Chế biến nhau thai người thành viên uống 'bổ dưỡng', 1 cửa hàng đồ ăn vặt bị cảnh sát 'sờ gáy'

Một cửa hàng đồ ăn vặt tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị giới chức y tế địa phương điều tra sau khi bị phát hiện công khai cung cấp dịch vụ chế biến nhau thai người thành viên nang, với quảng cáo là 'giúp cải thiện sức khỏe cho phụ nữ sau sinh'.

Sự việc được lan truyền rầm rộ vào ngày 6/4, khi một cư dân mạng chia sẻ trên diễn đàn rằng cửa hàng Auntie Congee’s Snack Shop, tọa lạc gần Bệnh viện Y học cổ truyền Trường Châu (Changzhou), có cung cấp dịch vụ “xử lý nhau thai” và bán viên nang được làm từ nguyên liệu này.

Các hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy biển hiệu của cửa hàng đề rõ dòng chữ “Placenta Processing” (Xử lý nhau thai). Theo bài đăng, cửa hàng chào giá 800 nhân dân tệ (khoảng 2,7 triệu đồng) cho gói sản phẩm nếu khách không tự mang nhau thai, và 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) nếu khách hàng cung cấp nguyên liệu của chính mình. Chủ cửa hàng khẳng định nguồn nhau thai đều đến từ “các sản phụ tại bệnh viện”.

Người đứng sau mô hình kinh doanh này từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc phụ nữ sau sinh và còn điều hành một cửa hàng trực tuyến tên là Zixuan Maternity Matron Centre, chuyên cung cấp dịch vụ hậu sản như chăm sóc mẹ và bé, chế biến nhau thai, chuẩn bị bữa ăn cho sản phụ và phục hồi sau sinh.

Ảnh: Baidu.

Ảnh: Baidu.

Trên các tài liệu quảng bá, cửa hàng mô tả quy trình chế biến bằng cách xay nhuyễn nhau thai với nhân sâm và các dược liệu khác, sau đó đóng thành viên nang, được dán nhãn Ziheche – thuật ngữ y học cổ truyền Trung Quốc để chỉ nhau thai người. Các poster giới thiệu “tác dụng bổ huyết, tăng cường sức khỏe, giàu protein và dưỡng chất” của sản phẩm, đồng thời cho phép khách hàng “tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình”.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin lan rộng, Ủy ban Y tế thành phố Trường Châu đã vào cuộc điều tra. Trong thông báo ngày 8/4, đại diện cơ quan này trả lời với Jimu News rằng cửa hàng đã bị yêu cầu đóng cửa để kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động. “Chúng tôi đang xác minh nguồn gốc nhau thai. Kết quả sơ bộ cho thấy những mẫu nhau thai không đến từ bất kỳ bệnh viện nào,” đại diện cho biết.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhau thai từ lâu được cho là có tác dụng bồi bổ khí huyết, cải thiện sinh lý và thể trạng suy nhược. Tuy nhiên, do lo ngại về an toàn và đạo đức, Danh mục Dược điển Trung Quốc đã chính thức loại bỏ nhau thai khỏi danh sách dược liệu được phép sử dụng từ năm 2015.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo quy định hiện hành, nhau thai là tài sản cá nhân của sản phụ, và chỉ người mẹ mới có quyền quyết định giữ lại hay tiêu hủy. Việc buôn bán nhau thai dưới bất kỳ hình thức nào đều bị cấm.

Vụ việc đã gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt về mặt đạo đức, quyền phụ nữ và an toàn sức khỏe cộng đồng. “Tôi không thể tin nổi vẫn có người ăn nhau thai như thực phẩm. Thật kinh khủng,” một người viết. Một ý kiến khác gay gắt hơn: “Năm 2025 rồi mà vẫn có người tin vào mấy điều này. Việc xem phụ nữ như một loại ‘siêu thực phẩm’ có phải là phi nhân hóa hay không?”

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng đây là điều không mới. “Ngày trước, các bệnh viện từng hỏi sản phụ có muốn giữ nhau thai không. Nếu giữ lại, nhiều người thực sự dùng nó để chế biến món ăn,” một bình luận viết.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ việc. Trong khi đó, câu chuyện đặt ra những câu hỏi nhức nhối về ranh giới giữa y học cổ truyền, niềm tin dân gian và quy định pháp lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sau sinh tại Trung Quốc.

Ngọc Bảo (Theo SCMP)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/che-bien-nhau-thai-nguoi-thanh-vien-uong-bo-duong-1-cua-hang-do-an-vat-bi-canh-sat-bi-dieu-tra-14189.html