Địa chỉ đỏ ở vùng đất 'chín rồng'

Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quân khu 9, được khánh thành ngày 19-5-1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nơi đây trưng bày gần 1.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Người, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thể hiện tình cảm thiêng liêng, niềm tin sâu sắc của quân dân đất 'chín rồng' với Bác Hồ kính yêu.

Mới đây, lễ kết nạp đoàn viên được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh ĐBSCL thu hút gần 200 học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, phường Hưng Lợi (Ninh Kiều, Cần Thơ). Sau phần dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, các em học sinh được hướng dẫn tham quan, tìm hiểu về cuộc đời của Bác. Thầy giáo Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đây là lần thứ hai nhà trường và tuổi trẻ địa phương phối hợp với bảo tàng tổ chức lễ kết nạp đoàn viên cho học sinh. Chúng tôi chọn nơi này tổ chức nhằm khơi dậy lý tưởng, niềm tin cho các em phấn đấu học tập theo gương Bác Hồ. Cũng trong thời gian qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa học thực tế cho học sinh tại đây”.

Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh ĐBSCL trưng bày hai phần: Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm lòng của Bác với miền Nam và quân dân ĐBSCL đối với Bác Hồ. Thiếu tá Nguyễn Minh Thảo, trợ lý trưng bày, tuyên truyền, hướng dẫn bảo tàng, chia sẻ: “Phần trưng bày tấm lòng của Bác với miền Nam và quân dân ĐBSCL đối với Bác Hồ có hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Nhiều hiện vật thể hiện tình cảm của quân dân ĐBSCL với Người trước lúc đi xa, như: Nhẫn tang và bài thơ “Vòng nhẫn tang” của bà Lê Thị Đáng (Lê Thu Trang), từng công tác tại An ninh khu Tây Nam Bộ. Câu chuyện cảm động này diễn ra vào chiều 6-9-1969, tại chùa Khánh Quang (TP Cần Thơ). Dưới sự chủ trì của sư thầy Thích Huệ Thành, Lễ truy điệu Bác Hồ được tiến hành nghiêm trang. Nhằm tránh sự nghi ngờ và truy bắt của lính ngụy, băng tang của mọi người là những vòng đen ở cổ tay và nhẫn xâu hạt cườm màu đen đeo ở ngón tay. Trong bài thơ của bà Đáng có đoạn: “... Nhẫn cườm đen mang đau thương cả nước/ Chuỗi cườm đen siết chặt nghĩa Bắc-Nam”.

 Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh tham quan, học tập truyền thống tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh tham quan, học tập truyền thống tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Tuyết, nhân viên thuyết minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh ĐBSCL, để bảo quản được số lượng lớn hiện vật, công tác kiểm kê, bảo quản được đặt lên hàng đầu. Trước đây, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí còn hạn chế nên công tác kiểm kê, bảo quản gặp không ít khó khăn. Nhiều hiện vật, tư liệu bị mất mát hoặc sai lệch về thông tin, việc bảo quản, sắp xếp có lúc chưa đúng quy định. Được sự quan tâm của chỉ huy các cấp, nỗ lực của tập thể nên công tác kiểm kê, bảo quản từng bước được hoàn thiện. Hiện 100% hiện vật được sưu tầm đều có đầy đủ hồ sơ, sắp xếp vị trí theo chất liệu, bảo đảm đúng nguyên tắc, mỹ thuật; sổ sách ghi chép hiện vật bảo đảm thống nhất theo quy định của ngành.

Được biết, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh ĐBSCL đã đón hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, cùng nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Qua đó góp phần giáo dục tinh thần trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, sống có tình có nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ. Trung sĩ Phạm Minh Khương, Tiểu đoàn 145, Lữ đoàn Pháo phòng không 226 (Quân khu 9), chia sẻ: “Mỗi lần đến tham quan, học tập truyền thống tại bảo tàng, tôi đặc biệt ấn tượng với những câu chuyện về nghị lực và lòng nhân ái của Người. Vì vậy, những buổi tham quan thực tế trở thành động lực giúp tôi cố gắng phấn đấu học tập, công tác tốt”. Còn theo chiến sĩ Võ Duy Lĩnh, Đại đội cối 100mm, Sư đoàn 330, thì những hiện vật vô giá là bằng chứng sống động về cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thôi thúc và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9, cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu tham quan và tìm hiểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh ĐBSCL, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên; thường xuyên cử các bộ phận nghiên cứu, bổ sung thêm những hiện vật, tư liệu về Bác; đổi mới cách trưng bày, giới thiệu để Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh ĐBSCL thật sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ".

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dia-chi-do-o-vung-dat-chin-rong-646317