'Địa đạo' - bộ phim tầm vóc của Bùi Thạc Chuyên
Sự khốc liệt của chiến tranh, tình yêu và tinh thần hy sinh vì Tổ quốc, tất thảy đứng cạnh nhau, hòa quyện vào nhau, trong bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Genre: Lịch sử, Chính kịch
Director: Bùi Thạc Chuyên
Cast: Thái Hòa, Hồ Thu Anh, Quang Tuấn...
Rating: 8/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim.
Quy tụ những gương mặt có thể xem là tinh túy của điện ảnh Việt hiện tại, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã thu hút sự quan tâm lớn của khán giả lẫn giới quan sát ngay từ thời điểm những thông tin đầu tiên được hé lộ.
Tác phẩm được cầm trịch bởi Bùi Thạc Chuyên, vị đạo diễn đã kinh qua hầu hết hệ thống sáng tạo của địa hạt điện ảnh, từ phim nhà nước (Sống trong sợ hãi; 2005), phim thương mại (Lời nguyền huyết ngải; 2012), cho tới các tác phẩm giàu chất nghệ thuật (Tro tàn rực rỡ; 2022).
Dù ở hình thù nào, điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên cũng khoác lên mình thứ ngôn ngữ cô đọng nhưng giàu tính gợi mở, cố gắng thoát ra những khuôn mẫu thông thường về đề tài. Chính điều đó đã giúp nhà làm phim 57 tuổi trở thành của hiếm của điện ảnh Việt, trong bối cảnh những tác phẩm thị trường liên tục vướng tranh luận về chất lượng, còn các bộ phim độc lập thì ngày càng trở nên khó tiếp cận, xa rời thị hiếu số đông.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối cũng được tạo nên từ thứ ngôn ngữ điện ảnh vừa tinh tế nhưng cũng không kém phần táo bạo đó, khi Bùi Thạc Chuyên chọn cách tiếp cận đề tài chiến tranh Việt Nam theo hướng khác biệt so với những nhà làm phim lão làng thế hệ trước.
Cách tiếp cận đề tài chiến tranh mới lạ
Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lấy bối cảnh tại Củ Chi năm 1967 - khoảng thời gian vùng đất này trở thành mục tiêu càn quét của quân đội Mỹ. Phim xoay quanh đội du kích của Bảy Theo (Thái Hòa), đang bám trụ tại căn cứ Bình An Đông.
Thời điểm này, cả đội nhận lệnh canh chừng các thiết bị quân y, song ẩn sau đó là nhiệm vụ bảo vệ nhóm tình báo chiến lược của Việt Cộng. Tín hiệu vô tuyến phát ra từ những buổi truyền tin vô tình làm lộ vị trí của địa đạo. Cứ sau mỗi lần phát tín hiệu, đội du kích của Bảy Theo phải liên tục hứng chịu những trận bom khốc liệt từ quân đội Mỹ.

Tạo hình của Thái Hòa trong phim.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ những buổi truyền tin đầy cam go, chuyện phim còn đan xen tái hiện đời sống của những người lính du kích bên dưới căn hầm địa đạo. Giữa họ là tình thân, tình đồng chí, và cả tình yêu đôi lứa. Nổi bật là mối quan hệ giữa cô lính du kích quả cảm Ba Hương (Hồ Thu Anh) với anh kỹ sư quân khí Tư Đạp (Quang Tuấn).
Dựng dàn giáo là phim chiến tranh, song cách Bùi Thạc Chuyên khai thác đề tài lại tương đối khác biệt so với những nhà làm phim thế hệ trước. Ông chưa đẩy mọi thứ lên mức cao trào dữ dội như Cánh đồng hoang (Nguyễn Hồng Sến; 1979), cũng không nặng nề cảm xúc, tập trung nhiều vào mất mát như Bao giờ cho tới tháng mười (Đặng Nhật Minh; 1984).
Hai chủ thể quen thuộc của dòng phim chiến tranh – những chiến công vang dội và số phận con người trong dòng chảy lịch sử – không là trung tâm trong Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Thay vào đó, Bùi Thạc Chuyên thu hẹp quy mô câu chuyện, hướng ống kính vào những lát cắt mang tính cá nhân hơn, nơi đời sống của người lính cách mạng trở thành sợi dây dẫn dắt cảm xúc. Cũng vì thế mà nhịp điệu phim được co dãn nhịp nhàng, với việc tái hiện xen kẽ sự khốc liệt nơi chiến trường Bình An Đông với những câu chuyện đậm tính con người.
Phía dưới bom đạn của kẻ thù, khán giả được thấy: những người lính cùng nhau thong thả xem phim, trò đùa hóm hỉnh dù chưa biết ngày mai ra sao, tình yêu được nảy nở giữa bão lửa, những cơn dồn nén được giải tỏa (cảnh nóng đầu tiên), khao khát được sống thật với chính mình (cảnh nóng cuối cùng), cái chết bất thình lình bởi chiến tranh, nỗi đau mất người thân bị kìm nén... Tất thảy tạo nên một bức tranh vừa sinh động nhưng cũng bi tráng về đất thép Củ Chi.
Người lính dưới lăng kính của Bùi Thạc Chuyên trở về đúng với bản thể con người - họ vẫn run sợ, mắc sai lầm, vì căm thù mà bất chấp mệnh lệnh hay không dám đối diện với tội lỗi của bản thân. Nhưng có một thứ vẫn giữ chân người lính trụ lại mảnh đất địa đạo, chịu đủ mọi khổ sở về cả thể chất lẫn tinh thần, đó chính là tình yêu nước.
Song, cũng vì cách tiếp cận đó mà tổng thể câu chuyện của Địa đạo thiếu đi đôi chút sự kịch tính. Nhịp phim không quá gấp gáp, các diễn giải cũng thiên về chiều sâu nội tâm hơn là các cao trào cảm xúc. Những điều đó khiến tác phẩm không quá hấp dẫn theo lối thông thường mà đòi hỏi khán giả phải kiên nhẫn để nắm bắt hết dụng ý của đạo diễn.

