'Địa chấn' Omicron, loạt nước hạn chế đi lại với nam châu Phi
Anh, Đức, Hà Lan và Italia đã phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, các chuyên gia cảnh báo chia sẻ vắc xin không công bằng dẫn tới nhiều biến thể mới xuất hiện.
Theo các hãng tin Reuters và AP, Australia và một số quốc gia khác ngày 27/11 đã áp đặt các hạn chế đi lại từ các quốc gia ở miền nam châu Phi sau khi biến thể mới Omicron được phát hiện tại khu vực này và làm dấy lên lo ngại trên toàn cầu, gây ra tình trạng bán tống bán tháo trên thị trường tài chính.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các hạn chế như vậy có thể không ngăn chặn được sự lây lan của biến thể này. Anh và Đức ngày 27/11 cho biết mỗi nước đã phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron trong khi Cộng hòa Czech cũng đã có những ca nghi nhiễm Omicron. Tại Italia, Viện Y tế quốc gia xác nhận một ca nhiễm biến thể mới đã được phát hiện ở Milan, với người mắc tới từ Mozambique.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gọi Omicron là "biến thể đáng lo ngại", vì nó có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đây của virus corona. Dù vậy, các chuyên gia hiện chưa rõ liệu nó có gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với những biến thể trước đây không.
Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và sau đó đã được thấy ở Bỉ, Botswana, Israel và Hong Kong (Trung Quốc).
Nhà chức trách Hà Lan cho biết, 61 trong số 600 người từ Nam Phi tới Amsterdam ngày 26/11 đã dương tính với Covid-19. Nhà chức trách nước này đang tiến hành thêm các xét nghiệm để xem liệu các ca mắc mới có liên quan tới biến thể Omicron hay không.
Theo các nhà khoa học, sẽ phải mất hàng tuần để hiểu đầy đủ về các đột biến của biến thể, và xem liệu các vắc xin cùng những cách chữa trị hiện thời có hiệu quả trong việc chống lại Omicron hay không. Omicron là biến thể đáng lo ngại thứ 5 theo phân loại của WHO.
Hiện nay, dù các nhà dịch tễ học cho rằng việc hạn chế đi lại là quá chậm để ngăn chặn Omicron lan khắp toàn cầu, song nhiều nước trên khắp thế giới trong đó có Mỹ, Anh, Brazil, Canada và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Oman, Hungary đã công bố lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại với các quốc gia ở nam châu Phi.
Australia hôm qua tuyên bố cấm những người không phải công dân nước này, từng ở 9 nước phía nam châu Phi, nhập cảnh. Trong khi đó, công dân Australia sẽ phải cách ly 14 ngày khi trở về từ khu vực nam châu Phi.
Nhật Bản cũng cho biết, sẽ mở rộng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với 3 nước châu Phi nữa, sau khi đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Namibia và Lesotho.
Nam Phi hiện lo ngại việc hạn chế của các nước sẽ ảnh hưởng tới du lịch và các ngành khác của nền kinh tế. Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết, chính phủ nước này đang yêu cầu các quốc gia áp đặt lệnh cấm đi lại xem xét lại quyết định.
Biến thể Omicron xuất hiện khi nhiều nước ở châu Âu đang phải vật lộn với số ca mắc Covid-19 tăng vọt và một số quốc gia phải tái áp đặt các hạn chế với hoạt động xã hội để ngăn chặn virus lây lan. Gần đây nhất, Áo và Slovakia đã bắt đầu phong tỏa.
Biến thể mới cũng nêu bật sự chênh lệch trong phân chia vắc xin. Trong khi nhiều nước phát triển đang triển khai tiêm mũi 3 - mũi tăng cường thì chưa đầy 7% người dân ở các nước có thu nhập thấp mới chỉ tiêm được một mũi. Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh vắc xin GAVI cho biết, việc phân chia vắc xin đồng đều là cần thiết để ngăn chặn sự xuất hiện thêm nhiều biến thể của virus corona hơn nữa.
Các diễn biến khác:
- Theo Guardian, Nam Phi phàn nàn về việc bị “trừng phạt” vì phát hiện ra biến thể Omicron khi các quốc gia trên khắp thế giới vội vã áp đặt lệnh cấm đi lại từ các quốc gia ở nam châu Phi. Bộ Ngoại giao nước này ra thông báo cho biết, khoa học xuất sắc cần được hoan nghênh và không bị trừng phạt. Và rằng, lệnh cấm các chuyến bay được cho là “giống như trừng phạt Nam Phi vì khả năng phát hiện biến thể mới nhanh hơn”.
- BioNTech – công ty chế tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 Pfizer, tuyên bố có thể sản xuất và phân phối phiên bản cập nhật của vắc xin trong vòng 100 ngày nếu biến thể Omicron được phát hiện là vượt được hàng rào bảo vệ của vắc xin.
- Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) Frank Ulrich Montgomery ngày 27/11 cho biết, nếu virus corona đột biến thêm, nó có thể tạo ra một biến thể lây lan mạnh như Delta và chết chóc như virus Ebola.
- Israel tuyên bố sẽ cấm toàn bộ người ngoại quốc nhập cảnh nước này, và tái áp dụng công nghệ truy vết qua điện thoại từng dùng để chống khủng bố nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
Hoài Linh