Di truyền
Ban đầu cô ấy tỏ ra rất lạnh nhạt, nhưng định mệnh là một điều kỳ lạ, cuối cùng có vẻ như cảm nhận được tình cảm chân thành của tôi. Thế rồi, vào một đêm, cô đã bộc bạch về thân thế của mình, chuyện mà chưa từng kể với ai trước đó. Đó là một câu chuyện hết sức bi thảm, thế nhưng khi nghe kể, tôi lại bị tính tò mò thôi thúc hơn là cảm thấy đồng cảm.
-Động cơ gì khiến tôi trở thành một học giả hình luật ư? - Tiến sĩ K, người vừa bước sang tuổi 40, nói - À thì, nói một cách ngắn gọn, chính là vết thương này của tôi!
Anh chỉ vào vết sẹo dài chừng 6cm ở bên trái phía trước cổ.
- Là sẹo mổ bướu cổ à? - Tôi bất giác hỏi lại.
- Không phải, là một câu chuyện đáng xấu hổ nhưng… nói một cách đơn giản, đó là vết sẹo để lại từ một vụ bị ép cùng tự sát.
Quá bất ngờ, tôi nhìn chằm chằm vào mặt vị tiến sĩ trong một chốc mà chẳng biết nói gì.
- Sao thế? Chẳng có gì đáng ngạc nhiên đến vậy đâu. Tuổi trẻ thì có nhiều chuyện lắm. Dù sao thì đó cũng là thời kỳ có nhiều tò mò nên đôi khi tính hiếu kỳ ấy mang lại tai họa. Vết sẹo này của tôi, tóm lại, cũng là kỷ niệm của sự hiếu kỳ.
Cũng bởi hiếu kỳ nên tôi mới theo đuổi một kỹ nữ tên là Hatsuhana ở khu Yoshihara. Tuy nhiên, khi dần trở nên quen biết, tôi đã rơi vào một trạng thái kỳ lạ, vượt qua cả sự hiếu kỳ. Điều đó khó có thể diễn đạt được bằng từ “yêu”. Hay là dùng từ “cố chấp” đi. Thoạt nhìn, cô ấy xinh đẹp đến nỗi cho dù có gọi là “yêu nữ” thì vẫn muốn ngắm nên tôi mới nảy sinh ý định kỳ lạ là “Chinh phục cô gái này thử xem”. Lúc đó, cô ấy tròn 19 tuổi còn tôi thì 25, vừa tốt nghiệp Khoa Văn của Trường Đại học T, nói theo kiểu người xưa thì, cả hai chúng tôi đang ở đúng vào năm hạn.
Ban đầu cô ấy tỏ ra rất lạnh nhạt, nhưng định mệnh là một điều kỳ lạ, cuối cùng có vẻ như cảm nhận được tình cảm chân thành của tôi. Thế rồi, vào một đêm, cô đã bộc bạch về thân thế của mình, chuyện mà chưa từng kể với ai trước đó. Đó là một câu chuyện hết sức bi thảm, thế nhưng khi nghe kể, tôi lại bị tính tò mò thôi thúc hơn là cảm thấy đồng cảm. Điều đó trở thành mầm mống dẫn đến mối nguy hiểm cho cả hai người, nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ những người trẻ như anh cũng có cùng cảm xúc giống tôi mà thôi!
Tuy nói là chuyện về thân thế nhưng cũng rất đơn giản. Cô ấy kể rằng, cô cùng với người mẹ đã lớn tuổi, chỉ hai người, sống cùng nhau trong một ngôi nhà ở vùng núi, khi lên 12 tuổi thì mẹ mất, và người mẹ ấy, từ hơi thở thoi thóp trước lúc lâm chung đã nói ra một bí mật động trời, rằng: “Thật ra ta không phải là mẹ của con. Mẹ của con là con gái ta nên ta chính là bà ngoại của con. Bố của con đã bị giết khi con còn trong bụng mẹ, và sau khi sinh con ra được 100 ngày thì mẹ con bị giết”… Chuyện là như thế.
Trong lòng cô bé lúc ấy đã rất kinh ngạc, khi hỏi xem ai đã giết bố mẹ mình thì người bà chỉ chép miệng hai ba cái rồi trút hơi thở cuối cùng mà chẳng nói là ai cả.
Kể từ lúc đó, cô ấy nuôi chí phục thù kẻ đã giết hại bố mẹ mình nhưng ngay cả nơi sinh ra hay thậm chí đến tên thật của mình cũng không biết nên dĩ nhiên là cũng chẳng thể nào biết được hung thủ. Việc xảy ra như thế nên, tự nhiên, cô xem tất cả mọi người trong thiên hạ đều là kẻ thù, đặc biệt là những năm sau khi bà ngoại chết, bị dòng đời cuốn đi, vô cùng cơ cực nên đâm ra rất hận đời. Sở dĩ cô tự mình chọn cách đắm chìm vào thế giới trụy lạc là để dắt mũi đàn ông, đùa giỡn họ theo ý mình, nhằm thỏa mãn ít nhiều lòng mong muốn trả thù, lấy đó làm an ủi linh hồn bố mẹ. À không, đó cũng là một hình thức truy điệu kỳ lạ thôi!
Nghe chuyện, tôi lập tức nảy ra quyết tâm tìm cho bằng được kẻ đã giết hại bố mẹ cô ấy. Đó thật ra là vì tôi có hứng thú với việc điều tra hơn là cảm thấy thương hại. Tuy nhiên, trong tình huống này, bất kể là thám tử tài ba nào cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng tôi có cảm giác là mình có thể tìm ra được đầu mối giải quyết vấn đề từ những lời bà ngoại cô đã nói trước lúc lâm chung. Tôi lẩm bẩm suốt, có thể nói là quên cả ăn ngủ, câu nói: “Bố của con bị giết lúc con còn trong bụng mẹ và sau khi con được sinh ra 100 ngày thì mẹ con bị giết”, đặc biệt, tôi đã vắt óc suy nghĩ nhiều ngày về chữ “100 ngày” đó.
