Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! (Kỳ 2)
Phạm Quang Nghị đi vào chiến trường miền Nam, trên đôi vai người chiến sĩ vượt Trường Sơn, ba lô chẳng có tài sản gì đáng kể. Chỉ tình yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm đánh giặc là lớn lao. Tình yêu đất nước đã gắn kết ông với tình người muôn nơi dưới mưa bom bão đạn...
Tình người: Lưu luyến, sâu nặng
Từng là người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, Phạm Quang Nghị có giọng văn rắn rỏi, chân phương, bộc trực. Ông kể một cách “ngon trớn” không dè dặt, chần chừ mà niềm nở, thẳng thắn. Các câu chuyện được xâu chuỗi theo dòng thời gian tuyến tính. Dõi theo đó, độc giả cùng hành trình qua những chặng đường đời Phạm Quang Nghị; và trên chặng đường nào bạn đọc cũng nhận thấy nhiều ký ức vô giá: Đầy ắp tình người!
Trong mái ấm gia đình, nhất ở thời thơ ấu, ông nội là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Không chỉ vì sự cưng chiều của ông dành cho cháu, còn vì ông đã góp phần hình thành tính cách con người và quan niệm nhân sinh cho Phạm Quang Nghị. Qua lời kể của Phạm Quang Nghị về ông nội, bạn đọc có thể bắt gặp sự kết hợp giữa quan niệm nhân nghĩa Khổng - Mạnh và quan niệm thiện - ác theo nhận thức của đạo Phật (phải chăng đây là truyền thống Tam giáo đồng nguyên vốn đã hình thành từ thời Lý - Trần). Những bài học đạo đức của ông nội từ hồi thơ ấu, Phạm Quang Nghị vẫn còn nhớ rất kỹ đến hôm nay: Rồi ông giảng giải: “Chăm làm điều thiện, điều tốt thì sẽ gặp được điều lành. Làm ác thì sẽ gặp ác. Đời mình chưa được, chưa gặp thì đời sau sẽ gặp”. Mỗi khi uống rượu ngà ngà say, ông thường ngâm ngợi: “Trên cao đã có thánh tri. Những người nhân nghĩa có hàn vi bao giờ”. Ông thường lấy những câu chữ của thánh hiền để đem ra dạy cháu con: “Nhân bất học, bất tri lý”, “Bất học diện tường”. Ông lại giảng giải: “Người không có học thì không hiểu được điều phải, trái; không có học như úp mặt vào tường…” (tr.31).
Có thể nói, ông nội là người đã hun đúc cho Phạm Quang Nghị tinh thần hiếu học, tiếp nối truyền thống của gia đình. Học từ lúc tấm bé và không ngừng học tập cho đến suốt đời. Nhờ đó, tác giả tập tự thuật có sở học rất sâu sắc, rộng rãi. Qua lời kể của Phạm Quang Nghị, người đọc càng nhận ra vai trò giáo dục gia đình thực sự rất quan trọng. Bởi, đó là, dấu ấn ban sơ; là nền móng dựng nên tòa nhà tâm hồn con người. Điều này, lý giải vì sao Phạm Quang Nghị ghi nhớ một cách sâu sắc lời dạy của ông nội, dù nay đã lên tuổi lão. Bên cạnh ông, bà nội lại là người trao truyền cho Phạm Quang Nghị vốn kiến thức dân gian, dạy cho ông tình yêu lao động, đúc kết trong nhiều câu ca dao, tục ngữ. Ông tôi thì dạy chữ, bà tôi thì dạy làm. Ông đề cao nhân nghĩa. Bà đề cao cần cù… Ngoài việc đi học chữ ở lớp, ở trường, cho đến sau này cũng vậy, những lời giáo huấn trong gia đình của ông bà, bố mẹ là nguồn tri thức, luân lý ảnh hưởng vô cùng lớn đến tôi (tr.33). Nhờ đó, ngay từ trong mái gia đình, Phạm Quang Nghị đã tiếp thu cả kiến thức hàn lâm và kiến thức bình dân một cách hài hòa.
Vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn (bố cán bộ thoát ly, mẹ gồng gánh nuôi đàn con thơ dại), Phạm Quang Nghị sớm biết đỡ đần giúp mẹ việc nhà. Những năm tháng khó khăn, ông vẫn nhớ và thầm biết ơn những người từng giúp đỡ, kể cả những việc nhỏ nhặt.
Năm 1963, mẹ sinh em gái thứ tư. Bố đặt tên là Hà. Khi ấy tôi mới mười bốn tuổi. Mẹ phải nghỉ việc đồng trong những tháng mới sinh. Lại đúng giữa mùa cày cấy. Tôi không biết mẹ đã xin, đã vận động, thuyết phục thế nào mà cả dây (nhóm) cày bừa đều đồng ý cho tôi được thay mẹ gia nhập dây cày cùng người lớn. Dây cày gồm năm, sáu nhà gần nhau. Tôi lếch thếch mang chiếc bừa dài chấm gót. Chiếc cày thì cồng kềnh che lấp cả thân người. Tôi cũng được bình công chấm điểm, được tính bằng nửa công người lớn. Ông cố Chánh, ông Mạn, anh Thược, chị giáo Khanh, chị Hảo… dường như mọi người cảm thông với hoàn cảnh gia đình neo đơn, đều ân cần chỉ bảo, hướng dẫn cho tôi từ việc cầm cày, cầm bừa cho tới điều khiển con bò sao cho đúng cách (tr.42-43).
Và còn nhiều người khác nữa... Tác giả tập tự thuật cảm nhận được tình láng giềng, làng xóm, bà con. Những người dân quê mùa nhưng nồng nàn tình nghĩa. Họ cởi mở và sẵn lòng giúp đỡ những người gian khó, với tinh thần: “Thi ơn bất cầu báo”. Với tuổi thanh niên giàu niềm tin và hy vọng, dẫu khó khăn, tác giả tập tự thuật vẫn luôn giữ một tâm thế lạc quan, phấn khởi, tươi vui. Thời đại học, dẫu thiếu thốn muôn phần nhưng vẫn không thiếu tình bạn chân thành, tình thầy trò sâu nặng. Chúng tôi, lớp sinh viên của những năm tháng đất nước đang có chiến tranh. Dù chưa được ra trận cầm súng đánh giặc nhưng vẫn luôn cảm thấy tự hào vì đã được nếm trải những khó khăn, gian khổ và cũng được thưởng thức đôi chút ác liệt của bom đạn. Ngày ấy đế quốc Mỹ không phải chỉ đe dọa, mà bằng hàng triệu tấn bom đạn chúng quyết tâm “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”... Nhưng chính trong những năm tháng ấy chúng tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết tình thương yêu của con người, tình thầy trò, bầu bạn luôn dành cho nhau. Và vượt lên tất cả là tình yêu đất nước, tin tưởng ở tương lai luôn cháy bỏng trong tim mỗi người (tr.72-73).
Những ngày tháng ấy mãi còn xanh bởi tình bạn trong cái thời “nghèo rớt mùng tơi”. Ấy vậy, mỗi khi có dịp nhắc đến, thật trìu mến, thật ấm áp vô cùng. Đọc những trang viết của Phạm Quang Nghị, đôi khi, người đọc ngỡ rằng tác giả đang ngồi bên cạnh thủ thỉ, kể ta nghe những chuyện năm ấy..., hồi đó... Phạm Quang Nghị còn trích lại một số bài thơ rất hay và có lẽ, sinh viên những năm tháng ấy ai nghe tới cũng đều sôi bầu nhiệt huyết. Ví như, bài thơ “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời” của Evtushenko:
…Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?...
