'Địa chỉ đỏ' của bộ đội và người dân trên địa bàn Tây Nguyên
Những năm gần đây, Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3) là 'địa chỉ đỏ' của cán bộ, chiến sĩ và nhiều người dân trên địa bàn, nhất là học sinh, thanh thiếu niên đến tham quan, tìm hiểu, học tập về truyền thống anh hùng của quân đội nói chung, của một đơn vị chủ lực được sinh ra, trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên nói riêng...
Đại tá Nguyễn Văn Thế, Chính ủy Quân đoàn 3 cho biết: “Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Tây Nguyên, là nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử của cán bộ, chiến sĩ đơn vị qua các thời kỳ. Đây là nơi tham quan, giáo dục lịch sử, tinh thần yêu nước, truyền thống vẻ vang của quân đội nói chung, Binh đoàn Tây Nguyên nói riêng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị và người dân địa phương. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên đón hơn 18.000 lượt người đến tham quan, nghiên cứu, học tập".
Cùng với học sinh Trường TH&THCS Anh hùng Đôn, TP Pleiku đến tham quan, học tập truyền thống tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên, chúng tôi thấy các em quan sát, trao đổi, ghi chép, chụp hình rất hào hứng. Mặc dù đã hướng dẫn nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nhưng trước các thầy cô và học sinh Trường TH&THCS Anh hùng Đôn, Thiếu tá Lê Đình Quý, nhân viên thuyết minh bảo tàng khi giới thiệu “Khúc tráng ca của Quân đoàn 3 được viết từ máu xương của các anh hùng liệt sĩ” vẫn không khỏi xúc động; rồi chuyện về Quyết tâm thư của Tiểu đoàn 65 trước lúc vào trận, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã được cán bộ các đơn vị ký bằng chính những giọt máu của mình. Trong trận chiến đấu này, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 65 đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Vi Hợi (Trung đoàn 64, Sư đoàn 320) chỉ trong ngày 19-3-1975 đã bắn cháy 7 xe tăng, xe bọc thép của địch ở cầu Cây Sung, trên đường 7-Cheo Reo. Tiếp đến là câu chuyện về tấm vải dù của Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Phôi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 làm rung động trái tim của thầy trò và cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Hướng dẫn viên kể lại: "Trên đường hành quân vào vị trí chuẩn bị cho trận Plei Me (Chư Prông), đơn vị của đồng chí Lê Xuân Phôi bất ngờ gặp quân Mỹ, anh đã chỉ huy đơn vị tiến vào giữa đội hình làm cho quân địch rối loạn. Trên trời, máy bay của địch bắn rốc-két và ném bom hòng cứu nguy cho đồng bọn. Trong lúc quyết liệt chiến đấu thì đồng chí Lê Xuân Phôi bị thương, mảnh đạn làm bay mất phần da bụng, ruột đổ ra ngoài. Nén nỗi đau, anh tự mình dùng tấm vải dù để băng bó vết thương, rồi tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Trận đánh kết thúc thắng lợi, nhưng vì vết thương nặng quá, thời gian dài mất máu nên Lê Xuân Phôi đã hy sinh trong niềm tiếc thương của đồng đội".
Một trong 120 học sinh của Trường THCS Trần Phú (TP Pleiku) được kết nạp Đoàn tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên-cháu Trần Vương Linh xúc động: “Qua các hiện vật và nội dung giới thiệu, cháu hiểu biết thêm về truyền thống anh hùng của quân đội, những tấm gương chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Được kết nạp Đoàn dưới chân dung của bao cán bộ, chiến sĩ anh hùng, cháu thấy rất tự hào và quyết tâm học giỏi để sau này góp sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đối với Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, một con suối, dòng sông, ngọn núi, một thôn làng hay cánh đồng nhỏ cũng đều có bóng dáng và xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Từng hiện vật, hình ảnh được trưng bày một cách hệ thống tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên đã tái hiện một cách sinh động lịch sử của những trận đánh lớn trên chiến trường, minh chứng cho sức mạnh của Binh đoàn Tây Nguyên qua các thời kỳ, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.