Đi vào làn khẩn cấp trên đường Vành đai 3, lái xe cố tình cãi trắng

Vốn chỉ dành cho các trường hợp như hỏng hóc, hết xăng hoặc các phương tiện cấp cứu, chữa cháy… tuy nhiên, không ít lái xe vẫn cố tình điều khiển phương tiện vào làn khẩn cấp trên đường Vành đai 3. Đáng chú ý, khi bị xử lý, một số trường hợp cố tình tìm cách đối phó.

Vi phạm bất chấp quy định

Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì và cầu Thăng Long được đánh giá có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Ước tính, vào những khung giờ này, mật độ phương tiện cao tới gấp 4 lần so với bình thường, dẫn đến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn.

Đây cũng là những tuyến đường huyết mạch về kinh tế, thông thương giữa các tỉnh, thành phố lại không quy định theo giờ nên các phương tiện di chuyển thường xuyên, hầu như lúc nào cũng đông đúc. Vì thế xuất hiện tình trạng nhiều lái xe cố tình điều khiển xe vào làn khấn cấp, bất chấp quy định của pháp luật.

Không ít trường hợp xe ô tô cố tình đi vào làn khẩn cấp

Không ít trường hợp xe ô tô cố tình đi vào làn khẩn cấp

Chính vì vậy, từ ngày 20-9, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã thành lập tổ công tác phối hợp với các Đội CSGT quản lý địa bàn gồm Đội CSGT số 6, 7, 14, 5 và 15 của CATP Hà Nội sử dụng xe mô tô chuyên dụng tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, đối với những tình huống đột xuất, bất ngờ, lực lượng này nhanh chóng phân luồng, hướng dẫn các phương tiện di chuyển, xử lý kịp thời để tránh ùn tắc giao thông.

Xe máy ngang nghiên vi phạm

Xe máy ngang nghiên vi phạm

Đặc biệt, tổ công tác sẽ ghi hình các phương tiện vi phạm đi vào làn khẩn cấp trên đường Vành đai 3 để xử lý. Theo đó, dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng trong 2 tuần đầu triển khai, đã có tới gần 50 phương tiện vi phạm gồm 37 xe con, 4 xe tải, 7 xe khách.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, hành vi điều khiển xe vào làn khẩn cấp có thể cản trở việc di chuyển của những phương tiện ưu tiên, hoặc là nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, do vậy, việc ghi hình, xử lý là cần thiết.

Đủ cách đối phó, né tránh xử lý

Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông gặp rất nhiều khó khăn. “Một số trường hợp khi được yêu cầu dừng xe, xử lý vi phạm điều khiển phương tiện vào đường cấm thì ngay lập tức tỏ thái độ chống đối, yêu cầu bằng chứng. Khi chúng tôi đưa ra clip đã được ghi lại trước đó, lái xe mới chấp hành việc ký vào biên bản nộp phạt” - Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 6 thông tin.

Cũng theo cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ, có những trường hợp dù đã nhìn thấy tận mắt clip vi phạm nhưng vẫn tìm cách né tránh trách nhiệm khi viện ra đủ lý do. Có lái xe thì xin xỏ, trình bày hoàn cảnh, hoặc viện dẫn lý do có việc gấp nên mới buộc phải vi phạm. Thậm chí có trường hợp còn khẳng định bản thân chỉ đánh lái chuyển làn chứ không cố tình vi phạm.

Một số trường hợp khi bị xử lý đã viện dẫn chỉ đánh lái... chuyển làn

Một số trường hợp khi bị xử lý đã viện dẫn chỉ đánh lái... chuyển làn

Đối với trường hợp này, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ bình tĩnh giải thích, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức và lập biên bản xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

“Cũng không ít trường hợp gọi điện thoại nhờ người thân, người quen xin bỏ qua nhưng chúng tôi đã quán triệt phải làm nghiêm, không có “vùng cấm” để tạo sự răn đe. Vì khi có vấn đề xảy ra như tai nạn giao thông thì chịu trách nhiệm vẫn là lực lượng làm nhiệm vụ chúng tôi. Quan trọng nhất vẫn là thực hiện đúng quy định để đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông” - Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 chia sẻ.

Tại tuyến đường thuộc quản lý của Đội Cảnh sát giao thông số 14, do vẫn chưa có biển báo cấm nên nhiều lái xe còn cố tình cự cãi, cho rằng không có biển báo thì không biết đó là đường cấm nên việc lái xe vào là chuyện… bình thường.

Tất cả các trường hợp dù với bất cứ lý do gì cũng đều bị xử lý nghiêm

Tất cả các trường hợp dù với bất cứ lý do gì cũng đều bị xử lý nghiêm

Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 14 nhìn nhận, việc lái xe vi phạm chống đối để tìm cách né tránh trách nhiệm trước pháp luật là điều dễ hiểu. Theo quy định, lái xe điều khiển phương tiện vào làn khấn cấp trên đường Vành đai 3 sẽ bị xử phạt số tiền 5.000.000 đồng, tước GPLX 2 tháng. Do vậy, với mức xử phạt vi phạm như trên, một số lái xe đã cố tình không chấp hành.

“Chúng tôi không mong muốn xử phạt, vì thế rất mong người tham gia giao thông hãy chấp hành quy định luật lệ an toàn giao thông, cũng như để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Khi và chỉ khi người dân tự giác thì mới giảm thiểu được rủi ro phát sinh tình huống xấu, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hy vọng trong thời gian tới, người tham gia giao thông sẽ chấp hành hơn. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các quy định đi vào thực chất, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, không còn những vi phạm dẫn tới hậu quả đáng tiếc trong tương lai” - Chỉ huy Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội bày tỏ.

Linh An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/di-vao-lan-khan-cap-tren-duong-vanh-dai-3-lai-xe-co-tinh-cai-trang-post519488.antd