Địa danh quê hương Trường Khánh anh hùng

Văn Cơ – Trường Khánh, một cái tên gọi thân thương mà người dân địa phương nơi đây đã bao đời gắn bó từ thuở các bậc tiền nhân đến đây khai hoang lập ấp, đặt tên làng, tên đất như: Ôi Lôi, Trường Kế, Văn Cơ, Săng-Ke, Khana, Cái Trúc… Những địa danh thân thuộc như còn ẩn chứa bao nhiêu điển tích mà người dân Trường Khánh đã bao đời truyền tụng và nối tiếp nhau giữ gìn.

Trường Khánh là đơn vị hành chính xã, nằm ở vị trí trung tâm một số xã của khu vực nước ngọt thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Trường Khánh, phía Đông giáp xã Châu Khánh, Phú Hữu (Long Phú); phía Tây giáp xã Phú Tâm, An Mỹ (Kế Sách); phía Nam giáp Phường 5 (TP. Sóc Trăng) và phía Bắc giáp xã Hậu Thạnh (Long Phú). Diện tích tự nhiên trên 3.037ha, dân số gần 18.000 người, trong đó người Kinh chiếm trên 53%, người Khmer chiếm 43,8% và người Hoa chiếm gần 14%.

Chợ Trường Khánh ngày nay. Ảnh: KT

Chợ Trường Khánh ngày nay. Ảnh: KT

Theo truyền thuyết và tư liệu sử cũ, thì vùng đất Trường Khánh được khai khẩn từ rất sớm, khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, các thành phần dân cư lần lượt quy tụ về Trường Khánh lập nghiệp, đa số người Kinh, người Khmer và người Hoa sống theo từng cụm dần dần lập xóm, lập ấp, lập làng. Rừng rậm bị đẩy lùi nhường chỗ cho những cuộc mưu sinh của những người yêu đất, thương làng. Nhiều địa danh rất lạ như những truyền thuyết từ buổi đầu vẫn còn lưu lại đến hôm nay như làng Ôi Lôi, người Khmer thường gọi là Sình Tang (nay là ấp Trường Thọ); Văn Cơ, Trường Kế (nay là ấp Trường Thành); Khana (nay là ấp Trường Lộc); Bắc – Chết (nay là ấp Trường Bình). Cùng chung lưng đấu cật để chinh phục thiên nhiên, người dân Trường Khánh dần dần liên kết, hợp sức và quy tụ lại lập nên những xóm, ấp. Với ý chí vượt qua biết bao gian khổ và tinh thần đoàn kết của bao thế hệ nối tiếp nhau, đất đai Trường Khánh từng bước được cải tạo thành vùng đất màu mỡ chuyên canh cây lương thực và cho sản lượng rất cao.

Vị trí tự nhiên của vùng đất Trường Khánh mang hình trụ nằm dọc theo trục lộ giao thông từ Sóc Trăng đi ra Đại Ngãi, nay là Quốc lộ 60. Từ con đường huyết mạch này, Trường Khánh sớm trở thành một địa bàn chiến lược để bọn giặc làm bàn đạp lấn chiếm các vùng đất lân cận. Bọn thực dân Pháp đã hai lần đưa quân từ Đại Ngãi vào theo con đường này để chiếm đóng Sóc Trăng.

Vùng đất Trường Khánh xưa chia ra làm hai làng lấy ranh giới là con rạch Văn Cơ. Làng Ôi Lôi nằm ở phía Sóc Trăng, còn làng Trường Kế nằm ở phía chợ Văn Cơ.

Sau hai làng Ôi Lôi và Trường Kế sáp nhập thành làng Trường Khánh (“Trường” xuất phát từ địa danh Trường Kế, còn “Khánh” xuất phát từ địa danh Tổng Nhiêu Khánh). Sau khi Chi bộ Trường Khánh ra đời vào cuối năm 1932, tại làng Cái Trúc do đồng chí Dương Kỳ Hiệp làm Bí thư. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân hai làng đã gắn bó keo sơn, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa thành một khối thống nhất, đi theo tiếng gọi của Đảng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Tự hào thay Văn Cơ - Trường Khánh, mảnh đất kiên trung đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ với 101 liệt sĩ, 40 thương binh, 8 mẹ Việt Nam anh hùng. Những chiến công đổi bằng máu, của cải của biết bao người lớp trước ngã xuống, lớp sau lại tiếp tục xông lên, nhân dân Trường Khánh đã liên tục cống hiến cho Đảng, cho cách mạng những thế hệ người con ưu tú nhất, những hạt giống đỏ, tiêu biểu như: Dương Kỳ Hiệp, Diệp Pế, Lâm Bi, Trương Phước Lâm, Phù Minh Chiểu, Lâm Quảng Thanh… và những tấm gương chiến đấu oanh liệt đã anh dũng hy sinh như: Diệp Chói, Nguyễn Văn Tiểng, Trà Gương, Trần Văn Sáu (thời chống Pháp); Dương Văn Chữ, Hà Chênh, Trần Văn Đực, Diệp Châu Giác, Lý Sị (trong giai đoạn chống Mỹ) đã nói lên tinh thần yêu nước và mang tất cả tình yêu quê hương vào trận tuyến, chiến đấu, lập nhiều chiến công làm rạng rỡ cho những trang sử vàng son của Đảng bộ, quân và dân Trường Khánh. Sức lực, trí tuệ và cả xương máu của những người chiến sĩ ấy mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của quê hương Trường Khánh.

LÊ TRÚC VINH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-que-huong-truong-khanh-anh-hung-49418.html