Đi tìm 'tấm hộ chiếu' tiến sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu

Sáng 27/12, Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Vụ Trung Đông-Châu Phi tổ chức thành công buổi nói chuyện về chuyên đề Halal cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi nói chuyện về chuyên đề Halal cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam. (Ảnh: Xuân Sơn)

Toàn cảnh buổi nói chuyện về chuyên đề Halal cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam. (Ảnh: Xuân Sơn)

Tham dự chương trình có Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông- Châu Phi Nguyễn Thành Duy cùng PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS).

Mở đầu chương trình, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông-Châu Phi Nguyễn Thành Duy đã cung cấp góc nhìn toàn diện về “Thị trường Halal toàn cầu: Tiềm năng và các hoạt động hợp tác quốc tế phát triển ngành Halal Việt Nam thời gian qua”.

Theo ông Nguyễn Thành Duy, thị trường Halal hiện là một lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng với bảy ngành công nghiệp chủ lực bao gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch, thời trang, nông nghiệp và công nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông- Châu Phi Nguyễn Thành Duy nhấn mạnh, Halal thực sự là thị trường chiến lược mà Việt Nam không thể bỏ qua. (Ảnh: Xuân Sơn)

Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông- Châu Phi Nguyễn Thành Duy nhấn mạnh, Halal thực sự là thị trường chiến lược mà Việt Nam không thể bỏ qua. (Ảnh: Xuân Sơn)

Việc tham gia vào thị trường này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và mở rộng các hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, mở rộng danh mục hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta có thế mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch.

Ngoài ra, thị trường Halal mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp và địa phương nâng cao năng lực, tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Halal tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông-Châu Phi khẳng định, dù sở hữu nhiều lợi thế như chất lượng sản phẩm và có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Hồi giáo, Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều rào cản lớn, bao gồm thiếu một hệ sinh thái Halal đồng bộ, nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, nhận thức về khái niệm này chưa cao hay chi phí chứng nhận và quy trình sản xuất đắt đỏ.

Vì vậy, để khắc phục những thách thức này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm hoàn thiện khung pháp lý và ban hành tiêu chuẩn quốc gia Halal, đồng thời thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương. Cùng với đó, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) và nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp là những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành Halal Việt Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Halal và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các thị trường lớn như Trung Đông, Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi. Ngoài ra, cần tăng cường thông tin hai chiều để khai thác tối đa tiềm năng hợp tác, góp phần đưa sản phẩm và dịch vụ Halal của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, để khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. (Ảnh: Xuân Sơn)

Theo PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, để khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. (Ảnh: Xuân Sơn)

Còn PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại ví kinh tế Halal như “thị trường bị lãng quên”.

Với quy mô toàn cầu ước tính 7.000 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2030, đây là thị trường đầy tiềm năng với bất cứ quốc gia nào, đặc biệt khi dân số Hồi giáo dự kiến đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030, chiếm 1/3 dân số thế giới. Việt Nam có vị trí thuận lợi gần các thị trường lớn và thế mạnh về sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản và trái cây, đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.

Chính vì vậy, PGS. TS Đinh Công Hoàng cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận công nhận tiêu chuẩn Halal. Đồng thời, việc chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử và xây dựng hệ sinh thái Halal sẽ giúp Việt Nam kết nối hiệu quả với các thị trường lớn như Trung Đông, Đông Nam Á và châu Phi.

Cũng theo PGS. TS, kinh tế Halal không chỉ mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu mà còn là động lực để Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Với các chính sách đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ từ của các cấp, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.

Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển ngành Halal một cách bài bản và hiệu quả. (Ảnh: Xuân Sơn)

Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển ngành Halal một cách bài bản và hiệu quả. (Ảnh: Xuân Sơn)

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ buổi nói chuyện, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu cũng như các cơ hội to lớn mà Việt Nam có thể khai thác. Với quy mô lớn và tiềm năng phát triển vượt bậc, ngành Halal không chỉ mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế mà còn góp phần thực hiện đường lối đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo bà Phạm Thu Hằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển ngành Halal một cách bài bản và hiệu quả; các địa phương, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia vào sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal, đồng thời kết nối với thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền về thị trường Halal. Cơ quan báo chí cần tập trung vào các chủ đề như tiềm năng thị trường, cơ hội hợp tác và các chính sách phát triển ngành Halal tại Việt Nam. Việc xây dựng các tuyến bài sinh động, dễ tiếp cận và thiết thực, kết hợp với hình thức trực quan, sáng tạo sẽ giúp thông tin về Halal trở nên hấp dẫn hơn với công chúng.

Các cơ quan báo chí cần tập trung vào những chủ đề như tiềm năng thị trường, cơ hội hợp tác và chính sách phát triển ngành Halal tại Việt Nam. (Ảnh: Xuân Sơn)

Các cơ quan báo chí cần tập trung vào những chủ đề như tiềm năng thị trường, cơ hội hợp tác và chính sách phát triển ngành Halal tại Việt Nam. (Ảnh: Xuân Sơn)

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền và hỗ trợ báo chí khai thác khía cạnh đa chiều về thị trường Halal. Đặc biệt, việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa, tăng cường các chuyên mục song ngữ và khai thác ý kiến từ chuyên gia, đại sứ các nước Hồi giáo cũng giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.

Tại sự kiện, các diễn giả đã cùng phóng viên trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực Halal, bao gồm tiềm năng phát triển thị trường, thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như giải pháp thúc đẩy các sản phẩm Halal tại Việt Nam. Qua đó, các bên đều bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal phát triển bền vững, bài bản hơn, đưa đất nước trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/di-tim-tam-ho-chieu-tien-sau-hon-vao-thi-truong-halal-toan-cau-298818.html