Đi vay cho bất động sản vẫn gặp 'rừng điều kiện'

Các công ty bất động sản rất khát vốn, nhưng ngoài lãi suất vay vẫn cao thì doanh nghiệp ngành này phản ánh còn cả 'rừng điều kiện', không dễ vượt qua để tiếp cận được dòng tiền của các nhà băng.

Tiếp cận vốn khó, lãi suất cao

Cuối năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đều giảm mạnh, có ngân hàng lãi suất thấp nhất chỉ 1,9% cho kỳ hạn 1 tháng.

Thế nhưng, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc cho vay với cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đều không dễ dàng và mức lãi suất rất cao.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property), cho hay, bản thân doanh nghiệp cần vay vốn; tuy nhiên, việc tiếp cận vốn thời gian qua khá căng thẳng, hoàn toàn khác biệt với chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.

Ông Toản cho hay, lãi suất huy động giảm rất thấp nhưng lãi suất cho vay bất động sản lại không thấp.

“Hiện các ngân hàng thương mại cổ phần đều chào mức lãi suất cho vay trên 10%/năm; thấp nhất có Ngân hàng Vietcombank chỉ khoảng 7%. Tuy nhiên, ngân hàng này yêu cầu rất khắt khe như doanh nghiệp phải có doanh thu trung bình năm gần nhất hơn 100 tỷ đồng, nếu doanh thu thấp hay lỗ là không cho vay”, Tổng giám đốc EZ Property nói.

Chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay bất động sản ở mức 6,5-8% sẽ kích cầu thị trường. (Ảnh: Hoàng Hà)

Chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay bất động sản ở mức 6,5-8% sẽ kích cầu thị trường. (Ảnh: Hoàng Hà)

Cùng với đó, các doanh nghiệp vay vốn để làm các dự án bất động sản đều phải trình riêng chủ trương; tức hội sở phải duyệt chủ trương cho vay, các chi nhánh, bộ phận ở dưới mới thẩm định hồ sơ.

“Đáng nói, Ngân hàng Nhà nước cấm việc cho vay kèm theo điều khoản phải mua bảo hiểm, nhưng một số ngân hàng nói thẳng là phải mua, thậm chí là bắt buộc. Nếu không mua bảo hiểm sẽ cộng thêm vào lãi suất, còn nếu mua bảo hiểm nhân thọ thì lãi suất giảm 1%.

Có ngân hàng còn 'thòng' điều kiện không được mua bảo hiểm cho chính đối tượng khoản vay, nghĩa là người đi vay vốn phải mua bảo hiểm cho người khác để tránh việc thanh kiểm tra”, ông Toản thông tin.

Còn về phía người mua, vị lãnh đạo doanh nghiệp dẫn chứng, ngay tại một dự án nhà ở tại Đồ Sơn (Hải Phòng), chủ đầu tư tài trợ lãi suất cho khách hàng trong 18 tháng. Tuy nhiên, vừa rồi khi hết thời hạn, một ngân hàng mời các khách hàng vay vốn gia hạn hợp đồng với mức 13,5%/năm.

Không chỉ mức lãi suất cho vay cao, ông cho hay, có ngân hàng còn cài điều khoản, nếu khách hàng trả tiền trước hạn vay sẽ bị phạt 1-1,5%.

Lãi suất cho vay cần giảm thêm

Chia sẻ với VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, bày tỏ, doanh nghiệp làm bất động sản vay vốn rất khó khăn bởi lãi suất cao, từ 10-12%/năm.

Trong khi, để phát triển dự án bất động sản sẽ phải mất ít nhất 3-4 năm, thậm chí có dự án tới 8 năm khiến chi phí tài chính cao. Điều này càng khó để doanh nghiệp giảm giá bán.

Còn với người mua nhà, mức lãi suất cho vay vẫn ở mức 8-10%. So với hồi đầu năm, ông Quyết cho rằng, lãi suất cho vay với người mua nhà gần đây có giảm chút, nhưng giá nhà cao, vượt quá tầm với của người mua nên sẽ gây khó khăn.

“Người mua nhà luôn so sánh giữa việc đi thuê nhà và đi mua nhà. Nếu lãi suất vay mua nhà cao, họ sẽ thuê thay vì mua. Do đó, để kích cầu bất động sản, lãi suất cho vay ở mức 6,5-8%/năm sẽ phù hợp với người mua nhà. Lãi suất cho vay lên mức 9-10%/năm là quá sức với người dân”, ông Quyết nói.

Hơn nữa, sau thời gian lãi suất ưu đãi, người mua thường phải chịu mức lãi suất thả nổi khá cao. Theo ông Quyết, mức lãi suất thả nổi cũng chỉ nên quanh mức dưới 10%/năm, lên đến 11-12%/năm người mua cũng không chịu nổi.

Còn với doanh nghiệp làm dự án bất động sản, ông đề xuất lãi suất cho vay cần ở mức 7-9%/năm, nếu lãi suất trên 10% sẽ rất khó.

Trong khi đó, Tổng giám đốc EZ Property cho rằng, mức lãi suất cho vay bất động sản khoảng 7- 8%/năm là phù hợp để cả doanh nghiệp và người mua nhà có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, thủ tục cần được “nới” hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.

Từ góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, để kích cầu thị trường, lãi suất cho vay với người dân mua bất động sản ở mức 7% là phù hợp. Thế nhưng, phải là lãi suất cố định trong vòng 10 năm, thời hạn cho vay 20 năm.

Song, với thực tế hiện nay, vị chuyên gia nhận xét khó tìm được mức lãi suất này. Hơn nữa, các ngân hàng ở Việt Nam không có lãi suất cố định, thay đổi theo từng thời kỳ nên gây khó cho người đi vay.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/di-vay-cho-bat-dong-san-van-gap-rung-dieu-kien-2232174.html