'Đường Văn': Ươm mầm tài năng, gieo hạt văn chương

Sáng qua (6/7), tại Nhà sáng tác Tam Đảo, Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các (sau đây gọi tắt là Công ty Thi Nhân Các) phối hợp với Chuyên đề Văn học & Nghệ thuật Đường Văn đã tổ chức khai mạc Trại Sáng tác Văn học 'Truyện ngắn hay Đường Văn năm 2024 - 2026' và Cuộc thi tản văn 'Đối thoại với núi rừng 2025'.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của cuộc thi truyện ngắn và tản văn, đồng thời là lần thứ hai hoạt động văn học do Công ty Thi Nhân Các - một doanh nghiệp văn hóa tư nhân đứng ra tổ chức.

Quang cảnh buổi Lễ Khai mạc. Ảnh: Ngô Đức Hành

Quang cảnh buổi Lễ Khai mạc. Ảnh: Ngô Đức Hành

Tham gia Trại có 18 nhà văn, trong đó có nhiều tên tuổi như Tống Ngọc Hân, Lê Vi Thủy (giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương năm 2024), Nông Quốc Lập, Cầm Sơn, Văn Giá, Nguyễn Đình Tú, Bùi Tuấn Minh, Kiều Duy Khánh... Bên cạnh đó là các tác giả trẻ từng đạt nhiều giải thưởng văn chương ở các cấp độ khác nhau như Lê Kim Sơn, Phan Thúy Quỳnh (Li Phan), Phạm Giai Quỳnh, Tạ Thị Thanh Hải... Các nhà văn đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ Bắc vào Nam; trong đó, đoàn đông nhất là Gia Lai với ba nữ nhà văn thuộc thế hệ 8X, 9X.

Tham dự lễ khai mạc còn có các nhà văn: Kiều Bích Hậu, Phạm Vân Anh, Mai Nam Thắng, Lê Va, Hải Thanh, Ngô Đức Hành, Vũ Hải Đăng, Thanh Vĩnh...

Nhà văn Phan Mai Hương – Trưởng ban Biên tập chuyên đề văn học Đường Văn đã phát biểu khai mạc Trại sáng tác. Chị cho biết, các nhà văn tham dự Trại đều đã có tác phẩm (truyện ngắn và tản văn) gửi về Ban Tổ chức. Hy vọng trong thời gian lưu trú tại Trại, các tác phẩm sẽ được hoàn thiện với chất lượng cao nhất, góp phần giúp cuộc thi đạt kết quả tốt.

Tổng Giám đốc Công ty Thi Nhân Các, dịch giả, nhà thơ Linh Chi phát biểu tại Khai mạc

Tổng Giám đốc Công ty Thi Nhân Các, dịch giả, nhà thơ Linh Chi phát biểu tại Khai mạc

Dịch giả - nhà thơ Linh Chi, Tổng Giám đốc Công ty Thi Nhân Các - đơn vị tư nhân đầu tiên trong cả nước “đầu tư” cho văn chương một cách bài bản, phát biểu: “Tôi tin rằng, những người chúng ta ở đây đều dành tình yêu cho văn chương. Giống như một đức tin, tình yêu ấy không thể mang vật chất ra để đánh đổi, không thể mang danh lợi ra để hấp dẫn và cũng không thể mang sự áp bức ra để làm méo mó hay biến dạng. Chúng ta tòng sự văn chương đơn giản vì đó là sự đam mê và tình yêu; vì văn chương đã hòa trong dòng máu của chúng ta, và vì ở đó, chúng ta được trở về với bản thể của chính mình.”

Anh cũng cho biết, dù còn nhiều hạn chế về tài chính, Công ty Thi Nhân Các sẽ luôn nỗ lực duy trì Trại sáng tác văn học thường niên.

“Giữa những ồn ào của cuộc sống, đó là khoảng lặng nơi mà nhà văn tìm lại bản thân mình trong cô độc; thấy lại bản thân mình cùng các 'mình khác' – những văn hữu đồng đạo, những kẻ lạc loài giữa thời cuộc quay quắt kim tiền - để thêm tin tưởng vào đức tin của mình, thêm động lực bước đi trên con đường gian nan trước mắt.”

Ba trong số bốn nhà văn từ Gia Lai tham gia Trại sáng tác. Ảnh: Ngô Đức Hành

Ba trong số bốn nhà văn từ Gia Lai tham gia Trại sáng tác. Ảnh: Ngô Đức Hành

Các nhà văn như Hà Phạm Phú, Lê Va, Kiều Bích Hậu, Phạm Vân Anh, Hải Thanh, Thanh Vĩnh, Mai Nam Thắng, Vũ Hải Đăng... đã phát biểu bày tỏ tình cảm trân trọng, đánh giá cao nỗ lực của Công ty Thi Nhân Các trong việc “xã hội hóa” đầu tư cho sáng tạo văn chương. Đồng thời ghi nhận đóng góp của Ban Biên tập chuyên đề Đường Văn - một ấn phẩm ngày càng được đánh giá cao về trình bày, nội dung, thu hút được nhiều “tên tuổi lớn” của văn chương đương đại tham gia cộng tác, đồng thời phát hiện và nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ.

Các nhà văn tham dự Trại, với tư cách khách mời của lễ khai mạc, cũng ghi nhận công tác tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, thể hiện rõ tình yêu văn chương và trách nhiệm với đời sống văn học nước nhà của Ban Biên tập chuyên đề Đường Văn.

Biết tin Trại sáng tác văn học Đường Văn lần thứ hai khai mạc, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Thái Nguyên viết trên trang cá nhân: “Đường Văn là ấn phẩm định kỳ, do Công ty Truyền thông Thi Nhân Các xuất bản từ nguồn tài trợ của một doanh nhân yêu văn chương... Nhóm tổ chức xuất bản Đường Văn cùng Mạnh Thường Quân đã làm quá tốt công việc của những người mở ‘sân bay’ văn chương mới - một ‘sân bay’ hoàn toàn xã hội hóa. Nơi chào đón từ những ‘phi đội’ lừng danh đến các ‘lái mới’, đều đặn những chuyến bay cất cánh vào bầu trời văn chương rộng lớn.”

Các nhà văn tham gia Trại sáng tác và khách mời chụp ảnh lưu niệm

Các nhà văn tham gia Trại sáng tác và khách mời chụp ảnh lưu niệm

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: “Đường Văn thú vị hơn nhiều nhóm văn chương khác ở chỗ không chỉ xuất bản ấn phẩm theo kiểu ‘hái quả trên cây’, mà còn tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác để mở rộng nguồn ‘ươm trồng’. Mình đã đọc cuốn tuyển tập truyện ngắn dự thi, thấy bất ngờ vì bên cạnh các cây bút đã thành danh, có nhiều cây bút trẻ, hay và mới.”

Trong thời gian 10 ngày diễn ra Trại Sáng tác Văn học “Truyện ngắn hay Đường Văn năm 2024 - 2026” và Cuộc thi tản văn “Đối thoại với núi rừng 2025”, các nhà văn sẽ được đi thực tế tại nhiều danh thắng ở tỉnh Phú Thọ, đồng thời giao lưu, trao đổi về văn chương và nghề viết với các nhà văn, nhà thơ đang sinh sống và sáng tác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (cũ).

Ngô Đức Hành

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/duong-van-uom-mam-tai-nang-gieo-hat-van-chuong-a29397.html