... (tr.73)
Phạm Quang Nghị đi vào chiến trường miền Nam, trên đôi vai người chiến sĩ vượt Trường Sơn, ba lô chẳng có tài sản gì đáng kể. Chỉ tình yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm đánh giặc là lớn lao. Tình yêu đất nước đã gắn kết ông với tình người muôn nơi dưới mưa bom bão đạn. Tình người trong chiến tranh được tác giả thuật lại bằng những mẩu chuyện trực tiếp gắn với những con người cụ thể, có tên. Đó là, cô gái tên Tằm - ông cảm phục, khi nghe cô kể chuyện bắt tù binh. Nghĩ về kẻ thù, thường mọi người vẫn có suy nghĩ căm phẫn, thù nghịch; thế nhưng, hình tượng cô Tằm và người tù binh trong trang viết của Phạm Quang Nghị lại hiện lên một cách thật nhân văn, rất đỗi con người: “Em kể lần bắt được tù binh. Tên lính đã trốn, lạc trong rừng cả tuần, rất muốn ra hàng quân giải phóng, nhưng thấy bộ đội người nào cũng có súng nên nó sợ bị bắn. Ẩn nấp suốt mấy ngày trong rừng mới gặp được Tằm đi tách hàng ở phía sau. Vừa tải gạo, em vừa phải dẫn giải tù binh về căn cứ. Một tên tù binh đầu bù tóc rối, thân hình tiều tụy. Cứ một câu “mong chị đừng giết em”, hai câu mong “chị ơi, chị cho em sống để em về với má”… Em kể cho tôi nghe những câu chuyện gian khổ và phi thường như vậy mà cứ như em đang nói chuyện nhặt rau, vo gạo giúp má ở nhà” (tr.203).
Tên tù binh hiện lên như một con người - một con người bằng xương bằng thịt - có cha mẹ, gia đình, quê nhà và có dòng máu đỏ chảy khắp châu thân. Hơn hết, đó là, một con người đầy sợ hãi, thương tổn, như thể bị đẩy vào chiến trường để làm mồi cho lửa đỏ chiến tranh. Người đọc thấy được, trong lời kể của tác giả tập tự thuật: một tấm lòng nhân đạo, bao dung, đồng cảm với cô y tá Tằm.
Với tố chất văn chương, tình người trong quãng đời tham gia kháng chiến qua những lời kể của Phạm Quang Nghị, tình đồng chí, đồng đội hóa thành thi ca. Những vần thơ ra đời trong hoàn cảnh nhịn đói trên lộ đất Mỹ Long càng tô thắm tình đồng chí trên chiến trường. Bài thơ "Một người lính nói về thế hệ mình" của Thanh Thảo, và câu chuyện được Phạm Quang Nghị thuật lại, giúp bạn đọc hôm nay, hình dung chuyến công tác “về đồng bằng” của ông với nhà thơ Thanh Thảo. Tác giả tập tự thuật rất xúc động và cũng rất trân quý tình bạn với nhà thơ Thanh Thảo - những ngày tháng hai người vượt qua Đồng Tháp Mười: Bài viết của nhà thơ Thanh Thảo chân thật, xúc động và không kém phần lãng mạn. Tình cờ đọc được, tôi cảm thấy thật thú vị, xen đôi chút tự hào, hãnh diện. Một nhà thơ có tên tuổi nhận mình là “thằng bạn thân” từ hồi đang chiến tranh và lại còn nhắc đến những kỷ niệm vô cùng đặc biệt, nhịn đói, nhịn khát ba ngày ròng rã trên con lộ đất Mỹ Long với những chi tiết thật đáng nhớ (tr.218).
Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất
trải dưới trời một tấm ni lông
nơi khi chiều B52 bừa ba đợt
nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của đời mình
“chừng nào thật hòa bình
ra lộ 4 trải ni lông nằm một đêm cho thỏa thích
thằng bạn tôi đăm đăm
nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước
đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được
chứa đầy một hố bom và một ngôi sao…
(Một người lính nói về thế hệ mình, Thanh Thảo)
Không riêng kỷ niệm với Thanh Thảo ở Mỹ Long, mà còn ở Hữu Đạo, và rộng khắp vùng Đồng Tháp Mười. Ở đâu, Phạm Quang Nghị cũng bắt gặp và trao gửi tình người đượm thắm. Không chỉ là tình đồng chí đồng đội, còn là tình quân dân gắn bó. Với trái tim nhạy cảm giàu tình thương, Phạm Quang Nghị - một cán bộ tuyên huấn R sâu sát nhân dân, một phóng viên chiến trường gan dạ, “chịu chơi” và như anh tự nhận: “một Việt cộng nằm vùng thứ thiệt” (trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nằm vùng) đã “cắm rễ” lòng mình vào mảnh đất vùng ven, nhất là ở Hữu Đạo. Tình cảm thương mến của gia đình chú Chín đối với “tôi” trong lời tự thuật chính là tình cảm gắn bó quân dân trong cuộc chiến. Hôm bé Tư dẫn cả nhà sang nhà thím Bảy để mọi người cùng nhìn tôi cho thật kỹ bởi tôi… quá giống người con trai của gia đình đã hy sinh. Tôi bỗng từ đâu xuất hiện, theo lời mọi người, giống con trai của chú Chín như lột (tr.234). Bên cạnh đó, cảm tình của tác giả và bé Tư cũng là những rung cảm, thương mến vô cùng thành thực, rất đỗi con người. Để giữ khoảng cách, tôi phải nói xạo, rằng “trước ngày đi B anh Hai đã cưới vợ và đã có… một con (chắc là con mắt). Bé Tư lại đòi cho xem ảnh. Lại tiếp tục quanh co, lẩn tránh, rằng tập ảnh anh Hai để trên căn cứ. Dù tôi đã khai gian lý lịch như thế, cả nhà bé Tư đã qua nhà thím Bảy nhìn tôi cho bõ nhớ người con đã hy sinh, nhưng hằng ngày bé Tư vẫn trao cho tôi ánh mắt nhìn đến ngại. Những hôm ra ruộng, cánh đồng trống trải mênh mông là thế, từ phía ruộng nhà em, em vẫn ném sang tôi những cái nhìn. Còn tôi, lúc nào cũng lo có người trông thấy (tr.234).
Chắc hẳn, bạn đọc cũng nhận thấy: Lời tự thuật của Phạm Quang Nghị được viết trực tiếp trong những năm tháng khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rất giàu cảm xúc, sinh động mà hết sức thật lòng; được diễn đạt thông qua tình huống, chi tiết và đối thoại nhân vật mang giá trị nghệ thuật. Có thể, xem trang tự thuật này như sự kết hợp của nhiều hình thức nghệ thuật (truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, thơ, …). Nhưng, tác giả viết không nhằm một chủ đích nghệ thuật, chỉ đơn thuần khắc họa một cách rõ nét tình người nồng thắm trong chiến tranh. Viết như một hành động hồi đáp nghĩa ơn, thương mến!
Mồ hôi tuôn giọt giọt
Mặt mày anh đỏ gay
Em nhìn chi kỳ vậy
Anh ngượng chín cả tai
*
Mà anh là con trai
Còn em là con gái
Cái nhìn thật mềm mại
Nhưng nóng hơn lửa đồng
*
Cái nắng thì mênh mông
Cái mưa thì ràn rạt
Đồng quê em bát ngát
Em thôi nhìn được không?
