'Địa chỉ đỏ' về lịch sử một thời hoa lửa

Là bảo tàng đầu tiên trên cả nước do cá nhân khởi xướng và xây dựng, được xã hội hóa hoàn toàn, đến nay sau gần 20 năm thành lập, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày luôn là 'địa chỉ đỏ' về những dấu mốc lịch sử của một thời hoa lửa. Tại đây, hơn 4.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh là chừng đó những câu chuyện về nghĩa tình đồng đội, thắp sáng ngọn lửa về lòng yêu nước, về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Những kỷ vật thiêng liêng

Một ngày trung tuần tháng 8, gần trưa trời nắng như đổ lửa, con đường dẫn vào khu Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) khiến chúng tôi đôi lần phải dừng xe vì các dự án cầu, đường giao thông đang xây dựng dang dở.

Con đường bê tông bị “thảm” bởi một lớp bùn đất trên mặt, bụi đường cộng với mồ hôi chảy ròng ròng khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt và khá mệt sau khi di chuyển quãng đường gần 40km từ trung tâm Hà Nội về thôn Nam Quất, nhưng tất cả đều như trùng xuống khi bước tới sân Bảo tàng được bao quanh bởi những tán cây lớn, xanh mát đến nao lòng.

Một cảm giác mát mẻ, ấm cúng và rất linh thiêng. Tiếng chuông thỉnh khách vọng xa, sắp lễ đôi bánh Trung thu và bó hoa cúc vàng, chúng tôi thắp nén hương thơm tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong các nhà tù của địch thế kỷ XX. Hương trầm lan tỏa khắp khu tưởng niệm, dường như mỗi một thước đất là một linh hồn ở đó… Bởi vậy, không lạ khi thời điểm giới thiệu tham quan Bảo tàng, ông Kiều Văn Uỵch, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhắn gửi hai câu thơ: “Xin quý khách nhẹ chân một chút/Ở trong này có hồn của bạn tôi”. Điều này khiến du khách càng cảm thấy sự trân quý, cảm xúc nghẹn ngào.

Dẫn chúng tôi đi tham quan Bảo tàng, ông Kiều Văn Uỵch chỉ tay về các hiện vật chiến tranh. Ông chậm rãi giới thiệu về từng mô hình mô tả những đòn tra tấn tại khu biệt giam của nhà tù Côn Đảo. Này đây là người chiến sĩ mình trần bị giam cầm trong chuồng cọp, ngày đêm phơi nắng, phơi sương; tiếp đến là người lính khác đang nằm co quắp, đau đớn khi kẻ thù đốt nến rỏ sáp nóng vào đầu, vào mặt; nữa là hình ảnh chiến sĩ Phùng Xuân Nghị (quê ở Hà Nội) đã hiên ngang trước quân thù, cầm dao rạch bụng đòi quyền dân sinh, dân chủ cho đồng đội; rồi chiến sĩ Trần Hội (quê ở Hà Tĩnh) bị địch tháo 2 ống xương chân nhưng quyết không khai; chiến sĩ Lê Minh Chí bị địch giam giữ trên 10 năm trong xà lim; liệt sĩ Dương Bá Ngà (Hà Nội) bị địch bắt, đun nước xà phòng sôi đổ vào miệng rồi treo ngược lên, đánh gãy chân; liệt sĩ Nguyễn Đình Xô bị dội nước sôi vào người cùng hàng loạt các hình ảnh khác như: nữ tù nhân bị trói vào cột thả rắn, thắp điện cao áp, nấu nước sôi, móc mắt. Những hình ảnh tái hiện chân thực “địa ngục trần gian” với những đòn tra tấn dã man đó khiến du khách không khỏi rùng mình trước tội ác của kẻ thù trong chiến tranh.

Không gian trưng bày trong Bảo tàng.

Không gian trưng bày trong Bảo tàng.

Thỉnh thoảng, tôi thấy người cựu chiến binh Kiều Văn Uỵch lại lấy tay gạt vội dòng nước mắt. Có lẽ, với những ai đã từng trải qua một thời hoa lửa như ông, càng thấm thía được nỗi đau đớn tận cùng của đồng đội. Mỗi lần giới thiệu với du khách là một lần ông lại ngược dòng thời gian trở về với hồi ức chiến tranh.

Ông Uỵch kể lại, bản thân ông đã từng bị địch bắt, giam cầm ở chuồng cọp nhà tù Phú Quốc năm 1969. Rồi ông cũng từng chịu cảnh bị giam giữ trong chuồng cọp dưới cái nắng gay gắt của Phú Quốc mấy ngày liền. Mỗi ngày chỉ được ăn 1 bát cơm, nhiều ngày không được vệ sinh, tắm rửa,… Ông Uỵch cho hay: “Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những ký ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng”.