Việc cô ấy không biết tên thật hoặc nơi sinh của mình có thể hiểu được, vì xảy ra sự việc nên họ đã phải rời bỏ quê hương. Ngoài ra, việc cho đến tận khi chết bà của cô mới cho biết sự tình chắc chắn là có lý do gì đó sâu xa. Hơn nữa, vào giờ phút lâm chung, cho dù được hỏi bà cũng không thể nói ra tên của hung thủ cũng giải thích được rằng bà không muốn trả lời. Sau khi liên kết những điều này, tôi suy luận ra một tình huống đáng sợ nên lập tức đến thư viện, tra cứu bộ luật hình sự cũ.
Và rồi, nhờ vào một điều khoản, tôi đã phát hiện ra những suy đoán của mình là chính xác. Nói cách khác, tôi đã biết được ai là người giết cha và mẹ cô ấy. Thế nhưng, đó là một tình huống đáng sợ đến chừng tôi không thể nói với cô ấy. Tuy vậy, lại muốn cho cô ấy sớm biết được điều đó! Âu đó cũng là tính hiếu kỳ của tuổi trẻ. Và, tôi đã suy nghĩ nát óc để tìm cách nào đó nói với cô ấy nhưng chẳng nghĩ ra được cách nào. Cuối cùng tôi quyết định gặp cô ấy đã rồi tính tiếp.
Tôi đã mất chừng 2 tuần để suy đoán thủ phạm và đi lại thư viện. Vào một đêm, khi bất ngờ đến thăm thì cô ấy thay đổi sắc mặt, buông lời trách móc rằng: “Vì em nói ra thân thế của mình, chuyện ấy làm anh e ngại nên không đến phải không?”. Khi tôi đáp rằng “Vì đang điều tra kẻ giết hại bố mẹ em” thì cô ấy bật khóc, gào lên, “Nói dối, đừng bịa chuyện nữa! Nếu bị anh bỏ rơi thì em cũng không thiết sống nữa!”. Cô ấy cứ khóc lóc mãi, không sao dỗ dành được nên tôi đã buột miệng nói: “Anh có chứng cứ biết được thủ phạm rồi!”.
Sau đó thì anh cũng đoán được cô ấy van nài tôi nói cho biết như thế nào rồi đấy! Không còn cách nào, tôi đành xé trang giấy trong cuốn sổ tay mà tôi đã dùng bút chì ghi lại điều khoản mình phát hiện ra ấy, ném cho cô rồi bảo đọc đi rồi sẽ hiểu.
Cô ấy đọc như ngấu nghiến, nhưng không hiểu nghĩ gì, vo tròn mảnh giấy lại, bật cười khúc khích để làm tôi vui. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên.
Sau khi lên giường, cô ấy cứ nhắc đi nhắc lại rằng “Anh yêu, anh sẽ không bỏ rơi em cho dù xuất thân của em như thế nào chứ?!”. Nghe thế, tôi nghĩ cô ấy đã đoán ra ai là kẻ thù giết cha mẹ mình. Khi nghĩ vậy, tôi bỗng cảm thấy yêu thương cô ấy tha thiết. Thật kỳ lạ! Tôi đã nói ra những lời dịu dàng mà trước nay chưa từng dùng, đối xử với cô ấy nhẹ nhàng một cách thật lòng. Sau đó, cô ấy bình yên nằm ngủ và tôi cũng chìm vào giấc ngủ say.
Vài giờ sau, cảm thấy đau nhói ở cổ, tôi lập tức vùng dậy, nhưng lại ngất đi, cuối cùng khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên một chiếc giường trắng toát với cô y tá bên cạnh.
Sau này, hỏi lại sự tình mới biết được rằng, đêm đó cô ấy đã cắt cổ tôi bằng con dao lam và sau đó thì tự cắt động mạch cảnh của chính mình để tự tử. Trên tay trái của cô vẫn cầm chặt mảnh giấy tôi viết về điều khoản của bộ luật hình sự. Lúc đầu hình như cô ấy không đọc được nên sau khi tôi ngủ, cô đã nhờ bà chủ đọc cho nghe mới hiểu ra ý nghĩa của điều khoản đó. Đồng thời, hầu như đã đoán ra được kẻ giết bố mẹ mình là ai, nhưng khi biết được điều đó thì cô ấy lại cảm thấy sợ hãi với xuất thân của mình, nghĩ rằng khó mà được tôi yêu nữa nên nảy ra ý định cùng tự sát”.
Đến đây, tiến sĩ K thở dài.
- Anh đã hiểu ra đại khái rồi phải không? Tóm lại là tôi đã suy đoán như thế này. Cha cô đã bị người vợ đang mang thai, có nghĩa là mẹ cô, giết chết và mẹ cô ấy sau khi sinh ra cô thì phải chịu án thắt cổ. Số phận di truyền bi thảm này của cô ấy là động cơ khiến tôi trở thành một học giả hình luật. Đây là…
Tiến sĩ K lấy từ ngăn kéo chiếc bàn bên cạnh ra một mẩu giấy nhàu nát.
- Hãy xem cái này đi. Đây là điều khoản đáng sợ mà cô ấy cầm trong tay.
Tôi vội chộp lấy, đọc những dòng chữ viết bằng bút chì đã phai màu.
“Nếu một người bị kết án tử mà đang có thai thì việc thi hành án sẽ được tạm hoãn và sẽ phải chấp hành án sau khi sinh con 100 ngày”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/di-truyen-i716280/