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối có kinh phí sản xuất 55 tỷ đồng.
Bộ phim tầm vóc
Ngay từ khi mở đầu, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã lập tức gây ấn tượng về phần nhìn nhờ bối cảnh khu rừng cháy được tái hiện chân thật lẫn cách sử dụng màu sắc để truyền tải không khí phim. Trong các cảnh bên ngoài địa đạo, đạo diễn sử dụng tone màu xám tro và nâu đất, với độ bão hòa bị giảm mạnh. Cách xử lý này tạo nên những khung hình hoang tàn, khắc nghiệt thường thấy trong các phim chiến tranh (1917, Saving Private Ryan) hoặc hậu tận thế.
Trong khi đó, bên trong địa đạo là một gam màu nâu vàng trầm ấm, với đèn dầu trở thành nguồn sáng chủ đạo. Ở không gian này, những cú máy mô phỏng điểm nhìn của nhân vật được tận dụng triệt để. Sự rung lắc, các chuyển động tịnh tiến chậm chạp của máy quay, đã nói lên phần nào những căng thẳng và bất an của các nhân vật nơi địa đạo.
Ngoài những xử lý hình ảnh và máy quay ở tiêu chuẩn quốc tế, sự cầu kỳ trong dàn cảnh của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối cũng mang dáng dấp của một tác phẩm có tầm vóc. Từ những chi tiết lớn lao như khí tài quân sự, cảnh xe tăng đốt rừng, những tình huống cháy nổ, cho đến những tiểu tiết như cách Tư Đạp cưa bom chế mìn hay những con gián, con ếch trong hang địa đạo, tất cả đều mang đến sự chân thật, gợi cảm giác như đang theo dõi một phóng sự về chiến tranh.
Song với việc gần như không có nhân vật chính rõ ràng và nhiều tuyến truyện đan xen chồng chéo, tổng thể của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đôi khi trở nên khó theo dõi. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trung thành với cách kể "show don't tell" trong bối cảnh có quá nhiều tuyến truyện, khiến phim trở nên dày đặc tình tiết. Nhiều chi tiết xuất hiện rồi biến mất một cách đột ngột, gây khó khăn cho khán giả trong việc nắm bắt toàn bộ câu chuyện.

Mối tình giữa Ba Hương và Tư Đạp trong phim.
Bàn về diễn xuất, dàn diễn viên trong Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã có màn thể hiện tương đối tròn trịa. Hầu hết đều cho thấy sự tâm huyết với vai diễn, từ thay đổi ngoại hình cho đến việc sử dụng thuần thục các món vũ khí. Thái Hòa, dưới sự chỉ đạo của Bùi Thạc Chuyên, mang đến một màn trình diễn tiết chế hơn mọi khi. Anh tập trung vào ánh mắt, tạo sự xung đột bên trong thay vì những phân đoạn bùng nổ cảm xúc thường thấy.
Trong khi đó, Quang Tuấn gây ấn tượng mạnh với hình ảnh gầy gò, lam lũ. Những tương tác linh hoạt của anh với các đồ quân dụng và vũ khí xung quanh cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng cho vai diễn. Hồ Thu Anh cũng khẳng định sự tiến bộ trong diễn xuất khi hóa thân thành một nữ du kích can trường nhưng cũng đầy nữ tính khi yêu. Tuy nhiên, giọng lồng tiếng miền Nam của cô chưa thật sự tự nhiên, đôi lúc làm ảnh hưởng đến mạch cảm xúc của khán giả.
Dù vẫn còn một số vụng về trong kịch bản, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối vẫn là một trong những phim Việt nổi bật nhất những năm gần đây. Hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim cho thấy sự xứng tầm với những kỳ vọng về một tác phẩm điện ảnh chất lượng và ý nghĩa.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dia-dao-bo-phim-tam-voc-cua-bui-thac-chuyen-post1543106.html