Đi tìm quá khứ vàng son ở Bendigo
Du khách nước ngoài thường nghĩ rằng Australia là một quốc gia trẻ và năng động, vì thế hẳn sẽ có ít điểm du lịch lịch sử. Sự thật trái ngược hoàn toàn. Dân di cư từ khắp năm châu đem những nét văn hóa - lịch sử của họ đến nơi đây để rồi theo thời gian, chúng trở thành bản sắc của đất nước Australia. Một trường hợp tiêu biểu như vậy là thành phố Bendigo tại bang Victoria.
Thành phố cổ kính
Vào thuở hồng hoang, mảnh đất Bendigo vốn thuộc về người Dja Dja Wurrung, một tộc người bản địa nổi tiếng về quyền lực và sự giàu có. Nhưng họ cũng không thể nào cản trở nổi sự xâm chiếm của những người di cư châu Âu. Bendigo lúc đầu chỉ là một ngôi làng chuyên chăn cừu. Đến năm 1851, người ta phát hiện ra mỏ vàng ở Bendigo, và thế là hàng trăm nghìn người đổ đến nơi đây. Họ nhanh chóng biến Bendigo trở thành một đô thị sầm uất. Mặc dù quặng vàng đã hết, nhưng “chất vàng” lịch sử, văn hóa và kiến trúc vẫn đọng lại ở Bendigo.
Nhiều du khách thường bắt đầu một ngày mới ở Bendigo bằng cách dạo quanh công viên Rosalind. Đây là nơi người dân địa phương tụ tập, cũng là nơi thường xuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và sắp đặt. Những ngôi nhà đẹp nhất thành phố theo lối kiến trúc thời Victoria cũng tập trung quanh công viên Rosalind để du khách thưởng ngoạn. Và chắc chắn bạn không thể bỏ qua đài quan sát Poppet Head. Ngọn tháp đặt tại vị trí đẹp nhất trong công viên Rosalind. Đứng trên đỉnh tháp, bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh thành phố.
Kiến trúc sư William Charles Vahland (1828-1915) là người có ảnh hưởng lớn nhất đến diện mạo của Bendigo. Ông từng học tại Đức và đã đem phong cách kiến trúc Bắc Âu thời thượng lúc bấy giờ đến Bendigo. Trong thời gian Vahland sống tại Bendigo, ông đã thiết kế hơn 80 công trình cho thành phố, trong đó tiêu biểu có tòa nhà thị chính, nhà hát Capital, khách sạn Shamrock, tòa án và bưu điện thành phố... Du khách có thể đi bộ hoặc lên chiếc tàu điện cổ chạy quanh trung tâm thành phố để tham quan những tác phẩm của Vahland.
Từ một trại lính, kiến trúc sư William Vahland đã cải tạo thành Bảo tàng nghệ thuật Bendigo vào năm 1890. Nơi đây sở hữu bộ sưu tập đầy đủ nhất về đời sống nghệ thuật tại Bendigo nói riêng và toàn bang Victoria nói chung với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như danh họa Charles Conder (1868-1909) và Arthur Streeton (1867-1943). Một công trình tiêu biểu khác của Bendigo là Nhà thờ Thánh tâm ở phố MacKenzie. Đây là công trình tiêu biểu đại diện cho phong cách Gothic thời kỳ Phục hưng thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX.
Trong dòng người chạy theo “cơn sốt vàng” Bendigo hồi giữa thế kỷ XIX có không ít dân di cư từ Trung Quốc. Ngày nay, cộng đồng người Hoa tại Bendigo đóng vai trò rất quan trọng ở thành phố. Để hiểu về cộng đồng này, du khách hãy đến Bảo tàng Rồng Vàng, nơi trưng bày hai bộ trang phục rồng vàng múa lân dài nhất thế giới. Một bộ dài 100m, bộ kia dài 125m và phải cần đến 50 người để biểu diễn. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật về cuộc sống hằng ngày của người Hoa ở Bendigo từ thế kỷ XIX đến nay. Khu vườn của bảo tàng được bài trí theo kiểu cổ truyền Trung Quốc. Ngôi miếu gần đó vừa là nơi thờ cúng Thổ công, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Hoa di cư. Ngôi miếu này được khánh thành vào năm 1871 và từ đó đến nay không thay đổi nhiều.
Đến Bendigo không thể bỏ qua ngọn tháp Phật khổng lồ cách trung tâm khoảng 20 phút lái xe. Đây là một trong những ngôi bảo tháp lớn nhất ngoài châu Á, cao 50m, diện tích trụ 50m2. Công trình được thiết kế dựa trên đền Kumbum nổi tiếng ở Tây Tạng. Bên trong đền trưng bày nhiều bảo vật của Phật giáo cùng những bức tượng Phật bằng ngọc thạch vô cùng tinh xảo.
Đi tìm dấu tích nghề truyền thống
Để hiểu về công việc của những người thợ vàng, du khách hãy đến khu mỏ Deborah. Mỏ vàng nổi tiếng nay là di tích lịch sử kết hợp trải nghiệm thám hiểm. Khách đến đây sẽ có cơ hội khám phá ba tầng mỏ (tầng thấp nhất cách mặt đất 410,8m) và tham gia trải nghiệm tự đãi vàng. Ngoài những hạt vàng mà du khách tự đãi được, một món quà lưu niệm đáng chú ý khác là món bánh thợ mỏ. Thứ bánh nướng nhân thịt, rau này được nặn làm sao để những người thợ mỏ không cần rửa tay mà vẫn cầm ăn được.
Mảnh đất xung quanh Bendigo có không ít trang trại trồng nho làm rượu. Đất đai nơi đây sinh ra những trái nho có vị rất đậm, thích hợp làm rượu Cabernet Sauvignon và rượu Shiraz. Một vài trang trại mở cửa đón du khách để tạo cơ hội cho họ khám phá mọi khâu của quá trình làm rượu vang, từ thu hoạch nho, giã nho, ủ rượu cho tới đóng thùng... Những cơ sở này sẵn sàng cho du khách ở lại cả tháng. Không ít vị khách coi đây là cơ hội để “sống chậm” lại.
Bendigo còn nổi tiếng về nghề gốm. Xưởng gốm lâu đời nhất của Australia được thành lập tại Bendigo vào năm 1858 và vẫn đang hoạt động. Đồ gốm Bendigo “đắt hàng” nhờ kỹ nghệ tráng men tinh xảo. Du khách có thể khám phá điều kỳ diệu của gốm Bendigo bằng cách tham gia các lớp học làm gốm, tự nặn, trang trí và tráng men tác phẩm của riêng mình.
Nếu du khách muốn chọn một thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm Bendigo thì hãy đến vào khoảng giữa tháng 10 đến tháng 11 nhân lúc tổ chức Festival mùa xuân. Trong dịp này, thành phố tổ chức nhiều sự kiện lý thú như Lễ hội hoa tulip (tại công viên Rosalind), Festival thực phẩm và rượu vang Heathcote, Ngày lễ du lịch đường sắt, Festival biểu diễn tấu hài... Tâm điểm của Festival mùa xuân là Giải đua ngựa cúp Bendigo. Những chú ngựa sẽ tranh tài trên đường đua dài 2.400m với mục tiêu giành được giải thưởng trị giá 500.000 USD. Giải đua ngựa được coi là ngày lễ địa phương ở Bendigo, và các cơ quan công quyền, cơ sở kinh doanh đều đóng cửa để người dân đi xem đua ngựa.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/di-tim-qua-khu-vang-son-o-bendigo-664131.html