(Nhìn chi kỳ vậy, ở Hữu Đạo 10-1972)
Trong những tháng ngày sống và chiến đấu, bám trụ vùng ven, Phạm Quang Nghị hầu như đã hòa nhập vào nếp sống lao động và tính cách con người Nam Bộ. Ông kể thời gian ở “vùng ven” bằng chất giọng vui tươi, với những từ vựng Nam Bộ mà ông vừa học được, bày tỏ tình mến thương với người dân quê nơi đây. Những cái tên như Tư Le, Ba Lùng, Bảy Đực… hiện lên trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị đầy mến thương, gần gũi; thể như người bà con máu mủ ruột rà. Và, ông còn hòa mình vào cá tính con người nơi đây với sự khảng khái, thẳng thắn, bộc trực, hào sảng, và “thiệt tình” hết sức! Mọi người thấy tôi nâng ly, uống rất gọn gàng. Uống mà gương mặt không nhăn nhó, không lấy khăn rằn giả bộ che miệng để nhổ ra. Ực một cái hết ly. Lại còn giơ cao chiếc ly cho mọi người chứng kiến! “Thưởng cho Hai Nghị một ly. Chịu chơi. Uống thiệt tình. Quá đã!”. Mọi người đồng thanh hô lớn. Uống trong Nam Bộ, uống hay cũng được thưởng rượu, mà uống dở cũng lấy rượu mà phạt. Thế thì tội gì Hai Nghị không cố uống cho hay (tr.249-250).
Những ly rượu nghĩa tình của người dân Hữu Đạo, những con người trượng nghĩa dù họ vô danh nhưng với Phạm Quang Nghị, họ hữu danh trong tâm hồn ông. Sống theo năm tháng và còn mãi với thời gian là những ly rượu nghĩa tình sinh tử. Ly rượu đế tình người quê nghèo tiễn người chiến binh vượt qua lộ 4 (đoạn đường tử thần) thấm ngấm tận trái tim người chiến binh! Tôi đón nhận ly rượu, ực một hơi và ngửa cổ để chú thả khúc cá vào miệng, lòng thầm mong đêm nay sẽ vượt được qua lộ. Và mong… mình đừng chết… Cứ mỗi lần đưa ly rượu cho từng người, chú Bảy Đực đều nói “Uống đi! Rủi có chết… thì đã được uống rượu” (tr.254-255).
Tôi chưa bao giờ nghe hay đọc được ở cuốn sách nào tả cuộc tiễn đưa người ra đi như chú Bảy. Người đi, nâng chén rượu quan hà. Nhưng chẳng có ai nói được một câu cảm kích như chú Bảy đêm nay. Và cái cách tiễn đưa chúng tôi qua lộ như chú Bảy thì cũng chỉ có ở người dân Hữu Đạo, Châu Thành mà thôi. Mà không phải chú chỉ ra tiễn một đêm. Tối trước chúng tôi không qua lộ được, hôm sau chú lại ra. Rủi đêm nay chúng tôi có chết, thì trước lúc “phủi chân bước lên bàn thờ” cũng được uống ly rượu từ chính tay chú rót. Ly rượu và những lời chú Bảy ngấm vào tận nơi sâu thẳm nhất của trái tim tôi. Ly rượu nghĩa tình, sống chết của người dân Hữu Đạo (tr.255).
Ly rượu đế của chú Bảy, ngẫm có khác gì “bồ đào mỹ tửu”, đang muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà đã giục phải lên ngựa để ra đi. Bởi, túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?. Nếu hỏi, còn gì đọng lại trong tâm hồn Phạm Quang Nghị sau những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường ác liệt thì có lẽ, chẳng đắn đo, ông sẽ nói: Tình người!
