Địa đạo - đánh đố vẫn hút khách
Địa đạo đang sốt vé và đầy hứa hẹn sẽ lập những dấu mốc bao gồm phim đề tài chiến tranh cách mạng có doanh thu cao nhất. Hoặc phim không dễ hiểu nhưng lại thu hút đông người xem nhất(?) Khán giả xem phim đồng nghĩa với chấp nhận bị đạo diễn đánh đố. Hơn nữa, cũng chẳng có một đáp án nào rõ ràng cho những cảnh quay lướt qua mắt bạn...
Sự so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng không loại trừ cơn sốt “trên trời rơi xuống” của Đào, phở và piano- cũng thuộc dòng chiến tranh cách mạng đã góp phần tạo bối cảnh thuận lợi cho sự chào đời được trông chờ của Địa đạo. Tất nhiên cộng cả thương hiệu sẵn có Bùi Thạc Chuyên tạo dựng được từ Sống trong sợ hãi (2005)- đầy cá tính trong cách đặt vấn đề về hậu chiến. Tro tàn rực rỡ (2022)- một cố gắng tiếp cận thị trường với cốt truyện của cây viết ăn khách Nguyễn Ngọc Tư, và không loại trừ khả năng là bước đệm để Bùi Thạc Chuyên xâm nhập không gian văn hóa Nam bộ tiến tới hoàn thiện công trình của cuộc đời (tính đến lúc này): Địa đạo.

Bùi Thạc Chuyên chỉ đạo diễn xuất tại phim trường mô phỏng bối cảnh địa đạo
Sống và yêu kiểu Địa đạo
Quang Tuấn là diễn viên được “gạn lọc” từ Tro tàn rực rỡ sang Địa đạo. Hai nhân vật khác nhau nhưng chung một nét tâm lý ẩn ức chực chờ bùng nổ. Là một thiên tài về chế tác vũ khí, Tư Đạp (Quang Tuấn) mang trong mình kiểu tính cách “đãng trí bác học”- khi tập trung cao độ cho mục tiêu thì phớt lờ ngoại cảnh. Thành ra khó lường và bị đồng đội nghi ngờ là gián điệp. Và tất nhiên đó là một “ngòi nổ” tốt cho kịch bản khi đặt cạnh đối tác Ba Hương đầy gương mẫu. Làm nên một chuyện tình đậm chất địa đạo.
Phim vẫn có vài tình tiết gây tranh cãi và bị cho là vô lý hay lên gân. Chẳng hạn, cả toán địch mê mải nghe tù binh là một cán bộ cấp cao giảng giải về lịch sử quân sự Việt Nam… “Có thể đó là chuyện có thật mà Thạc Chuyên đã nghe kể lại khiến anh cảm động. Nhưng Thạc Chuyên thừa tài để biết cái thật ngoài đời nếu không khéo dựng sẽ thành cái giả trong nghệ thuật”- bình luận của nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập. Dù sao nó vẫn là một sáng tạo có tính toán của tác giả, phục vụ cho mạch phim. Khác hẳn với kiểu vô lý do vô ý hoặc “lực bất tòng tâm” mà thành.
Thời chiến hay thời bình, người ta cũng vẫn khát sống và không ngừng yêu. Vì khát sống mà chấp nhận hy sinh để bảo vệ lẽ sống. “Yêu” cũng là một cách phản kháng chết chóc. Địa đạo cung cấp bối cảnh và chiến sự đưa đẩy người ta tới điều đó. Vẫn tiếp nối ý tưởng và thông điệp được đặt ra từ Sống trong sợ hãi.
Địa đạo vẫn đủ không gian để khắc họa hai “trường phái” yêu: trong bóng tối, có vẻ bản năng bên cạnh lộ thiên, có kiểm soát. Khi đi kèm với lý tưởng, tình yêu sẽ có động lực và sức sống mạnh mẽ hơn. Diễn biến phim nói lên điều đó. Dù gì việc lồng tình yêu vào phim cũng hết sức hợp lý. Như một xung năng cơ bản của con người, tình yêu sẽ càng bừng lên hoặc được tinh luyện trong chiến tranh và cả lòng đất. Sau tất cả những căng thẳng mà bộ phim mang lại lắng xuống, cái đọng lại rõ nhất là gì nếu không phải một tình yêu vượt qua bom đạn?!
Đáng để xem lại

