Đi tìm phiên bản hoàn hảo cho đối thoại

Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 31/5 - 2/6, dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 550 đại biểu từ các cơ quan quốc phòng và an ninh của trên 40 quốc gia trên thế giới.

Đây là hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á, nơi các bộ trưởng tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia vào các cuộc đàm phán song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới. Đó là lý do khiến người ta kỳ vọng cuộc họp lần thứ 21 sẽ là phiên bản hoàn hảo so với trước đó, và cả những chủ thể, những phương thức giải quyết vấn đề cũng vậy.

Hơn hai thập kỷ trước, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á bắt đầu bằng cuộc họp thường niên của hàng chục bộ trưởng quốc phòng tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore. Hơn 20 năm sau, các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia an ninh từ khắp châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và xa hơn nữa, đã đến Shangri-La để thảo luận về những thách thức an ninh cấp bách của khu vực.

Đối thoại Shangri-La không được tổ chức vào các năm 2020 và 2021 do đại dịch toàn cầu, nhưng những năm tiếp theo đều diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực xuất hiện nhiều điểm nóng. Những điểm nóng đó vẫn còn nguyên sức nóng cho đến thời điểm hiện nay, từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, “chảo lửa” Trung Đông, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cho đến mối quan hệ gập ghềnh Mỹ - Trung, nguy cơ tiềm ẩn ở Eo biển Đài Loan, tranh chấp ở Biển Đông cùng nhiều vấn đề quốc phòng, an ninh phi truyền thống khác.

Tất cả đang khiến dư luận nhận ra tầm quan trọng địa chính trị của diễn đàn Đối thoại Shangri-La, rằng khi Shangri-La năm sau thực chất và hiệu quả hơn năm trước, và đây chính là một cửa ngõ có thể dẫn đến giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Điểm nhấn nổi bật của Đối thoại Shangri-La năm nay là sự hiện diện của Philippines với bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đánh dấu lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 21. Các diễn giả chính trước đây bao gồm nguyên Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và năm ngoái là Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết: “Philippines dưới thời Tổng thống Marcos Jr. đã có nhiều đóng góp cho sự ổn định và an ninh khu vực. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2022, Tổng thống Marcos Jr. đã mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược của Philippines trên khắp châu Á-Thái Bình Dương và hơn thế nữa vào thời điểm bất ổn địa chính trị. Việc để Tổng thống Marcos Jr. phát biểu là nhằm nghiên cứu tầm nhìn của Philippines về một châu Á - Thái Bình Dương mạnh mẽ và thịnh vượng hơn”.

Một ưu điểm lớn của Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 là đi thẳng vào điểm nóng trọng tâm của khu vực. Năm ngoái, các đại biểu còn thảo luận về nội dung chung chung là giải quyết căng thẳng khu vực. Năm nay, nội dung nêu thẳng vào vấn đề Myanmar (Tìm cơ hội ngoại giao trong bối cảnh quan điểm khác nhau về giải pháp hòa bình cho điểm nóng này). Vấn đề được nêu lên ngay cả khi thông tin cho biết không có đại diện nào của Myanmar tham dự cuộc đối thoại.

Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề Myanmar không chỉ cho nước này mà còn được xác định là quan trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực. Nhà báo Leong Wai Kit của Kênh CNA nhận định việc nêu bật vấn đề Myanmar cũng như vấn đề Biển Đông thông qua vai trò của Philippines chứng tỏ đây là những vấn đề thực tế cần giải quyết và Đối thoại Shangri-La là cơ hội để ASEAN thể hiện tiếng nói thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề đó.

Điểm sáng nữa thu hút sự chú ý của dư luận đối với Đối thoại Shangri-La lần này là vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, cũng như cuộc gặp song phương Mỹ-Trung. Về vai trò của Mỹ, các đối tác chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được nhấn mạnh và đưa ra thảo luận, từ đó làm tiền đề cho các nội dung thảo luận khác về hợp tác an ninh và quản lý khủng hoảng. Về Trung Quốc, năm ngoái, Bắc Kinh đã vạch ra tầm nhìn về ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo đó đưa ra sáng kiến an ninh toàn cầu, bao gồm hợp tác an ninh khu vực và phát triển một “cấu trúc mở, toàn diện, minh bạch và công bằng”.

Trong bối cảnh môi trường chính trị, an ninh ở trong và ngoài Trung Quốc đều có nhiều biến động trong suốt một năm qua, tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Bắc Kinh có kế hoạch định hướng về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu, theo đó nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh.

Ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cho biết sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân khi họ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore. Với những diễn biến mới trên chính trường Đài Loan và phản ứng của Trung Quốc đối với tình hình Đài Loan, cộng với những căng thẳng ở Biển Đông trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines thời gian gần đây, cuộc gặp lần đầu tiên trong hai năm qua giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước được trông đợi là sẽ thực chất hơn bao giờ hết.

Trong phiên bản mới, Shangri-La lần thứ 21 cũng cập nhật nội dung mới để kịp thời tìm ra cơ hội cũng như thách thức trong vấn đề đó. Ví dụ, năm ngoái có phiên thảo luận nổi bật về khía cạnh hạt nhân trong an ninh khu vực. Năm nay, trong bối cảnh xung đột vũ trang leo thang, nội dung đã được cập nhật về hợp tác trong các chiến dịch nhân đạo toàn cầu, về hợp tác quốc phòng và an ninh của các nước nhỏ, về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng. Song song với việc đi tìm giải pháp cho các vấn đề của khu vực, năm nay các đại biểu đã quan tâm đến mục tiêu quản lý khủng hoảng trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng.

Đó là những dấu hiệu cho thấy cuộc đối thoại Shangri-La là một nền tảng vẫn cần được duy trì hằng năm. Và để mỗi phiên bản Shangri-La thành công hơn, nhân tố quan trọng vẫn là vai trò, trách nhiệm và tinh thần hợp tác của các chủ thể tham dự đối thoại và liên quan. Thế giới vẫn luôn trông chờ điều đó.

Đỗ Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/di-tim-phien-ban-hoan-hao-cho-doi-thoai-20240530110032567.htm