Trải suốt hành trình gian lao cùng đất nước, mọi lúc, mọi nơi, hầu như chỗ nào cũng thấy tác giả thuật lại những mẩu chuyện xúc động về tình người. Phạm Quang Nghị không chỉ viết ra bằng ngòi bút mà ông, chậm rãi thuật lại bằng con tim ngập tràn rung cảm. Dấu vết tháng năm in hằn trên trang viết chính là những câu chuyện về đất và người như thế, khiến tâm hồn tác giả vẫn mãi luyến thương. Dõi theo lời tự thuật của tác giả, bạn đọc chắc cũng cảm thấy nặng lòng, không phải vì thời gian chất chồng mà vì nghĩa tình chồng chất. "Không hiểu vì sao kể từ ngày ấy, mỗi khi nghe ai đó nhắc đến hai từ “vùng ven” là lòng tôi lại xốn xang. Vùng ven, nơi giáp ranh tranh chấp địch ta. Nơi tôi đã cùng anh em du kích, cán bộ cơ sở bám dân, bám đất. Nơi tôi đã được thím Bảy, chú Ba, chú Chín… đùm bọc chở che. Nơi tôi sống trong những căn nhà chòi cực đơn sơ mà ấm áp tình người. Nơi đương đầu với địch, không phải chỉ hàng ngày mà hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Những loạt đạn sáng lòe, chát chúa, đêm nào, ngày nào cũng nhắm về phía chúng tôi" (tr.258).
Vậy rồi, Phạm Quang Nghị đã trở thành đứa con máu thịt của miền Nam. Tình quân dân, gia đình không phân biệt ranh giới. Mà, cũng chính vậy, ông cảm nhận rõ ràng nỗi đau của những bà mẹ miền Nam khác chi những nỗi đau của tất cả bà mẹ Việt Nam. Sống gắn bó với nhân dân miền Nam trong những tháng ngày chiến tranh tàn khốc nhất, Phạm Quang Nghị cùng chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Có những người, Phạm Quang Nghị xem như người anh, người chị, người em, người mẹ trong mái ấm gia đình. Phạm Quang Nghị thuật lại bằng chất giọng nghẹn ngào, ngân ngấn nơi khóe mắt. Được mời dự đám giỗ nhà thím Năm - một kỷ niệm, tác giả nhớ mãi: Tôi, người mà thím thường gọi là chú Hai Hà Nội. “Chú Hai bỏ nhà, bỏ bố mẹ bỏ vợ con ngoài Bắc vào đây đánh giặc với bà con (chả là tôi phải nói dối trước khi đi B đã cưới vợ, có con) nên được thím rất thương. Ngôi nhà chòi đơn sơ, lòng nhà nhỏ hẹp. Đưa mắt nhìn, mà sao trong nhà lại có tới ba ban thờ? Tôi thật thà hỏi thím. Một câu hỏi hết sức tình cờ. Mắt thím hướng lên, nhìn qua phía này rồi lại nhìn sang phía kia. Giọng buồn, đăm chiêu, như là không muốn nói: “Ban giữa là tui thờ ổng. Ổng đi làm đồng đạp phải mìn, chết. Còn hai bên thờ hai thằng, là thằng Ba, thằng Tư. Một thằng đi lính quốc gia. Một thằng đi lính giải phóng. Phải lập hai ban thờ để anh em nó hàng ngày không nhìn thấy nhau. Hôm nay làm cơm cúng thằng Tư nên phải kéo bức rèm che ban thờ thằng Ba lại" (tr.250-251).
Hoàn cảnh và tình thương của bà mẹ miền Nam khiến Phạm Quang Nghị xúc động và cảm nhận rõ ràng nỗi đau khôn tả của người phụ nữ này. Chợt ông, lòng dâng lên niềm xúc động và thấy rằng, gia đình của thím Năm cũng như gia đình của mình ở ngoài Bắc. Nỗi đau chiến tranh là giống nhau và những mất mát kia, đều là máu xương của đồng bào. Nghe thím nói, tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Thím Năm đang phải chịu đựng một nỗi đau tột cùng. Một nỗi đau chất chồng, giằng xé trái tim người vợ, người mẹ. Lẽ ra tôi không nên hỏi. Tôi thương thím Năm như thương mẹ của tôi. Cái ngày hai em gái của tôi chết vì bom Mỹ, một em trai bị sức ép của bom cũng chết không lâu sau đó nếu không vì thương tôi còn sống thì mẹ tôi đã gieo mình xuống dòng sông Mã. Có người mẹ Việt Nam nào mất con mà không đau, không xót. Trước ngày lên đường đi B, cô dì chú bác gọi tôi đến nhà ăn cơm, dẫu không nói ra nhưng trong lòng ai cũng thầm nghĩ, nhỡ vào chiến trường mà tôi hy sinh, thì bữa ăn hôm nay chính là bữa cơm cúng dành cho người đang sống (tr.251).
