Địa chỉ tin cậy của người yếu thế
Ngày càng nhiều người dân Bình Thuận, nhất là những người yếu thế xem Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, thuộc Sở Tư pháp là địa chỉ trợ giúp pháp lý 'tin cậy'.



Người dân đến Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh xin được tư vấn, TGPL.
Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Trung tâm), đóng tại Sở Tư pháp, số 6, đường Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết luôn tiếp nhiều công dân. Trong số đó có nhiều người là người nghèo, người yếu thế.
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng ở họ đều có chung mong muốn là được tư vấn, trợ giúp, hướng dẫn các thủ tục pháp lý liên quan quyền lợi bản thân, gia đình.
Trường hợp nam sinh NTQH, sinh năm 2008 ở huyện Tuy Phong bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án “trộm cắp tài sản” xét xử tại tòa án huyện năm 2024 là điển hình. H đã đến Trung tâm xin được trợ giúp pháp lý miễn phí vì mình trong diện được hưởng chính sách nhân văn này. Nhờ trợ giúp viên pháp lý nỗ lực bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nên H được hưởng mức án thấp hơn theo mức đề nghị của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường không bỏ lỡ việc học hành.
Mỗi một vụ việc đều gắn liền với những số phận, hoàn cảnh éo le, những góc khuất trong cuộc sống đời thường. Có người đến Trung tâm chỉ để giãi bày, tâm sự với các luật sư về những khúc mắc, bế tắc phát sinh từ mâu thuẫn, tranh chấp giữa vợ chồng, cha - con, anh em trong gia đình hay giữa hàng xóm láng giềng với nhau, con cái không biết nghe lời... Những lúc ấy, các trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên của Trung tâm không chỉ tư vấn những vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật, mà còn dành thời gian lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm và đưa ra những lời khuyên có lý, có tình đối với người được tư vấn để giải quyết các mâu thuẫn, xử lý sự việc theo hướng tốt nhất.
Trường hợp chị SCS, sinh năm 2004 ở thôn Sông Khiêng, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình bị người chồng bắt giữ con riêng của mình để gây áp lực buộc chị phải về lại nhà tiếp tục chung sống là trong số hoàn cảnh. Chị S đi bước nữa với người chồng hiện tại ở Tân Hải, thị xã La Gi và có thêm 1 người con chung. Do quá trình sống chung thấy con riêng của mình thường xuyên bị người chồng sau này đánh đập nên xảy ra xích mích. S buồn dẫn theo con riêng về lại Sông Khiêng. Sau đó bị người chồng này gọi điện, nhắn tin bằng cả những lời lẽ đe dọa, yêu cầu S quay về nhà. Sau khi được trợ giúp viên pháp lý tư vấn quy định pháp luật về trường hợp của chị… gia đình chị an tâm, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác, như các vụ gây rối trật tự, nhiều em còn đang ngồi trên ghế nhà trường nếu không được trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa của Trung tâm thì phải dừng việc học giữa chừng. Em ĐHĐK, sinh năm 2005 ở Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, đang học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn huyện, bị bạn bè rủ tham gia vào một vụ án gây rối trật tự công cộng là một minh chứng. Nhờ trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên của Trung tâm, K được hưởng 12 tháng tù treo thay vì mức án của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là 12 – 18 tháng tù. “Tôi rất vui khi K được hưởng án treo. Đó là nhờ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, nơi là địa chỉ trợ giúp pháp lý “tin cậy” của người nghèo, người yếu thế như chúng tôi...”. ông ĐVH cha của K nói trong vui mừng khi K được hưởng án treo không lỡ việc học hành.
Bà Nguyễn Thị Kiều Châu - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết, chứng kiến nhiều vụ trẻ vi phạm pháp luật, chúng tôi rất buồn lòng. Vì đa phần các em chưa đủ tuổi vị thành niên, nhận thức pháp luật còn non nớt, chưa hiểu được hậu quả của việc mình làm cũng như chưa hình dung được mức hình phạt mà hành động của mình gây ra. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần, dẫn tới mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng. “Sau khi tiếp nhận các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, chúng tôi gặp gỡ từng trường hợp, thăm hỏi các em, dùng cái lý, cái tình phân tích điều hay lẽ phải, xoa dịu nỗi đau của gia đình và các em. Tiếp đó, nhanh chóng làm các thủ tục ngay từ các bước tố tụng ban đầu đến xét xử để bảo vệ quyền và lợi ích cho các em”, bà Châu cho biết thêm.
Với trách nhiệm, sự cảm thông, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý luôn tiếp nhận các vụ việc và nỗ lực giải quyết kịp thời, nhanh chóng được người dân tin tưởng. Trung tâm đã thiết lập mạng lưới tại cơ sở bằng cách lập các chi nhánh giúp người dân dễ tiếp cận trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thực hiện các kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trẻ em cũng như người yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dia-chi-tin-cay-cua-nguoi-yeu-the-129416.html