Đoàn làm phim mời các du kích địa đạo lão thành tới dự buổi chiếu tri ân tại Củ Chi, ngày 10/4
Một trong những điều thú vị mà Địa đạo làm được là để cho câu chuyện tự kể. Nhân vật tự khắc họa chân dung trong từng lần xuất hiện mà lần nào cũng có thể là cuối cùng. Ta sẽ có những cảnh quay tưởng như vu vơ, không trọn vẹn, đôi khi lướt nhanh đến mức khán giả chưa kịp định hình hay cảm nhận… Đâm ra đành phải xem phim lần hai(!)
Phim vẫn bám sát dòng chảy hiện thực. Nhưng khi phải chảy trong một bối cảnh khắc nghiệt là chiến tranh và trong lòng đất, tất nhiên nó không thể lồ lộ như trên mặt sông để chúng ta thoải mái quan sát. Cái gọi là “phong cách tài liệu” cũng là cách để tác giả tái hiện, mô phỏng nhịp sống địa đạo. Chính sự lấp ló của nhựa sống trong lòng đất làm nên sự lấp lánh của một hiện thực vừa dữ dội vừa trữ tình, vừa bi tráng vừa thô ráp. Một thứ chất liệu có thể bật công tắc sáng tạo trong bất kỳ nhà làm phim nào. Song chỉ Bùi Thạc Chuyên dám bỏ ra hơn một thập kỷ để khai mỏ và luyện quặng.
Câu chuyện phát triển tất nhiên theo chiều rộng như từng ngách địa đạo tỏa ra nhiều hướng. Vài nhân vật chính đơn giản được nhỉnh hơn vài khoảnh khắc lấp lánh. Còn lại đều mang vận mệnh và tính cách bao trùm của cư dân lòng đất: Quyết tử cho địa đạo quyết sinh. Tất cả đều bình đẳng về nhân thân- kiểu “lai vô ảnh khứ vô hình”. Họ sẽ vẫn sống và chiến đấu như thế dù được biết đến hay không. Thậm chí họ còn không được biết cụ thể mục tiêu phải bảo vệ bằng cả tính mạng là gì. Đúng quán triệt của Hai Thưng: “Chiến tranh mà, chấp nhận thôi”.
Và thực tế chiến đấu ở đây trở thành cứu cánh không khoan nhượng. Khi kẻ thù ráo riết và điên cuồng tìm mọi cách triệt đường sống của cư dân địa đạo. Có ý kiến cho rằng cái kết nhân đạo của phim có phần khiên cưỡng. Nhưng chưa chắc nhé! Phim không có cảnh cho tù binh hấp hối uống ngụm nước. Và hãy để ý quân ta vẫn đang ở dưới lòng sông, tức “thủy đạo”. Không phải để lẩn trốn mà để chờ kẻ địch tới... Phim dừng lại ở đó để cho thấy cuộc chiến giữa hai đội quân trên và dưới mặt đất vẫn tiếp diễn đến cùng.

Ba Hương - vai diễn ra mắt ấn tượng của người mẫu Hồ Thu Anh. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Địa đạo nối dài…
Thực tế không thể lên danh sách hàng ngàn người đã sống và hy sinh trong “vũ trụ địa đạo”. Sự vô danh của họ làm nên một tượng đài về chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước cũng như những tuyệt kỹ về sinh tồn trong lòng đất cùng mưa bom bão đạn.
Khi khai thác hiệu quả những chủ đề này, Địa đạo tự nhiên có được sức hút khó cưỡng. Phim hấp dẫn khán giả Việt đương nhiên vì khắc họa sử Việt chi li, lại theo kiểu ít ai làm (khai thác cả tình dục, không né tránh thương vong hay nỗi hoảng sợ…). Ngoài ra nó cũng sẽ hấp dẫn bất cứ ai tò mò vì sao người ta có thể sống được lại còn đánh giặc từ bên dưới lòng đất cả chục mét. Có một nguồn sáng gì soi rọi họ từ bên trong chăng. Tác giả gọi đó là “mặt trời”. Cũng là một cách thêm từ khóa cho phim. Vì nếu chỉ gõ “Địa đạo” không, ta sẽ được vô số chứng tích lịch sử về các kiểu địa đạo mà Việt Nam đã sử dụng qua chiến tranh.
Địa đạo tất nhiên sẽ làm dấy lên nhu cầu tìm hiểu về lịch sử chiến tranh. Hy vọng ai đó hoặc chính ê-kíp của Bùi Thạc Chuyên đã có sự chuẩn bị cho loạt sản phẩm truyền thông sau phim điện ảnh kịp đón đầu xu thế này. Nếu Chuyên là tác giả của Địa đạo 2 hay Địa đạo phiên bản tài liệu thì cũng là hợp lý. Còn hiện tại với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối- vị trí đại diện số một của điện ảnh Việt hôm nay khó ai cạnh tranh nổi với anh.
Chất lượng đột phá và thắng lợi phòng vé của Địa đạo rất có thể tạo nên thách thức và cũng là động lực để nhiều nhà làm phim tài năng không ngại đương đầu với thể loại phim lịch sử chiến tranh khó nhằn. Trường hợp này cũng sẽ làm thức tỉnh nhiều nhà đầu tư- mạnh dạn đứng về phía dòng phim nghệ thuật không loại trừ tiềm năng thương mại. Qua đó mặt bằng điện ảnh Việt có thể được nâng lên cả về lượng và chất.
Út Khờ có thực sự khờ?
Nhân vật Út Khờ chuyên chở nhiều ẩn ý của Địa đạo…
Địa đạo mô tả nhiều hơn hai mối tình. Nữ du kích Út Khờ đích thực là một nghệ sĩ nên có thêm chức năng văn công cho đồng đội. Nhiều cảnh cho thấy nhân vật do Diễm Hằng Lamoon thể hiện thường ở trong trạng thái lơ ngơ có thể khiến khán giả lầm tưởng cô bị thất tình hay bấn loạn bởi bom đạn… Phim có hai cảnh cô bị một nam du kích giấu mặt cưỡng bức. Nhưng Út Khờ cam chịu, không tố cáo cũng không lật mặt người kia. Hắn giấu mặt với khán giả nhưng có thực giấu được Út Khờ?!
Sau khi xâu chuỗi các cảnh phim có liên quan, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định Út Khờ có yêu. Và đó là một “tình yêu mênh mông hơn rất nhiều” so với tình yêu đôi lứa thông thường. Tức là cô biết có hơn một người đến với mình vì nhu cầu bức bách trong hoàn cảnh có thể chết bất cứ lúc nào. Và cô quyết định “cho” đồng đội của mình bất kể đó là ai. Chắc cũng không còn cách kể nào tốt hơn để khắc họa kiểu tình yêu bất thường (ứng với hoàn cảnh bất thường) đồng thời cũng là một sự hy sinh thầm lặng nhường này…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dia-dao-danh-do-van-hut-khach-post1733163.tpo