“Cơm đưa tiễn biết đâu cũng là cơm cúng”, lời kể của Phạm Quang Nghị thật sự khiến ta phải lặng người! Cũng như, hình ảnh ngôi nhà thím Năm với ba ban thờ, ba mảnh gỗ treo lên ngang vách, còn ám ảnh đeo đẳng mãi trong tâm trí Phạm Quang Nghị. Nó khiến ông miên man nghĩ ngợi về quê nhà, đất nước trong những năm tháng kháng chiến đau thương. Từ một hôm được thím Năm mời sang nhà ăn giỗ, trong ông đã cảm thấu tột cùng nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con. Và ông đã nuôi những dự cảm, những ước mong về sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Tình cảnh trớ trêu của ba ban thờ trong ngôi nhà chòi của thím Năm ấy khiến bất cứ ai cũng phải day dứt mỗi khi nghĩ đến. Ngồi trong mâm cỗ, tay cầm đũa mà đầu tôi cứ nghĩ ngợi miên man. Nói dại, chẳng may tôi hy sinh, thì mẹ tôi cũng đau khổ giống thím Năm vậy. Cũng thương tôi đứt gan, đứt ruột. Tôi ngước nhìn lên hai ban thờ đối diện nhau. Gọi là ban thờ nhưng thực ra mỗi ban chỉ là một mảnh gỗ được treo lên ngang vách, với một bát hương và di ảnh. Bên hôm nay có giỗ, bức rèm được kéo ra và những cây hương đang cháy. Còn một bên bức rèm che lại. Trong trái tim của thím, trái tim người mẹ làm sao thím có thể đóng mở như thế được, thím Năm ơi? Những nỗi đau như thế giằng xé biết bao trái tim người mẹ Việt Nam. Tôi cứ bần thần, nghĩ ngợi câu chuyện ba ban thờ trong căn nhà chòi của thím Năm. Những hy sinh, mất chồng, mất con vốn đã là nỗi đau tột cùng của người phụ nữ. Lại thêm nỗi đau không nói thành lời về sự mất mát những đứa con cầm súng hai bên chiến tuyến. Lẽ nào sang thế giới bên kia anh em một nhà, cùng một mẹ đẻ ra vẫn còn cầm súng bắn lại nhau? Hôm nay lúc cúng cơm liệu thím có gọi cả hai về ngồi quanh bên thím? (tr.251-252).
Những chia sẻ và day dứt vừa cá nhân vừa không riêng người nào đã trở thành nỗi băn khoăn chung của bao người từng đi qua cuộc chiến, cũng như người hôm nay. Lời kể của Phạm Quang Nghị dẫu không dụng công trau chuốt nhưng có thể, đang làm cho người đọc thao thức, nao lòng.
Thay lời kết
Quê nhà: Nỗi nhớ, niềm thương; Đất nước: Gian lao, anh dũng; Tình người: Lưu luyến, sâu nặng chính là “hệ quy chiếu” của tập tự thuật "Đi tìm một vì sao". Và, "Đi tìm một vì sao" - đúng hơn, hay chính là Phạm Quang Nghị đi tìm lại chính mình với vận mệnh của một người đã hòa vào vận mệnh của quê nhà, đất nước. Có lẽ, đó cũng chính là vì sao mà nhà thơ Thanh Thảo đã nhìn thấy trong mắt Phạm Quang Nghị, trong đêm bơi xuồng băng qua những con kênh chằng chịt Đồng Tháp Mười ngày cũ - Nơi ấy, là chiến trường!
