gồm các vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, chiến đấu của những nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đặc biệt là những kỷ vật của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bởi hiện vật của các Mẹ thường là kỷ vật gắn chặt với liệt sĩ (chồng, con), có thể là bức thư gửi từ chiến trường, là món quà của liệt sĩ tặng Mẹ trước ngày ra trận, là di vật liệt sĩ được đồng đội đưa về… nên mang ý nghĩa rất thiêng liêng với Mẹ và thân nhân.

Vì vậy, mỗi lần gặp gỡ nhân chứng lịch sử, trò chuyện cùng chủ nhân hiện vật, tận tay chạm vào hiện vật là các di sản viên lại ngỡ như được “nghe” chính hiện vật “kể” lại những năm tháng đã qua, nhất là các hiện vật sát cánh cùng các nhân chứng lịch sử, Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt những thăng trầm, gian nguy của thời kỳ kháng chiến.

Đồ dùng sinh hoạt và kỷ vật của 2 Mẹ Việt Nam anh hùng được gia đình hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng cung cấp

Đồ dùng sinh hoạt và kỷ vật của 2 Mẹ Việt Nam anh hùng được gia đình hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng cung cấp

Ông Nguyễn Anh Đức kể lại, ông đã tự tìm kiếm, sưu tầm rất nhiều hiện vật là kỷ vật của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng đáng nhớ nhất chính là chiếc vòng tay của mẹ Võ Thị Phận được sưu tầm năm 2018. Thời điểm đó, mẹ Phận đã mất từ lâu (năm 1996), chiếc vòng do thân nhân của mẹ đặt trang trọng trên bàn thờ ở xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Khi ông Đức đến, người thân của mẹ cho biết, đây là chiếc vòng do người con trai độc nhất mua tặng mẹ năm 1967, trước khi thoát ly theo cách mạng.

“Khi đó, gia đình mẹ Phận kể với tôi, tháng 1-1971, chiếc vòng trên tay mẹ bị rớt, vỡ làm đôi dù không có tác động gì khiến mẹ cảm thấy bất an và nghĩ ngay tới người con trai đang đi bộ đội. Đúng 1 tháng sau, gia đình hay tin người con trai của mẹ đã hy sinh, từ đó mẹ đặt chiếc vòng tay cùng di ảnh người con trai liệt sĩ trên bàn thờ. Nghe được câu chuyện đó, tôi rất xúc động và càng xúc động hơn khi biết đã có nhiều bảo tàng tìm tới trước đó nhưng gia đình mẹ Phận chỉ hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh để lưu giữ” - ông Nguyễn Anh Đức cho hay.

Giống như chiếc vòng tay của mẹ Phận, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ nhiều hiện vật gắn bó với những câu chuyện, những khoảng thời gian đầy gian khó trong kháng chiến. Như chiếc võng dù của cố đại tá Lê Bá Ước, chiếc cặp công tác của cố đại tá Trần Công An... Đây là những hiện vật được chính tay chủ nhân, thân nhân trao cho Bảo tàng tỉnh kèm những tình cảm, gửi gắm chân thành, mong các kỷ vật được lưu giữ, bảo quản và trưng bày một cách trân trọng.

Di sản viên Nguyễn Bá Tâm, Phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng tỉnh) cho biết thêm, đưa được kỷ vật về tới bảo tàng (sau khi đã thực hiện các thủ tục bàn giao theo quy định), các di sản viên sẽ phải viết ra “sơ yếu lý lịch” của hiện vật như: nguồn gốc xuất xứ, công dụng, thời gian sử dụng… Trên cơ sở đó, hiện vật sẽ được hội đồng chuyên môn đánh giá trước khi đưa vào kho, chính thức trở thành một hiện vật khoa học của Bảo tàng tỉnh. Sau đó, các kỷ vật sẽ được lưu giữ theo chất liệu (gỗ, vải, giấy, kim loại…), theo chủ đề (kháng chiến) ở mỗi phòng khác nhau để đảm bảo được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202204/ky-niem-47-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2022-di-tim-ky-vat-thoi-khang-chien-3114011/