Rồi ông Uỵch kể về lá cờ Tổ quốc nhuộm bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa - một cựu chiến binh ở tỉnh Bắc Giang hiến tặng cho bảo tàng. Khi trao tặng lá cờ này, ông Nghĩa rưng rưng, dặn dò ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng: “Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống cơ chế thị trường, người ta có xe hơi, có nhà lầu thì tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi...”. Lá cờ Tổ quốc sau những biến thiên của cuộc sống đã nhuốm màu thời gian, màu sắc chuyển sang sẫm nhưng trong đó hiển hiện dấu tích về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của người lính bộ đội Cụ Hồ.

Thành quả từ nghĩa tình đồng đội

Sau khi tham quan 10 khu trưng bày, chúng tôi tiếp tục được gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ ông Lâm Văn Bảng - người có công đầu tiên trong việc khởi xướng và xây dựng Bảo tàng.

Kể về ý tưởng thành lập Bảo tàng, ông Lâm Văn Bảng cho biết, năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông (Công ty 208 quản lý đường bộ), khi chỉ huy sửa chữa cầu Giẽ, đơn vị của ông phát hiện ra một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu, sau khi vớt lên, rút thuốc, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày.

Việc làm này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người. Kể từ năm 1985, ông quyết tâm sưu tầm những kỷ vật thời chiến tranh. Với phương châm “4 tự” - tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm, ông cùng với những cộng sự là các cựu chiến binh, không quản ngạn khó khăn, vất vả rong ruổi khắp cả nước để sưu tầm hình ảnh, hiện vật. Những ngày đầu, các hiện vật được trưng bày có tên giản dị: “Phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” vỏn vẹn có 12m2.

Đến năm 2007, sau khi kêu gọi sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và nguồn kinh phí từ xã hội hóa, hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thành, Bảo tàng chính thức được tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định công nhận với tên gọi “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”. Đây là lần đầu tiên một bảo tàng tư nhân ở Việt Nam thành lập và được công nhận. Bản thân ông Lâm Văn Bảng quyết định lấy phần đất hương hỏa của gia đình là 2.000 m2 cho hoạt động của bảo tàng.

Không gian trưng bày trong Bảo tàng.

Không gian trưng bày trong Bảo tàng.

Gần 20 năm kể từ ngày thành lập, đến nay, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã sưu tầm được hơn 4.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh là những câu chuyện sống động bằng hiện vật. Ông Lâm Văn Bảng hiện là thương binh ¼, từng bị giam ở nhà tù Biên Hòa. Vết sẹo dài ở hai cánh tay là dấu tích ông bị địch đánh đập tàn bạo. Tại đây, ông được các đồng đội chăm sóc tận tình. Ông Bảng nói rằng, nếu không có đồng đội, tôi không sống được đến bây giờ. “Tôi thấy mình nợ anh, em một mạng sống. Bảo tàng này như một lời tri ân với đồng đội”, ông Bảng nói.

Ông Lâm Văn Bảng nhớ như in thời gian bị giam cầm ở Trạm biệt giam phân khu B2, hầu như ngày nào cũng có người hi sinh. “Những thân gầy xác ve, lê lết từ nhà điều hành sau khi bị đánh, người này dìu người kia…, những ký ức, hình ảnh đó cứ trăn trở, ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Điều đó thôi thúc chúng tôi muốn làm điều gì đó để tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong các nhà tù của địch thế kỷ XX và là bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ thù”, ông Bảng bùi ngùi.

Ông Lâm Văn Bảng nhớ nhất kỷ niệm về ông Nguyễn Văn Du (ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Mặc dù gia đình khó khăn, anh vẫn cất giữ lá cờ Đảng, thấm đẫm máu của anh em chúng tôi, từng kết nạp đảng khi ở trong tù, từng làm lễ truy điệu cho đồng đội khi ra nhận nhiệm vụ đấu tranh với địch. Anh Dư đã cất giữ như báu vật cuộc đời, sau khi Bảo tàng được thành lập, anh Dư đã trao tặng “báu vật” đó cho Bảo tàng.

Nơi truyền lửa cách mạng

Hiện nay, hàng ngày tại bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Nhiều người đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, song họ vẫn ngày ngày đạp xe hàng chục cây số đến thắp nén nhang cho đồng đội và ôn lại những ký ức hào hùng.

Bên cạnh việc giới thiệu với du khách về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Bảo tàng còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ như: buổi giao lưu tài năng trẻ vừa diễn ra ngày 25/8. Đây là hoạt động thường kỳ lần thứ 4 vào mỗi dịp hè để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên huyện Phú Xuyên. Chi bộ Đảng Bảo tàng cũng đang chuẩn bị hình ảnh, tư liệu để thực hiện triển lãm ảnh Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ vào ngày 1/9/2019.

Với sự tận tâm, tận lực của ông Lâm Văn Bảng và những người đồng đội, những nhân chứng sống của một thời gian lao và hào hùng, Bảo tàng đã làm tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, nhất là cho thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên xã Nam Triều. Bảo tàng đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội khen thưởng. Chi bộ Đảng của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền là Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh. Cá nhân ông Lâm Văn Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/dia-chi-do-ve-lich-su-mot-thoi-hoa-lua-75000.html