Đôi mắt đăm đăm nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước. Đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được. Chứa đầy một hố bom và một vì sao… (...) Tôi thầm phục nhà thơ Thanh Thảo quá chừng. Làm sao anh lại có thể nhìn thấy được ngôi sao trong hố bom hiện lên trong đôi mắt tôi ngày ấy. Mà quả thật trong cái đêm tôi bơi xuồng qua những con kênh Đồng Tháp bao la và mênh mông ấy, luôn có một ngôi sao sáng, xanh đã chỉ dẫn cho tôi đưa chiếc xuồng đi đúng hướng. Đấy không chỉ là hình ảnh văn học của nhà thơ tưởng tượng mà là sự thật trong tôi ngày ấy. Đó là ngôi sao có thật trên trời cao, một ngôi sao thật sáng, thứ ánh sáng dịu màu xanh tỏa ra từ trên bầu trời. Một ngôi sao lần đầu tiên trong đời tôi đã nhìn thấy rất rõ, đã hướng cho con xuồng ba lá của tôi lướt đi tới đích (tr.218-219).
Một ngôi sao sáng, xanh, có thật trên bầu trời. Và một ngôi sao lý tưởng dẫn đường cho Phạm Quang Nghị. Cả hai vì sao đều có thật trong ông. “Tự kể chuyện mình” nhưng thực ra, Phạm Quang Nghị đã kể lại chuyện người, chuyện bạn bè, anh em, đồng chí, chuyện người dân miền Nam đánh giặc… Tác giả không phải viết để lưu danh, chỉ là kể lại chuyện cũ vì hoài nhớ một miền ký ức ngỡ đã xa nhưng vẫn còn gần gũi, quanh quẩn trong tâm hồn. Rõ hơn, Phạm Quang Nghị muốn kể lại những năm tháng không thể nào quên trong đời chiến binh với nhiều người - rất nhiều người đáng được nhắc nhớ. Như niềm thôi thúc, ông viết những gì cần phải viết như chính lời ông tâm sự, mong được phần nào trả nợ ân tình, nghĩa người sâu nặng năm tháng xưa. Bằng tấm chân tình và lòng chân thành, trang tự thuật của ông diễn xuôi theo dòng thời gian. Ngòi bút ông, tuân nhịp hồi tưởng và chảy ra theo cảm xúc rất đỗi tự nhiên.
Và đây, những dòng cuối trong cuốn sách: “Tôi muốn nói lời cảm ơn cuộc đời, những ân tình trên suốt dặm dài hơn hai phần ba thế kỷ bằng những trang kể lại những câu chuyện đời thường. Kể một cách chân thật và có thể là vụng về bởi thật lòng tôi không muốn vẽ vời, thêu dệt gì thêm cho những câu chuyện đã qua.” Trong cuốn sách - lời cảm ơn đó, vùng ven thành nỗi nhớ - đồng nghĩa tình người! Ấy là, chìa khóa mở chiếc hộp ký ức nằm sâu trong tâm hồn Phạm Quang Nghị. Hẳn nhiên, ấy cũng chính là "kỷ vật bất ly thân" của đời người "sống đáng sống" được gìn giữ trang trọng nơi sâu thẳm trái tim ông. Nhắc nhớ tình người Hữu Đạo cũng như nhiều nơi khác mà ông từng trải qua trong đời, lấy đó rèn luyện nhân cách và giữ trọn đạo làm người, làm con dân nước Việt. Phạm Quang Nghị đi tìm một vì sao, vì sao ấy đích thực:
Mình từ nguyên bản sinh ra
Đến khi chết, chẳng thể là bản sao!